Học sinh đam mê sống ảo, ngành Giáo dục - Đào tạo đẩy mạnh tư vấn tâm lý

11/11/2017 23:32 GMT+7

Bộ Giáo dục - Đào tạo cảnh báo về biểu hiện sa sút đạo đức , lối sống, đam mê với cuộc sống ảo trong học sinh, sinh viên và cho biết sẽ tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống đối trong trường học.

Trong 2 ngày 10 và 11.11, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã tổ chức hội thảo, tập huấn trực tuyến công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên với đại diện các Sở Giáo dục  - Đào tạo và trường đại học trên cả nước
Báo cáo của Bộ Giáo dục - Đào tạo nêu rõ, bên cạnh những mặt tích cực, dưới tác động của cơ chế thị trường, những ảnh hưởng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, một bộ phận thanh niên, sinh viên có biểu hiện sa sút về đạo đức, lối sống, thiếu trung thực, lười lao động, thích hưởng thụ; số ít còn rơi vào tình trạng cờ bạc, rượu bia, chơi game, đặc biệt là nghiện điện thoại di động, đam mê với cuộc sống ảo.
Tình trạng bạo lực học đường vẫn xảy ra. Một bộ phận học sinh, sinh viên vẫn chưa nhận thức được đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của mình.

tin liên quan

Văn hóa học đường sa sút
Những vụ việc bạo lực học đường như thầy cô đánh học sinh, phụ huynh đánh giáo viên, học sinh đánh nhau ầm ĩ trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng gần đây khiến dư luận lo ngại về sự sa sút của văn hóa trong trường học.
Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính trị, Công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục - Đào tạo), cho biết Bộ đã chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá các môn đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục chính trị cho học sinh, sinh viên trong chương trình giáo dục hiện hành, triển khai giảng dạy bộ tài liệu hướng dẫn “Giáo dục kỹ năng sống trong các môn học” ở các cấp học phổ thông.
Bộ cũng sẽ tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống thông qua hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, các phong trào thi đua cho học sinh, sinh viên với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với trình độ của học sinh theo từng chủ đề, thời gian cụ thể... Tổ chức giờ học linh hoạt gắn thực tế, gần gũi với cuộc sống.
Cũng theo ông Linh, trong quá trình triển khai xây dựng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục - Đào tạo đặc biệt chú trọng tới nội dung môn học đạo đức và giáo dục công dân và việc giảng dạy đạo đức, lối sống thông qua việc giáo dục chuyển đổi hành vi, trải nghiệm cho học sinh.

tin liên quan

Bệnh 'sống ảo'
Bỏ bê học hành, quên ăn, mất ngủ do dành hầu hết quỹ thời gian để tán gẫu, chơi game và các cuộc gặp gỡ trên mạng, đã được bác sĩ cảnh báo là một loại bệnh.
Nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Giáo dục - Đào tạo chủ động tham mưu đề xuất với chính quyền cơ sở, ngành công an và các lực lượng xã hội ở địa phương triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh, trật tự trường học, phòng chống bạo lực học đường theo từng năm học và thời điểm cụ thể. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục.
Đáng chú ý, theo ông Bùi Văn Linh, thời gian tới, Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông, chương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2017 - 2021.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.