Học sinh đi học trở lại: Tổ chức kiểm tra nhẹ nhàng

12/05/2020 08:12 GMT+7

Kiến thức tinh giản, số bài kiểm tra giảm, học sinh cuối cấp sẽ có thời gian dành cho ôn thi.

Việc kiểm tra sẽ nhẹ nhàng và học sinh(HS) cuối cấp sẽ có nhiều thời gian để ôn tập chuẩn bị cho các kỳ thi là nhận xét của nhiều giáo viên sau khi có những điều chỉnh của Bộ và hướng dẫn cụ thể về số bài kiểm tra sẽ thực hiện trong học kỳ 2.

Giảm số lượng bài kiểm tra

Trước đây, khi chưa có những điều chỉnh Thông tư 58 về kiểm tra đánh giá HS trung học, giáo viên Võ Kim Bảo, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM), cho biết dự kiến HS sẽ liên tục làm các bài kiểm tra 1 tiết ngay khi trở lại trường sau thời gian nghỉ học do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Chẳng hạn, với môn ngữ văn lớp 9, HS sẽ vừa củng cố kiến thức vừa học theo kịp chương trình, vừa hoàn thành 4 bài kiểm tra 1 tiết và 1 bài kiểm tra học kỳ. Mỗi HS ở học kỳ 2 sẽ phải hoàn thành tổng số hơn 30 bài kiểm tra, trong đó có gần 20 bài kiểm tra 1 tiết và 11 bài kiểm tra học kỳ. Giáo viên này cho biết việc thực hiện các bài kiểm tra trong thời gian sau khi trở lại học đến khi kết thúc năm học là cực kỳ căng thẳng. Nhất là đối với HS lớp 9, còn phải trải qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ngay sau khi kết thúc năm học.
May mắn là đến nay, Bộ GD-ĐT đã có những điều chỉnh về quy định kiểm tra, đánh giá HS. Chính vì thế, giáo viên Kim Bảo nhận định việc học thi sẽ nhẹ nhàng chứ không áp lực như trước. Trong 10 tuần của học kỳ 2, các giáo viên sẽ dành 2 tuần đầu để củng cố, ôn tập kiến thức, rèn nền nếp học tập, 5 tuần tiếp theo sẽ học kiến thức mới, dự kiến ngày 19.6 sẽ hoàn tất nội dung chương trình.
Đặc biệt theo thầy Kim Bảo, trong học kỳ này, HS chỉ làm 1 bài kiểm tra 1 tiết thay vì 4 bài như trước đây và 1 bài kiểm tra học kỳ. HS cũng đã có thời gian học trực tuyến và Bộ tinh giản nội dung kiến thức nên nếu biết sắp xếp, tập trung học tập, HS lớp 9 sẽ có thời gian gần 1 tháng dành cho ôn thi lớp 10.
Tương tự ở bậc THPT, ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), cũng nói việc kiểm tra trong thời gian tới nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Đặc biệt với những trường đã tổ chức việc học trực tuyến có hiệu quả thì sẽ có nhiều thời gian ôn tập, củng cố kiến thức trong bối cảnh số bài kiểm tra lại được giảm bớt.

Dành thời gian cho học sinh ôn thi

Hiệu phó Trường Nguyễn Hữu Huân cho hay nhà trường cũng trao quyền chủ động cho giáo viên trong việc biên soạn đề bài kiểm tra 1 tiết. Giáo viên sẽ biên soạn đề nhưng phải đảm bảo đề thi bám sát nội dung điều chỉnh của chương trình, đáp ứng các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng...
Các tổ bộ môn đề xuất thời gian kiểm tra đối với từng lớp, trên cơ sở đó ban giám hiệu sẽ cân đối, điều chỉnh để việc tổ chức phù hợp, khoa học, tránh việc HS bị dồn bài kiểm tra, sẽ gặp những áp lực về thời gian không đáng có.
Còn giáo viên Trần Văn Toàn, Tổ trưởng Tổ toán Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM, cho biết trong thời gian từ nay đến khi kết thúc năm học, HS chỉ còn thực hiện 1 bài kiểm tra 1 tiết và 1 bài kiểm tra học kỳ. Việc điều chỉnh số lượng bài kiểm tra giúp HS không còn gặp những áp lực khi đi học trở lại sau thời gian nghỉ dài do ảnh hưởng của dịch bệnh. Như vậy, HS sẽ có thời gian dành cho việc ôn thi, củng cố kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Ngoài ra, từ đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT mới công bố, thầy Toàn nói thêm, giáo viên các môn sẽ có định hướng sớm trong việc biên soạn nội dung ôn tập cho HS. Trong đó sẽ dành nhiều thời gian củng cố, tập trung vào các kiến thức của học kỳ 1 bởi qua cấu trúc đề minh họa, yêu cầu kiến thức cơ bản, nhận biết, vận dụng, đặc biệt vận dụng cao đều rơi vào kiến thức của học kỳ 1 lớp 12.
Để việc dạy học và kiểm tra đánh giá phù hợp với thực tế hiện nay, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, yêu cầu các trường đẩy mạnh hoạt động đánh giá thường xuyên bằng đa dạng các hình thức. Có thể sử dụng vấn đáp, phỏng vấn kiểm tra ngắn, nhanh dạng viết hoặc trên máy tính, báo cáo thuyết trình, kết quả/sản phẩm học tập… Hoặc có thể sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập trực tuyến của HS quy đổi thành kết quả thường xuyên.
Tổ chức căn tin, bán trú... phải bảo đảm an toàn
Sở GD-ĐT TP.HCM lưu ý trường học muốn tổ chức các hoạt động căn tin, bếp ăn, bán trú... phải thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn.
Sở GD-ĐT yêu cầu các trường tăng cường thực hiện công tác khử khuẩn vệ sinh trường, lớp học mỗi ngày, định kỳ theo quy định. Bố trí đầy đủ vòi nước sạch, xà phòng và tổ chức cho HS rửa tay đúng cách thường xuyên. Được sử dụng điều hòa trong lớp học, cuối mỗi buổi học phải mở cửa phòng tạo sự thông thoáng.
Không bắt buộc giãn cách trong trường, lớp học, khuyến khích HS đeo khẩu trang trong lớp (không bắt buộc), tiếp tục duy trì đeo khẩu trang trên đường đến trường, trước khi vào lớp, trong giờ ra chơi, khi ra khỏi lớp và trên đường về nhà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.