Học sinh giỏi quốc gia, thủ khoa khối C nói gì về đề thi tổ hợp KHXH?

09/07/2021 08:00 GMT+7

'Bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (KHXH) kỳ thi tốt nghiệp THPT phản ánh đúng tinh thần học gì thi nấy trong bối cảnh dịch Covid-19 , đề thi không khó nhưng khó lòng đạt điểm cao.

Đó là nhận xét của Phạm Dương Hoàng Khải, sinh viên năm 3 ngành Luật tại Trường ĐH Cần Thơ về đề thi tổ hợp khoa học xã hội trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hoàng Khải từng đoạt giải nhì kỳ thi học sinh giỏi sử tỉnh Sóc Trăng năm 2017 - 2018, giải khuyến khích bộ môn sử kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2017 và thủ khoa khối C năm 2018 của tỉnh Sóc Trăng với số điểm 26,75.
Theo Hoàng Khải, đề thi môn lịch sử năm nay nhìn chung khá vừa sức, cấu trúc đề tương đương với đề thi minh họa trước đó, các mã đề có mức độ tương đương nhau, độ phân hóa được thể hiện khá rõ nét. Đặc biệt là từ câu 30 trở đi, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức vững cùng khả năng tư duy tổng hợp, phân tích và đánh giá mới có thể giải quyết tốt.
Hoàng Khải cho biết 75% số câu hỏi thuộc mức độ Nhận biết – Thông hiểu, trong đó các câu hỏi tập trung vào phần lịch sử Việt Nam từ năm 1919 - 2000. Các câu hỏi đều là những kiến thức cơ bản, thí sinh có kiến thức tốt sẽ làm được dễ dàng. Độ phân hóa của đề nằm trong 25% số câu hỏi thuộc phần kiến thức còn lại,  trải đều ở các chuyên đề phần lịch sử Việt Nam từ năm 1919  - 1975, đặc biệt là không có sự xuất hiện của phần lịch sử thế giới trong nhóm câu hỏi này. 
Dạng bài chủ yếu xuất hiện trong phần này là dạng so sánh, tổng kết các giai đoạn lịch sử để tìm ra điểm chung, điểm đặc trưng hoặc rút ra bài học kinh nghiệm. Với dạng bài này, ngoài nắm vững kiến thức, thí sinh còn phải có khả năng liên kết, xâu chuỗi các sự kiện lại với nhau để nhìn nhận, đáng giá vấn đề một cách toàn diện, từ đó loại được các phương án có tính gây nhiễu cao và chọn được phương án chính xác nhất.
“Với đề thi này, nhìn chung không khó và không mang tính đánh đố, thí sinh có kiến thức vững sẽ giải quyết tốt, nhưng để lấy điểm cao cũng không phải chuyện dễ dàng. Phổ điểm sẽ tập trung từ 5-7 điểm, khả năng rất hiếm điểm tuyệt đối", Hoàng Khải nhận định.

Phạm Dương Hoàng Khải

NVCC

Còn đối với môn địa lý, Khải cũng nhận định đề thi năm nay khá tương đồng với đề minh họa, vừa sức với thí sinh, không mang tính đánh đố, đồng thời tính phân hóa khá rõ rệt.
“Với đề thi địa lý, chắc chắn đa phần thí sinh dự thi sẽ cảm thấy rất thoải mái và với vốn kiến thức đã được tích lũy sẽ thêm phần tự tin để hoàn thành tốt bài thi. Nhìn tổng quát đề thi khá “ dễ thở “, không mang tính đánh đố thí sinh, phân bổ lượng kiến thức khá đều và tương đối tương đồng với đề thi minh họa. Nội dung kiến thức hoàn toàn nằm trong chương trình lớp 12 nên sẽ là một lợi thế đối với thí sinh. So với đề thi các năm trước, đề thi năm nay vừa sức, đồng thời có sự tăng độ khó ở các câu hỏi phần các vùng kinh tế”, Khải chia sẻ.
Khải cho rằng đề năm nay có khoảng 70 - 75% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, nhiều câu yêu cầu sử dụng Atlat và nhận định về biểu đồ, đây là phần các thí sinh có thể dễ dàng lấy điểm nếu nắm chắc kỹ năng sử dụng Atlat và nhận dạng biểu đồ. Thí sinh học lực trung bình có thể đạt được từ 6 - 7 điểm. Câu hỏi phân hóa chỉ chiếm 25 - 30% số câu hỏi, các thí sinh phải cần thêm tư duy vận dụng, đánh giá mới có thể làm tốt. 
Còn đối với môn giáo dục công dân theo anh Khải đề thi khá 'dễ thở', các tình huống đặt ra cũng không quá đánh đố thí sinh, nắm vững kiến thức trên lớp và có trang bị thêm các kiến thức xã hội, thí sinh sẽ hoàn thành tốt bài thi và đạt được điểm số như kỳ vọng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Giữa đại dịch, thí sinh thi tốt nghiệp THPT xong: “làm thêm trực tuyến kiếm tiền phụ gia đình”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.