Theo ghi nhận của Thanh Niên, đề kiểm tra học kỳ 1 môn ngữ văn của các trường THPT tại TP.HCM được thiết kế theo hai dạng chính: đọc hiểu văn bản kết hợp nghị luận về vấn đề xã hội và đọc hiểu văn bản kết hợp nghị luận văn học về một tác phẩm ngẫu nhiên.
Đề kiểm tra tăng độ khó vì ngữ liệu ngoài sách giáo khoa?
Học sinh tại một số trường THPT ở TP.HCM cho rằng cấu trúc đề kiểm tra học kỳ 1 môn ngữ văn chương trình mới có nhiều thay đổi, làm tăng độ khó.
Chẳng hạn, đề kiểm tra của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai có 2 phần: đọc hiểu và viết. Tại phần đọc hiểu văn bản, học sinh sẽ tìm hiểu bài thơ Chiều Thu của nhà thơ Nguyễn Bính (không nằm trong sách giáo khoa lớp 10), phần viết có nội dung phân tích chính đoạn thơ trong phần đọc hiểu văn bản và không có phần nghị luận xã hội.
Một số học sinh tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cảm thấy không tự tin về bài làm của mình và dự đoán chỉ đạt điểm trên trung bình.
Nguyễn Hoàng Chân Như, học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho rằng việc phân tích một bài thơ nằm ngoài chương trình lớp 10 gây khó khăn cho học sinh. Bên cạnh đó, việc cảm thụ văn bản của học sinh và giáo viên là khác nhau nên bài làm của học sinh có thể bị chấm điểm không tương xứng, theo Chân Như.
Đề kiểm tra học kỳ 1 môn ngữ văn Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai |
Thành Công |
Tương tự, N.H.T., học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho rằng học sinh sẽ gặp không ít khó khăn khi phân tích một tác phẩm mới gặp lần đầu. “Có những những ý em phải đọc nhiều lần, chưa kể tác phẩm chứa nhiều phương ngữ nên việc phân tích cũng khá là vất vả”, H.T chia sẻ.
Bên cạnh đó, H.T cho rằng đề kiểm tra năm nay khó và dài khi phải phân tích đến 4 khổ thơ của một bài thơ ngẫu nhiên, trong khi lúc ôn tập, thầy cô chỉ hướng dẫn những dàn bài chung.
Đề kiểm tra ngữ văn không có nghị luận văn học
Là một trong những trường tổ chức kiểm tra học kỳ 1 sớm nhất tại TP.HCM, đề kiểm tra ngữ văn của Trường THPT Trần Văn Giàu khiến học sinh khối 10 bất ngờ.
Cụ thể, đề kiểm tra gồm 3 phần: đọc hiểu văn bản dưới dạng trắc nghiệm trích từ một bài báo về lễ Khai hạ Lăng Ông Bà Chiểu; phần thực hành tiếng Việt xen lẫn trắc nghiệm và sửa lỗi dùng từ dưới dạng tự luận; cuối cùng là phần viết với chủ đề thuyết phục một bạn từ bỏ thói quen nói tục, chửi thề. Đáng chú ý là đề không có phần nghị luận văn học.
Đề kiểm tra học kỳ 1 môn văn của Trường THPT Trần Văn Giàu |
Quang Độ |
Một số học sinh cảm thấy lạ lẫm với đề kiểm tra này. Số khác thì cho rằng đề kiểm tra “dễ thở” vì không phải làm nghị luận tác phẩm văn học. Thậm chí, một số học sinh hoan nghênh kiểu đề thi mở như thế này và tự tin dự đoán sẽ đạt được điểm 8 hoặc 9.
Hoàng Thiên An, học sinh lớp 10 Trường THPT Trần Văn Giàu, cho rằng việc thay thế phần phân tích văn học thành bài văn lý luận là một điểm thú vị. “Dạng đề như vậy giúp em có tư duy độc lập hơn khi làm bài. Một tác phẩm văn học tuy có thể tự cảm nhưng khó mà hiểu sâu, khó nắm bắt được đúng ý tác giả lẫn hiểu ý của thầy cô về tác phẩm đó”, Thiên An chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, Nguyễn Đình Phương Thùy, học sinh lớp 10 Trường THPT Trần Văn Giàu, nhận định: “Sự thay đổi của đề kiểm tra bám sát vào thực tế hơn. Điều này giúp em vận dụng những kiến thức thực tiễn áp dụng với lý luận để giải quyết vấn đề".
Đề kiểm tra có độ phân hóa cao
Thầy Trịnh Văn Khoát, giáo viên ngữ văn Trường THPT Võ Văn Kiệt, TP.HCM, cho hay, Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT định hướng cách ra đề kiểm tra học kỳ theo cấu trúc phù hợp với nội dung chương trình và yêu cầu về đánh giá theo 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết.
Như vậy, đề kiểm tra đã không còn gò bó với những tác phẩm trong sách giáo khoa và có độ phân hóa cao. “Học sinh sẽ có những bỡ ngỡ nhất định khi tiếp xúc với một đề thi với ngữ liệu hoàn toàn xa lạ. Điều này sẽ gây khó cho học sinh có học lực trung bình và trung bình khá. Học sinh học lực khá cũng không dễ để đạt điểm cao", thầy Khoát đánh giá.
Với cách ra đề của Trường THPT Trần Văn Giàu, học sinh khó có thể “học tủ” |
Quang Độ |
Trước những đổi mới trong đề kiểm tra, thầy Khoát cho rằng giáo viên cần cho học sinh ôn tập các kiến thức trọng tâm, vừa học các dạng câu hỏi và ngữ liệu thực tiễn để rèn luyện kỹ năng làm bài.
"Giáo viên cũng nên khuyến khích các em đọc sách, đọc báo để trải nghiệm nhiều hơn những dạng văn bản để biết cách sử dụng từ ngữ trong các văn bản sao cho phù hợp", thầy Khoát nói thêm.
Về việc ra đề nằm ngoài sách giáo khoa, thầy Khoát cho biết, khi dạy học theo đặc trưng thể loại như hiện nay thì những văn bản trong sách giáo khoa chỉ mang tính chất minh họa.
Vì thế, giáo viên cần có những biện pháp giúp học sinh nắm được các đặc trưng thể loại và kỹ năng tiếp nhận tác phẩm thì mới có thể tiếp thu bất cứ bài nào bên ngoài chương trình, theo thầy Khoát.
Bình luận (0)