Những ngày qua, học sinh tiểu học ở TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác đã học trực tuyến. Tuy nhiên, với lứa tuổi này, việc học trực tuyến còn gặp rất nhiều khó khăn.
Đừng làm thay, hãy hướng dẫn con
Cô Mai Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho rằng việc học trực tuyến mới triển khai nên trường nào cũng sẽ có những khó khăn riêng. Nhưng không phải là không khắc phục được.
Theo cô Phượng, với lứa tuổi tiểu học, để học có hiệu quả thì phải có sự tham gia của phụ huynh, đặc biệt với học sinh khối lớp 1, 2 vì các em chưa biết cách sử dụng các thiết bị kết nối mạng, cũng như cách tương tác, sử dụng bài giảng hay liên hệ trực tiếp với giáo viên.
Nhiều phụ huynh cũng không muốn con mình sử dụng điện thoại, máy tính nhiều vì sợ con xem phim, chơi game… Do vậy những lúc học nhiều phụ huynh nên ngồi với con vừa để hướng dẫn con thực hiện các thao tác vừa giảng giải thêm bài học cho con.
Còn với những khối lớn hơn như lớp 3, 4, 5 nếu có ý thức tự giác với việc học thì phụ huynh chỉ cần hướng dẫn con trong thời gian đầu, sau đó các em có thể thao tác được.
Tuy nhiên trên thực tế cũng có một vài phụ huynh ít sử dụng thiết bị công nghệ, thậm chí họ không có các thiết bị có thể kết nối mạng nên việc học của học sinh sẽ bị gián đoạn.
“Phụ huynh không cần phải ngồi với con liên tục ở tất cả các giờ học, vì thực tế rất nhiều người còn bận công việc. Chỉ cần thời gian đầu, khi con tham gia học trực tuyến, thay vì làm thay phụ huynh hãy hướng dẫn con cách sử dụng máy, cách mở bài giảng, tải bài học về. Chỉ cần 2-3 tuần đầu là các em hoàn toàn có thể chủ động được việc học của mình”, cô Phượng chia sẻ.
Ngoài ra, với những phần học bé chưa hiểu, những bài tập khó nếu không thể hỗ trợ được con phụ huynh có thể liên lạc trực tiếp với giáo viên để được hỗ trợ.
“Trên thực tế, với một số bài toán, phép tính khi được giáo viên đưa ra thường phụ huynh sẽ hướng dẫn con giải theo cách mà người lớn biết chứ chưa đúng phương pháp tính mà lứa tuổi tiểu học đang được học. Do vậy phụ huynh nên theo dõi kỹ các bài giảng của giáo viên và hướng dẫn con làm theo chứ không nên “giải tắt” theo cách của mình”, cô Phượng lưu ý thêm.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả việc học trực tuyến, ở Trường tiểu học Tân Sơn Nhì, ngoài việc làm bài giảng sau đó tải lên cổng thông tin điện tử của trường thì mỗi tuần giáo viên sẽ tổ chức 2-3 buổi trực tuyến để tương tác trực tiếp với học sinh, hướng dẫn các em cách tập viết, tập đọc cũng như làm bài tập và giải đáp các thắc mắc.
Nhận xét về quá trình dạy học, cô Phượng nói: “Không chỉ dạy kiến thức, giáo viên còn phải nghĩ ra đủ “kế” để dụ học sinh học bài như thiết kế bài giảng sinh động, tạo ra các trò chơi xen kẽ bài học, động viên các em học bài đúng tiến độ… Đây cũng là cơ hội để giáo viên có thêm những trải nghiệm mới cũng như đối mới cách dạy, sáng tạo ra nhiều phương pháp sao cho hiệu quả”.
|
“Phải thật kiên nhẫn mới được”
Trong khi đó, là giáo viên đứng lớp, cô Thùy Anh Khối trưởng khối lớp 1 Trường tiểu học Tân Sơn Nhì, cũng cho biết lúc mới triển khai dạy trực tuyến cả giáo viên và học sinh gặp khá nhiều khó khăn.
Theo cô Thùy Anh, khi giáo viên giao bài tập, hay tải bài giảng lên website thì học sinh cần ba mẹ hỗ trợ in bài tập hay mở bài giảng cho con. Nhưng thời gian này nhiều phụ huynh vẫn đi làm, một số em thì được gửi về quê với ông bà nên không có kết nối mạng. Khó khăn đối với học sinh là không có người lớn hỗ trợ.
Thời gian đầu giáo viên gửi bài qua phần mềm classroom, nếu giáo viên chỉ việc quăng bài giảng vào đấy thì phụ huynh sẽ không biết sử dụng. Do vậy ngoài việc tải bài giảng lên, giáo viên này đã lấy điện thoại của mình quay lại từng bước đăng nhập, sử dụng phần mềm sau đó gửi cho phụ huynh xem và làm theo. Với từng bài giảng, cô cũng làm tương tự, ngoài việc quay bài giảng, cô còn làm video về từng bước làm bài tập để phụ huynh tham khảo.
“Để các con học được mình phải làm từng bước chứ không thể chỉ việc tải bài lên rồi yêu cầu phụ huynh nộp lại bài làm của con. Về việc hướng dẫn con học bài, nếu phụ huynh không hiểu, không làm được thì nên tương tác trực tiếp với giáo viên. Giáo viên trong quá trình dạy cũng cần phân loại học sinh ra thành từng nhóm, để biết các em yếu, mạnh chỗ nào để hướng dẫn cụ thể”, cô Thùy Anh chia sẻ.
Nhưng cũng có những trường hợp, học sinh nhà có 3 anh chị em, mẹ lại có em nhỏ không thể nào hỗ trợ, ba thì bận đi làm từ sáng tới tối. Với trường hợp này cô Thùy Anh liên lạc trực tiếp với ba học sinh, thay vì yêu cầu vào phần mềm classroom tải bài như những phụ huynh khác thì cô gửi bài trực tiếp qua zalo rồi nhờ phụ huynh in bài mang về cho con.
Cũng có trường hợp học sinh ba mẹ không có thiết bị kết nối mạng, không biết sử dụng zalo thì giáo viên sẽ in sẵn bài tập rồi nhờ shipper chuyển bài đến cho các em.
“Nếu mình cố gắng hết mình thì phụ huynh sẽ nhìn thấy điều đó, họ cũng vì thế mà cố gắng vì con của mình. Thật sự, dạy trực tuyến ở tiểu học chỉ nhiệt tình thôi chưa đủ mà còn phải kiên trì. Nhiều lần mình muốn bỏ cuộc luôn vì gửi bài cho học sinh mà phụ huynh không phản hồi, cũng có phụ huynh thì “nợ” bài mãi không thấy gửi lại”, cô Thùy Anh tâm sự và cho biết, sau khi tìm hiểu, thấy nhiều phụ huynh còn vất vả, công việc bị ảnh hưởng vì dịch nên giáo viên cũng phải đồng cảm và chia sẻ những khó khăn với họ.
Cô Thùy Anh nói: “Nếu mình kiên nhẫn, mỗi ngày chỉ cần gửi cho các em một bài để duy trì việc học thì dần dần phụ huynh sẽ nhận ra được việc học của con quan trọng rồi họ sẽ hợp tác, hỗ trợ mình trong việc dạy các em”.
Với phụ huynh, theo cô Anh việc hỗ trợ con học trực tuyến tốt nhất là hỗ trợ con trong 1-2 tuần đầu, hướng dẫn học sinh tiểu học các thao tác đồng thời lên thời khóa biểu cụ thể để rèn con vào một thói quen nhất định. Khi bé đã quen với lịch học, phụ huynh sẽ thoải mái hơn.
Bình luận (0)