Những con số báo động
Mới đây tại hội thảo “Vận động thể lực ở trẻ em và trẻ vị thành niên, vai trò và định hướng khuyến khích vận động” diễn ra ở Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, một nghiên cứu được công bố cho thấy tỷ lệ học sinh (HS) thừa cân - béo phì chung của 3 bậc tiểu học, THCS, THPT ở mức 43,7%. Con số này đã tăng gần gấp đôi so với 10 năm trước (năm 2009 với 21,9%).
Ngày 27.12, báo cáo công tác khám sức khỏe HS năm học 2021 - 2022 do Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) công bố cho thấy tình trạng HS thừa cân - béo phì tại TP.HCM chiếm tỷ lệ cao nhất (28,96%) trong số các bệnh tật học đường. Tỷ lệ HS thừa cân - béo phì tăng cao ở khối tiểu học và có chiều hướng giảm dần từ khối THCS đến THPT.
Tỷ lệ học sinh thừa cân - béo phì ở TP.HCM đang tăng |
THÚY HẰNG |
Hai nguyên nhân chủ yếu
Bác sĩ chuyên khoa I Phan Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Nhi - Nhiễm, Bệnh viện Quận 8 (TP.HCM), chưa quên được bệnh nhi đến khám vào tháng 11.2022 với triệu chứng đau đầu. Cậu bé học THCS, nặng hơn 80 kg.
“Đó chưa phải là bệnh nhi thừa cân - béo phì có cân nặng lớn nhất từng khám ở đây. Mấy tuần trước có nữ sinh lớp 10 nặng 82 kg, nhập viện điều trị loét dạ dày. Có bạn nặng 90 kg. Hay HS nam một trường THPT tại Q.7 nặng 115 kg”, bác sĩ Thanh Hà cho biết.
Thực tế rất đáng báo động hiện nay là HS phải học quá nhiều, học trên trường rồi đi học thêm, làm bài tập về nhà, các em không có thời gian để dành cho các hoạt động thể dục thể thao. Bác sĩ PHAN THỊ THANH HÀ
Kể với bác sĩ, nam sinh nặng 115 kg cho hay mình thường xuyên đau đầu nhưng được mẹ mua thuốc về uống, thấy đỡ lại đi học, cho tới hôm đó bị sốt nên mẹ bạn đã đưa vào viện kiểm tra. Bác sĩ phát hiện ra bạn bị huyết áp cao, rối loạn mỡ máu.
“Tôi hỏi chuyện thì được biết các ngày trong tuần bạn phải học, làm rất nhiều bài tập về nhà. Kể cả thứ bảy, chủ nhật cũng ôn bài. Sau khi tôi cảnh báo tới gia đình về tình trạng nguy hiểm của con trai, mẹ của bạn này mới “cắt” thời gian học thêm cuối tuần của con, để con được đi tập thể thao và nay con đã giảm được 10 kg. Người mẹ này cũng cho hay không người mẹ nào không xót khi nhìn con học hành quá vất vả nhưng nếu con không xong khối lượng bài, không theo kịp chương trình thì cả mẹ cả con đều bất an”, bác sĩ Thanh Hà kể.
Bác sĩ Thanh Hà cho biết các nguyên nhân gây thừa cân - béo phì ở HS có thể kể đến chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ăn nhanh, không nhai kỹ thức ăn, ăn nhiều thức ăn nhanh (fast food), thích uống nước ngọt có ga, nhịn ăn sáng nhưng lại ăn nhiều vào buổi tối... Một số em có bệnh lý bẩm sinh di truyền có bất thường gien. Đồng thời, lối sống ít vận động, không tham gia các hoạt động thể dục thể thao, chỉ ngồi một chỗ ăn rồi học, xem ti vi, chơi game dẫn tới tình trạng thừa cân béo phì gia tăng.
“Thực tế rất đáng báo động hiện nay là HS phải học quá nhiều, học trên trường rồi đi học thêm, làm bài tập về nhà, các em không có thời gian để dành cho các hoạt động thể dục thể thao. Trong khi rất nhiều trường học ở TP.HCM sân bãi hạn chế, không có không gian để học sinh chạy nhảy, vui chơi, vận động và tiết giáo dục thể chất đã ít nhưng lại thường xuyên bị “xin” cho các môn khác”, bác sĩ Thanh Hà nhấn mạnh.
Ăn rồi lại học, vừa ăn vừa học
Kể với PV Thanh Niên, nữ sinh tên P.Y.N lớp 10, nặng 82 kg, HS tại H.Nhà Bè, TP.HCM, cho biết từ 6 giờ sáng cho tới 12 giờ đêm - 1 giờ sáng mỗi ngày kín mít lịch trình: học trên trường, học ở lớp học thêm, trung tâm luyện IELTS và tự học ở nhà. P.Y.N thường xuyên nhịn ăn sáng, bù lại ăn tối, ăn khuya nhiều hơn. Trước các đợt kiểm tra định kỳ, có thể N. học tới 3 giờ sáng. Để tiết kiệm thời gian, N. thường vừa học vừa ăn. “Em cũng muốn cuối tuần có thể học vovinam, ra ngoài chơi thể thao với các bạn nhưng cuối tuần cũng dồn bài tập”, nữ sinh kể.
Thừa cân, béo phì tăng nhanh, còn chiều cao trong top thấp nhất
Trong báo cáo kết quả Khảo sát hành vi sức khỏe HS toàn cầu (GSHS) tại VN 2019 được Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT và WHO phối hợp thực hiện, những con số đáng chú ý là tỷ lệ thừa cân tăng từ 5,83% lên 10,62% và tỷ lệ béo phì tăng từ 1,08% năm 2013 lên 1,85% vào năm 2019. Trong khi đó, ở một công bố năm 2019, người VN đứng trong top 15 quốc gia có chiều cao thấp nhất thế giới. Chiều cao trung bình của nam giới VN là 164,7 cm, còn nữ chỉ cao 153,6 cm.
Thạc sĩ Trịnh Đình Dương, giảng viên Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM, thẳng thắn cho hay tỷ lệ HS béo phì ở TP.HCM tăng nhanh, bên cạnh lý do ăn uống nhiều chất béo, ít không gian để vui chơi, vận động, trẻ nhỏ ít phải vận động làm việc nhà thì còn lý do chương trình học hiện nay đòi hỏi trẻ phải học thuộc nhiều, mất nhiều thời gian để trẻ chỉ ngồi yên một chỗ học và học.
“Nghiên cứu cho thấy rằng sự tập trung chú ý của HS lớp 1 chỉ là 10 phút, HS 10 tuổi thì sự tập trung chú ý cũng chỉ được 15 phút thôi. Thế nhưng tiết học lại dài hơn nhiều, đi học ở trường về rồi lại đi học thêm nữa. Trẻ ngồi một chỗ học, từ sáng đến chiều, cả một khối lượng nặng như vậy đè lên khung xương, cả sự phát triển thể chất và tinh thần đều bị ảnh hưởng”, thạc sĩ Trịnh Đình Dương nói.
Cũng theo thạc sĩ Dương, thể thao học đường chưa được quan tâm đúng cách. Để đạt hiệu quả cao nhất với sức khỏe, các em học sinh cần phải được tập đúng cường độ, tần suất, số lần lặp lại, thời gian nghỉ…
Nên tạo điều kiện để trẻ có thể vui chơi, vận động sau những giờ học căng thẳng |
nhật thịnh |
Không nên bắt trẻ học quá nhiều
Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) hôm 27.12 phát đi thông báo rộng rãi những giải pháp phòng ngừa thừa cân - béo phì ở trẻ. Theo đó cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cả ở trường học và ở nhà. Cho trẻ ăn đúng giờ theo bữa, đảm bảo đa dạng thực phẩm, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo lứa tuổi. Không ăn quá nhiều đồ ngọt, thức ăn nhanh…
HCDC nhấn mạnh: “Không nên bắt trẻ học quá nhiều, tạo điều kiện để trẻ có thể vui chơi, vận động sau những giờ học căng thẳng, thông qua các hoạt động đơn giản như đi bộ đến trường, tham gia các môn thể thao (nhảy dây, đá bóng, cầu lông…), làm các công việc nhà (quét nhà, lau dọn nhà cửa…).
Cần hạn chế cho trẻ ngồi lâu xem ti vi, chơi trò chơi điện tử trên máy tính, điện thoại; học sinh cần được ngủ đủ trung bình từ 8 - 10 tiếng mỗi ngày và cần được thường xuyên theo dõi cân nặng, chiều cao...
Bác sĩ Phan Thị Thanh Hà cho biết trẻ thừa cân - béo phì có nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, ung thư, đột quỵ, trầm cảm, ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ. Khi trẻ bắt đầu đi học, trẻ thừa cân - béo phì dễ bị bạn bè trêu chọc, dẫn đến tự ti, không muốn đi học, dần dần thụ động, cô đơn…
“Tôi thật sự mong mỏi chương trình học của HS các cấp được giảm tải, không bị áp lực bài tập về nhà để các em có nhiều hơn thời gian vận động thể chất. Không “xin” tiết giáo dục thể chất. Ít nhất các em cần được vận động thể lực 60 phút/ngày và 3 ngày/tuần. HS dù có học giỏi tới đâu, trí tuệ phát triển như thế nào nhưng cơ thể thấp còi hoặc thừa cân, béo phì thì không thể gọi là khỏe mạnh”, bác sĩ Thanh Hà nói.
Làm các công việc nhà (quét nhà, lau dọn nhà cửa…) cũng là cách giúp trẻ có cơ hội vận động |
t.l |
Một tiến sĩ đang là giảng viên Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao TP.HCM, một trong những tác giả của sách giáo khoa giáo dục thể chất lớp 6, 7 (bộ sách Chân trời sáng tạo) kể với PV Thanh Niên ngay cả nhiều thầy cô ở nhiều trường học cũng chưa ý thức được tầm quan trọng của giáo dục thể chất. “Nhiều giáo viên môn giáo dục thể chất kể không chỉ “xin” tiết cho môn khác, nhiều thầy cô còn không cho HS la hét khi chơi thể thao vì sợ ồn các lớp khác, không cho các em chạy thoải mái ở sân trường hay không cho các em tập luyện nhiều vì nói vận động như vậy ra nhiều mồ hôi, vào lớp học làm sao được”, tiến sĩ này thở dài. (còn tiếp)
Bình luận (0)