Học và kiểm tra bằng điện thoại di động
“5 phút đọc báo cùng bạn” là hoạt động mở đầu trong mọi tiết dạy hóa học của thầy giáo Phạm Lê Thanh, Trường THCS - THPT Tân Phú (Q.Tân Phú, TP.HCM). Chẳng hạn trong bài học về tính chất hóa học của ô xy, thầy giáo Phạm Lê Thanh đã cho học sinh (HS) tạo nhóm với 2 thành viên cùng truy cập vào các bài báo với nội dung liên quan để giải quyết một số vấn đề. Sau thời gian cho phép, HS nộp lại điện thoại lên bàn giáo viên (GV) và không sử dụng vào các mục đích khác như lên Facebook, chơi game...
Còn thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), thường tổ chức môn học theo hình thức dự án. Vì vậy, việc HS sử dụng điện thoại được coi là công cụ thực hiện thảo luận vì HS cần lên mạng để tìm kiếm thông tin hoàn tất nội dung của dự án.
Nguyễn Trần Lam, HS lớp 12D Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cũng cho biết hầu như môn học nào cũng có những giờ học các thầy cô yêu cầu HS lấy lại điện thoại để làm bài tập bằng một ứng dụng thông minh.
Chỉ sử dụng khi giáo viên thấy cần cho việc học
|
“Cũng giống như những khi học thực hành, trải nghiệm ngoài lớp học, đó là những lúc không khí cả lớp rất hào hứng”, Lam chia sẻ. Tuy nhiên, Lam cũng cho biết ở trường nếu như GV không yêu cầu sử dụng điện thoại mà HS tự ý dùng vào việc khác thì sẽ bị thu đến hết năm học hoặc hết học kỳ mới trả.
Biến phương tiện thành công cụ học tập
Nhìn nhận về quy định HS được dùng điện thoại trong giờ học, ông Lê Văn Linh, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM), nói để biến điện thoại thành công cụ học tập hữu ích thì cần có sự đồng bộ tương thích từ quy tắc ứng xử, văn hóa sử dụng, chương trình và các hoạt động giáo dục. Tương tự, ông Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang (Q.5, TP.HCM), cho hay phải xác định rằng quy định cho HS dùng điện thoại ở góc độ hướng đến mục đích là thay đổi phương pháp học tập, đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá để tạo hứng thú học tập đối với HS chứ không phải cho các em tự do, thoải mái sử dụng trong nhà trường.
Thầy Phạm Lê Thanh cho rằng quy định này giúp HS thích ứng với xu hướng đổi mới phương thức thi THPT quốc gia trên máy tính sắp tới mà Bộ đang xây dựng.
Trước quy định mới này, theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM), chắc chắn sẽ có những lo ngại từ phụ huynh cho đến GV về góc độ quản lý việc sử dụng, nhưng cần nhìn ở góc độ tích cực. Thầy cô quản lý giờ dạy chắc chắn biết các em đang làm gì. Chỉ nhìn vào mắt HS là biết các em có hiểu bài hay không nên việc quản lý sử dụng điện thoại trong một tiết học là bình thường.
Chỉ được dùng khi giáo viên cho phép
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Marie Curie (Hà Nội), cho rằng điện thoại thông minh được sử dụng trong giờ học như một “đồ dùng học tập” đối với HS, cũng như máy tính cầm tay, thước kẻ, compa... Khi GV yêu cầu HS sử dụng điện thoại truy cập nội dung nào đó trên mạng internet phục vụ bài học, lúc đó HS mới được dùng, hết “nhiệm vụ”, GV yêu cầu HS cất đi hoặc thu lại, tùy nội quy của từng trường.
Cô An Thùy Linh, GV dạy tiếng Anh, Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng với một số môn học, giờ học đặc thù, khi GV áp dụng công nghệ thông tin trong giờ học thì GV bộ môn sẽ quyết định cho phép HS sử dụng điện thoại thông minh để phục vụ cho những nội dung và hoạt động giáo dục nhất định. Do vậy, dù cho phép HS sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học nhưng thực tế đó không phải là quyền của HS mà là quyền của GV.
Tuy nhiên, cô Thùy Linh cũng lo ngại nếu hiểu không đúng về điều này thì sẽ dẫn tới tình huống HS nghĩ rằng mình có quyền được sử dụng điện thoại trong mọi giờ học và phản ứng khi phải thu điện thoại như trước nay vẫn làm.
Bình luận (0)