Đoán đề từ nghe nhạc, xem lịch, bói bài...
Đạt giải nhì học sinh giỏi văn cấp thành phố năm 2022, Ngô Gia Khánh (học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM) cho hay trước khi bước vào buổi thi văn kỳ thi tốt nghiệp THPT, em và bạn bè đã cùng tham gia đoán tác phẩm được trích đoạn trong câu hỏi nghị luận văn học.
Xé lịch đoán đề thi văn tốt nghiệp THPT là trào lưu mới của năm 2022 |
ảnh chụp màn hình |
Nữ sinh chia sẻ: “Ngoài dựa trên ca khúc của những ca sĩ như Đen Vâu, Hoàng Thùy Linh, nhóm em còn quay vòng xoay may mắn, bói bài Tarot hay theo dõi những ‘bàn tay vàng tủ đè’, các bạn ấy đoán bài nào thì chúng em ‘né’ bài ấy ra. Riêng em hay tham khảo đoán đề qua Tarot vì những thông điệp của lá bài dễ liên tưởng tới tác phẩm và ‘có cơ sở’ hơn”.
Còn Lâm Vĩnh Hồng, học lớp 11 cùng trường, thường ngồi xem số liệu, tác phẩm đã ra những năm trước để dự đoán đề thi. “Em cũng thường hay nghe theo những ‘tín hiệu’ từ vũ trụ và tâm linh như xé lịch xem hình ảnh trong đó có liên quan đến tác phẩm nào, đọc bản đồ sao, bói bài Tarot hay theo dõi bình chọn trên mạng”, nam sinh chia sẻ.
Theo Hồng, việc đoán đề văn không chỉ diễn ra ở kỳ thi tốt nghiệp THPT mà còn xuất hiện ở những bài kiểm tra trên lớp hay thi học kỳ. “Đoán đề như là truyền thống không chính thức của học sinh trước khi thi văn, bạn bè em tham gia rất nhiệt tình cả ngoài đời và trên mạng xã hội”, Hồng khẳng định.
Không chọn đoán đề như số đông, Nguyễn Châu Minh Nguyệt (21 tuổi, sinh viên Trường CĐ Broward, Mỹ) lại thường chia sẻ những hình ảnh cái muỗng, trái xoài “được tin là sẽ mang lại may mắn” trên mạng xã hội. “Các trang thường đăng tải hình kèm lời nhắn ‘hãy share (chia sẻ) để đạt điểm cao’ hoặc ‘để vượt qua kỳ thi’ nên tôi cũng muốn cầu may để an tâm hơn”, nữ sinh viên kể về “chỗ dựa” tinh thần.
Không chỉ để “học tủ”
Dù học sinh có nhiều kiểu đoán nhưng Gia Khánh cho rằng em không đặt nặng yếu tố đúng sai và xem hoạt động này “vui là chính”. “Người đoán vui vẻ, người đọc tham khảo khách quan thì sẽ không phát triển thành vấn đề nghiêm trọng”, Khánh nói.
“Đoán đề vui lắm vì nó giúp chúng em có chủ đề thảo luận với nhau, giảm áp lực thi cử. Có bạn còn háo hức đợi tới ngày thi để xem có đoán ‘trúng’ không”, nữ sinh từng đạt giải văn kể, đồng thời cho biết thầy giáo viên ngữ văn cũng biết học trò đoán đề nhưng không nghiêm khắc với vấn đề này.
Nhiều người cũng đồng tình với nhận định này của Khánh và cho rằng hoạt động đoán đề không chỉ mang nghĩa tiêu cực là “để học tủ”. “Với hội bạn của em, nó luôn mang lại những tràng cười và những buổi cá cược vui vẻ ai đoán trật phải bao chầu trà sữa. Chính điều đó giúp buổi thi văn trở nên vui vẻ và thoải mái hơn nhiều”, Vĩnh Hồng chia sẻ.
Có thể vi phạm pháp luật
Đó là nhận định xoay quanh hoạt động đoán đề thi của một giáo viên tại Q.3, TP.HCM có hơn 10 năm kinh nghiệm làm giám thị từ kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng và đến bây giờ là kỳ thi tốt nghiệp THPT.
“Các em muốn đoán thì cứ đoán, không có quy định cụ thể về vấn đề này cũng như không có căn cứ để quy tội nếu đoán ‘trúng’. Tuy nhiên, học sinh không được ‘gắn’ tên giáo viên vào dự đoán của các em vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến danh dự cá nhân thầy cô và có thể vi phạm pháp luật”, giáo viên này nói.
Hình ảnh trong các MV của rapper Đen Vâu cũng được “săn đón” nhiệt tình trong quá trình đoán đề mỗi năm |
ảnh chụp màn hình |
Trong khi đó, thạc sĩ Lê Trần Diệu Thu (giáo viên văn Trường CĐ Xây dựng công trình đô thị, Hà Nội) nhận định trào lưu dự đoán tác phẩm trong đề thi ngữ văn nở rộ là do môn học này không có nhiều tác phẩm được sử dụng trong đề thi nên học sinh có thể tự đoán. “Các môn khác thì có lượng kiến thức thi được chia thành nhiều câu hỏi nhỏ nên việc đoán đề là rất khó”, cô Thu nhận định.
Cũng theo cô Thu, hoạt động đoán đề hoàn toàn không vi phạm quy định trong nhà trường, tuy vậy học sinh không nên tốn thời gian dự đoán. “Bởi lẽ 12 năm ăn học chỉ gói gọn trong hơn chục tác phẩm thi, việc dự đoán và học tủ theo nó sẽ khiến các em bị hổng kiến thức và tỷ lệ trúng tác phẩm thi sẽ không cao, để lại những hệ lụy không mong muốn”, nữ giáo viên khuyên.
Cô Vũ Thị Bích (giáo viên văn Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, TP.HCM) cũng cho rằng không có thông tư, văn bản nào cấm học sinh và cả giáo viên đoán đề, vì thế hoạt động này không vi phạm nội quy nhà trường.
Tuy nhiên, nữ giáo viên cũng cho hay gọi đoán đề là chưa chính xác, vì không ai biết sẽ ra đoạn nào hay yêu cầu gì trong đề thi. "Gọi là đoán những bài trọng tâm thì đúng hơn, như giáo viên và HS vẫn đùa vui câu chuyện ra đúng bài trọng tâm nhưng sai đoạn hay yêu cầu là 'trúng tủ' nhưng lại 'lệch ngăn'", cô Bích nói.
Bình luận (0)