Học sinh cần chuẩn bị gì khi vào lớp 6 chương trình mới?

Nguyễn Văn Lực
Giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa
20/08/2023 13:18 GMT+7

Lên lớp 6, đầu cấp THCS, môi trường học tập hoàn toàn khác so với cấp tiểu học nên không ít học sinh bị lúng túng, bỡ ngỡ với môi trường mới, thầy cô, bạn bè mới, phương pháp học mới…

Để học sinh lớp 6 hòa nhập bắt kịp với nhịp học, thích nghi với môi trường mới, đặc biệt khi các em theo học chương trình Giáo dục phổ thông 2018 mà ở cấp học dưới chưa được tiếp cận, học sinh và phụ huynh cần nắm bắt tìm hiểu một số vấn đề.

Học sinh cần chuẩn bị gì khi vào lớp 16 chương trình mới? - Ảnh 1.

Học sinh từ lớp 5 lên lớp 6 sẽ có nhiều bỡ ngỡ, đặc biệt khi học theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới

ĐÀO NGỌC THẠCH

Học theo môn với thời lượng 45 phút/môn

Ở THCS mỗi giáo viên giảng dạy một môn với thời gian thường là 45 phút/môn, riêng môn ngữ văn, toán có tiết đôi là 90 phút/môn. Kết thúc mỗi tiết học này sẽ chuyển sang tiết học môn khác, do vậy các em phải thật tập trung để lắng nghe, tiếp thu, nắm vững kiến thức mỗi tiết học, môn học nếu không sẽ ảnh hưởng đến tiết học sau, môn học liền sau.

Nhiều môn học mới, cách học mới

Năm học 2023-2024 là năm thứ 3 thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 4, 8, 11 bên cạnh các khối 6, 7 và 10. Các em học sinh lớp 6 mới (lớp 5 cũ học chương trình 2006) không tránh khỏi bỡ ngỡ khi tiếp cận với những môn học mới như: Khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, nội dung giáo dục địa phương, nghệ thuật. 

Với chương trình mới, phương pháp mới, dạy học phát huy năng lực phẩm chất học sinh ở cấp THCS sẽ khác so với cách dạy cầm tay chỉ việc ở cấp tiểu học nên để học tập tốt và thích nghi nhanh thì các em cần phải thay đổi phương pháp học. Theo đó, trong từng tiết học, các em cần tập trung lắng nghe thầy cô giảng và ghi nội dung kiến thức chính thầy cô hướng dẫn. Thầy cô chỉ là người định hướng, còn học sinh chủ động với việc học của mình.

Kiểm tra, đánh giá theo cách mới

Cấp THCS thực hiện kiểm tra, đánh giá học sinh theo Thông số 22/2021/TT-BGDĐT, ngày 20.7.2021. Đánh giá bằng nhận xét đối với các môn học: Giáo dục thể chất, nghệ thuật, âm nhạc, mỹ thuật, nội dung giáo dục của địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Đánh giá bằng nhận xét kết hợp bằng điểm số đối với các môn học: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ, giáo dục công dân, khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, tin học… 

Số lần kiểm tra (cột điểm) tương ứng từng môn học khác nhau căn cứ trên số tiết học từng môn theo quy định gồm: Kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ (kiểm tra giữa kỳ và kiểm tra cuối kỳ) ít nhất 8 cột điểm/môn học/năm. Vì vậy phụ huynh quan tâm nhắc nhở các em chủ động trong việc học bài, ôn bài và làm bài tập ở nhà để đạt được kết quả cao khi kiểm tra.

Học sinh cần chuẩn bị gì khi vào lớp 16 chương trình mới? - Ảnh 2.

Cùng trẻ đi mua sắm dụng cụ học tập cho năm học mới cũng là cách giúp trẻ dần quen trở lại trường

NHẬT THỊNH

Xây dựng ý thức tự học

Nhiều phụ huynh ngay từ hè cho các em đi học thêm trước chương trình lớp 6 một số môn như ngữ văn, toán, tiếng Anh với hy vọng theo kịp bạn bè.

Theo nhiều thầy cô, với chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nội dung kiến thức đảm bảo mức độ vừa phải, yêu cầu cần đạt trong mỗi tiết học bài học vừa sức đối với học sinh. Vậy các em chỉ tập trung học ở trường, lớp là đạt yêu cầu không cần phải học thêm, trừ những em tiếp thu chậm cần được thầy cô hướng dẫn phụ đạo thêm. Điều quan trọng nhất và lâu dài là thầy cô, phụ huynh rèn cho các em ý thức tự học, rèn cho các em thói quen sau khi học ở trường về cần xem lại kiến thức đã học rồi làm bài tập thầy cô hướng dẫn đầy đủ thường xuyên.

Chuẩn bị cho trẻ trở lại trường

Từ tuần sau, học sinh ở nhiều địa phương sẽ chính thức tựu trường. Gần 3 tháng vừa qua trẻ đã quen với thời gian nghỉ ngơi, vui chơi nên giờ đây cần phải thay đổi lịch sinh hoạt khi trẻ quay trở lại trường.

Phụ huynh đừng để đến sát ngày tựu trường mới nhắc nhở con chuyện học hành. Hãy cùng con mua sắm đồ dùng học tập, gợi mở câu chuyện thú vị của việc học, khơi lên nỗi nhớ bè bạn trong lòng con trẻ để kích hoạt cảm xúc, thói quen đã tạm thời ngắt quãng trong mấy tháng hè.

Xếp gọn lại thời khóa biểu hè để bật dần sang chế độ thích ứng với 9 tháng học hành. Việc học bận rộn sẽ cuốn trẻ xoay theo thời khóa biểu với lịch học chính khóa, học thêm, học năng khiếu, học câu lạc bộ… dày đặc. Khoảng thời gian vui chơi thoải mái trong hè cần được thu gọn lại. Trẻ cần có thời gian để thích nghi với sự điều chỉnh và chúng ta hãy tạo cơ hội cho trẻ hòa nhập dần. Đừng để nước đến chân mới nhảy, mai tựu trường vẫn vô tư chơi đùa tận khuya, ngày kia khai giảng vẫn chưa bao bọc sách vở.

Những khởi động đầu năm học mới không nên bắt đầu bằng tiếng la hét, lời quát mắng, câu nạt nộ của bố mẹ. Hãy thảo luận với con rõ ràng về kế hoạch năm học, thống nhất cách điều chỉnh nếp sinh hoạt phù hợp. Tập cho con ngủ sớm để dậy sớm từng chút một. Tách dần con khỏi thiết bị di động bằng cách giới hạn thời gian sử dụng ngắn dần…

Tuần sinh hoạt tập thể trước ngày khai giảng rất quan trọng. Đó là khoảng thời gian kết nối giữa thầy và trò, hòa nhập với môi trường học đường tạm thời chững lại sau 3 tháng hè, tập tành nền nếp trường lớp bị lãng quên lâu nay. Đó cũng là khoảng thời gian quý giá để phụ huynh nắm bắt tình hình ban đầu của con khi quay trở lại trường học, kịp thời phát hiện biểu hiện lơ là học tập hoặc chểnh mảng trong thái độ, hành vi, từ đó kết hợp với giáo viên tìm giải pháp giáo dục hợp lý, tích cực.

Ngày tựu trường sắp đến, đã đến lúc bố mẹ cùng con trẻ xốc lại tinh thần để khởi động năm học mới 

Trang Hiếu




Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.