Học sinh cá biệt được cô giáo dìu bước khỏi bóng tối cuộc đời

20/11/2015 17:21 GMT+7

Trong quán cà phê nép mình bên đường Hồ Chí Minh, thuộc thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà (Kon Tum), thanh niên người Mường tên Trần Quang Chung (32 tuổi) rơm rớm nước mắt nhớ về cô giáo của mình ngày xưa.

Trong quán cà phê nép mình bên đường Hồ Chí Minh, thuộc thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà (Kon Tum), thanh niên người Mường tên Trần Quang Chung (32 tuổi) rơm rớm nước mắt nhớ về cô giáo của mình ngày xưa. 

Giáo viên Trường dân tộc bán trú Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) chăm sóc bữa ăn trưa cho học sinh - Ảnh: Phạm AnhGiáo viên Trường dân tộc bán trú Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) chăm sóc bữa ăn trưa cho học sinh - Ảnh: Phạm Anh
Ký ức chảy ngược
Chung kể, nhà mình hồi nghèo lắm. Có 5 chị em, Chung là con thứ 3 trong nhà. Ba Chung suốt ngày lăn lộn kiếm ăn: từ chạy xe ô tô đến làm thuê bất cứ cái gì mà người khác gọi để có tiền mua gạo nuôi con và người vợ bị bệnh tim. "Nhà em mái tranh, vách đất, không có cửa bao giờ. Mùa lạnh về mấy chị em tê tái. Ăn thì quanh năm có mấy khi được ăn no", Chung kể buồn. Mắt nhìn ra phía xa, mông lung tìm kiếm ký ức xưa.
Chung đến trường trong cảnh nghèo như vậy. Quần áo xốc xếch, mặt mày lem luốc, dép mang trong chân có mấy khi lành lặn. Thế nhưng dù trôi nổi ra sao, cuối cùng Chung cũng học được đến lớp 8. Lúc này, Chung là học sinh cá biệt nổi tiếng thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Plông (nay là huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum).
Cô Nguyễn Thị Thơ và câu chuyện cũ có học sinh nghèo cá biệtCô Nguyễn Thị Thơ và câu chuyện cũ có học sinh nghèo cá biệt - Ảnh: Phạm Anh
Học lớp 8 được chừng một tháng, một người chị họ của Chung thấy lo cho "cậu em cá biệt", mới gửi Chung vào Trường phổ thông dân tộc nội trú Kon Plông (nay là Trường phổ thông dân tộc nội trú Kon Rẫy) nhờ cô giáo tên Nguyễn Thị Thơ chủ nhiệm giúp đỡ. Hôm đó, Chung bước vào lớp, nép mình bên cửa đợi cô Thơ vào. Chung không nhìn lên cô giáo, mím môi. "Bả nói khó nghe là mình trợn cho… biết sợ", nghĩ trong bụng, nên nín thinh không nói. Thật bất ngờ và làm lòng Chung ấm lại khi ấy (với cái đứa trẻ quen với cái nhìn cảnh giác của thầy cô), là ánh mắt cô Thơ: thiết tha, dịu dàng và sau này lớn lên Chung mới biết, nó có cả sự lo lắng, băn khoăn.
Không hiểu sao từ ánh mắt ánh và những hành động của cô Thơ đã đưa đứa học sinh cá biệt như Chung mỗi ngày ngoan ngoãn thêm, đã nhiều năm rồi không thể nào quên được. Một hôm, vở hết giấy, Chung phải chép bài vào bìa vở. Khi kiểm tra vở, cô Thơ hỏi: "Vì sao không chép vào vở mà chép vào bìa vở thế này?". Chung ấp úng: "Dạ, em quên không mang vở mới". Hôm sau cô Thơ vào kiểm tra 15 phút truy bài đầu buổi học, lại thấy Chung mang vở cũ nên tiếp tục hỏi. "Lúc này em nói thật: mẹ em chưa bán lúa nên chưa có tiền mua vở. Nghe em nói, mắt cô ướt nhè".
Sáng hôm sau, Chung đi học. Lúc ngang qua cổng trường, chú bảo vệ trường kêu vào bảo có ai gửi vở cho Chung. Ngỡ chắc ai đó gửi vở cho người nào đấy nên Chung không dám mang vở mới ra viết bài. Mãi sau cô Thơ thấy Chung vẫn còn dùng vở cũ nữa nên mới hỏi... Lúc này, Chung mới hay, cô Thơ đã cho mình vở. Đó là chưa kể, do Chung không được học nội trú, nên toàn bộ sách giáo khoa đều không được chu cấp. Nhà Chung thì không có tiền mua đủ vở học, lấy gì mua sách. Biết vậy, cô Thơ đã lên thư viện, lấy danh nghĩa mình để mượn sách giáo khoa cho cậu học trò nghèo. Sau này, những cuốn vở cô Thơ tặng, Chung vẫn giữ kỷ niệm. Thế nhưng có một đêm trời mưa to, gió lớn, căn nhà mái tranh vách đất của bố mẹ Chung bị sập nát, những cuốn vở ấy ướt hết, vùi sâu trong bùn đất, hỏng mất. Chung khóc rất nhiều về việc này.
Để tìm hiểu về Chung, cô Thơ cũng đến tận nhà Chung. Từ đó, biết hoàn cảnh của Chung khổ, lâu lâu cô Thơ trích từ đồng lương ít ỏi mua tặng đôi dép, cái nón đội đầu… "Em phải học, sau này không làm gì thì em cũng tự tin vào kiến thức của mình để vào đời", cô Thơ hay khuyên Chung như vậy. Và, cô Thơ cũng theo dõi Chung qua các thầy cô giáo bộ môn, biết Chung ngoan dần và tiếp thu bài rất nhanh. Năm ấy, dù không có cuốn sách giáo khoa về lịch sử, nhưng Chung lại rất giỏi môn này, được trường đưa đi thi học sinh giỏi tỉnh về môn sử. "Em không có sách, nhưng chỉ cần mượn bạn về đọc 2 ngày là em nhớ hết", Chung nói.
Niềm vui đến là năm lớp 8 ấy, lần đầu Chung là học sinh tiên tiến của học kỳ 1. Gia đình Chung vui như hội mà vui nhất là cô Thơ.
Làm lại cuộc đời
Tìm đến nhà cô Nguyễn Thị Thơ vào buổi trưa. Gương mặt cô Thơ hiền hậu, nói giọng huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh và cũng thật bất ngờ: năm cô chủ nhiệm có "học sinh cá biệt" ấy là năm đầu cô ra trường và nhận công tác. Kể lại ngày ấy, cô Thơ bảo: đọc học bạ giáo viên các năm học trước của Chung đã "ớn lạnh": lì lợm, không tham gia các hoạt động, thường xuyên vi phạm, thiếu ý thức xây dựng tập thể… Nhưng, nếu không nhận thì lương tâm áy náy. Chẳng lẽ để một học sinh không còn trẻ con nhưng cũng chưa hẳn người lớn nghỉ học sao? Mình nhận vào thì sẽ kéo theo những chuyện gì đây? Bao nhiêu câu hỏi cứ đặt ra mà không biết trả lời thế nào cho xong.  
Từ khi Chung bước vào lớp, cô Thơ chưa bao giờ tiết lộ bất cứ một khuyết điểm nào về Chung trong quá khứ cho lớp biết, vì sợ các bạn sẽ nghĩ khác về em. Còn bản thân, cô Thơ âm thầm tìm mọi cách quan tâm, gần gũi, theo dõi, nắm bắt thông tin về em từ nhiều phía.
Cô Thơ quyết định tìm đến nhà Chung để tìm hiểu thêm về hoàn cảnh gia đình. "Tôi quá sửng sốt khi nhìn thấy gia cảnh em quá nghèo, mẹ bị bệnh tật. Gánh nặng đôi vai đè lên đầu người bố. Anh chị em khá đông nên càng khó khăn, vất vả hơn. Không hiểu tại sao, từ lúc đó tôi càng thấy thương em vô cùng. Tôi thầm nghĩ rằng tất cả những lỗi lầm em mắc phải có lẽ một phần do hoàn cảnh đưa đẩy, bạn bè cám dỗ. Tôi nghĩ mình phải làm gì đó để giúp em vượt qua khó khăn trước mắt".
Cô Thơ tâm sự, muốn giúp em lắm nhưng đồng lương giáo viên mới ra trường quá ít ỏi. Vì vậy, mới xoay qua giúp bằng cách: đóng quỹ lớp thay em, mua vài thứ linh tinh cho em; động viên em bằng cách kêu gọi cả lớp tùy mỗi em có thể tặng bạn cây bút, quyển vở. Cả lớp cô Thơ chủ nhiệm phần lớn thấu hiểu hoàn cảnh của bạn, ai cũng dành nhau tặng cho Chung vở, bút. Đó như là nguồn động lực, tiếp thêm sức mạnh cho em tiến bộ.
Hiện giờ Chung được phân công về giảng dạy tại cơ sở của Trường Cao đẳng nghề Công nghệ-nông lâm Nam bộ tại huyện Đăk Hà (Kon Tum). Những quá khứ không hay, Chung chôn chặt. Chung nói với tôi đừng viết tên thật của em. Nhưng tôi xin phép Chung, quyết định viết tên thật của em, xem như giúp em tỏ lòng về cô giáo mình hằng yêu quý. Và, cuộc đời này cũng thế, cảm ơn một người từng vấp ngã, nhưng quyết đứng lên bằng sự tri ân! Còn câu chuyện cảm động này, cô Thơ cũng viết lên trong cuộc thi viết do Sở Giáo dục-đào tạo Kon Tum tổ chức viết về những kỷ niệm khi làm công tác chủ nhiệm. Bài thi của cô Thơ được giải 3 toàn tỉnh.
Tôi chạy xe máy, vượt 60km từ TP.Kon Tum lên huyện Kon Plông để tìm hiểu về cô Nguyễn Thị Thơ, giáo viên dạy văn ở đây. Hóa ra qua thầy Hiệu phó Mai Xuân Kiên, tôi còn biết cô còn "hay hơn những gì mình đã nghe". "Học sinh ở đây là người đồng bào dân tộc thiểu số, cô Thơ đã xem các em như con cháu trong nhà. Học sinh được cô Thơ chủ nhiệm là may mắn trong đời học sinh", thầy Kiên nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.