Học sinh Hà Nội nghỉ hè từ 15.7, cấm tổ chức dạy thêm và luyện thi

26/06/2020 13:16 GMT+7

Từ ngày 15.7, học sinh Hà Nội sẽ được nghỉ hè, Sở GD-ĐT vừa có văn bản yêu cầu các trường không tổ chức dạy thêm dưới bất kỳ hình thức nào trong dịp hè.

Theo kế hoạch, thời điểm kết thúc năm học 2019 - 2020 của học sinh tất cả các cấp học, ngành học trên địa bàn thành phố Hà Nội vào ngày 14.7. Từ ngày 15.7, học sinh Hà Nội nghỉ hè.
Sở GD-ĐT Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tổ chức hoạt động hè cho học sinh năm 2020 (áp dụng trong thời gian từ khi học sinh nghỉ hè đến khi tựu trường). Theo đó, Sở này yêu cầu các đơn vị tổ chức hoạt động hè phải trên tinh thần tự nguyện, vận động, khuyến khích học sinh tham gia, có sự ủng hộ của phụ huynh.
Khi tổ chức hoạt động hè, phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh trong tình hình mới của dịch Covid-19.
Văn bản nêu rõ: “Các nhà trường không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào, không được tổ chức dạy trước chương trình hoặc ôn tập, luyện thi, kiểm tra, khảo sát để xếp lớp năm học 2020 - 2021”.
Đối với mầm non, các cơ sở phải duy trì sổ trực hè; bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần cho trẻ ở mọi lúc mọi nơi. Yêu cầu bắt buộc trong công tác tổ chức trông giữ trẻ mầm non: nếu có nhu cầu gửi con tại trường trong dịp hè, phụ huynh phải làm đơn.
Công tác thu, chi trong dịp hè phải có sự thỏa thuận với phụ huynh của trẻ và được sự đồng ý của các cấp quản lý. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục mầm non không được dạy trước chương trình ở các độ tuổi, trong đó lưu ý không dạy trước chương trình lớp 1 đối với trẻ 5 tuổi trong dịp hè.
Đối với các cấp học còn lại, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu hiệu trưởng các nhà trường, giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên lập kế hoạch ôn tập văn hóa, bồi dưỡng kiến thức cho những học sinh có học lực yếu, kém; bố trí thời gian hợp lý để tổ chức thi và xét lên lớp cho những học sinh thuộc diện thi lại.
Sở cũng lưu ý các trường học phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, giúp học sinh hiểu tác hại của việc sử dụng bóng cười và các chất gây nghiện “núp bóng” các hình thức như: tem giấy, bùa lưỡi, trà sữa, bánh quy…
Kiên quyết không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo học sinh tham gia và các tệ nạn xã hội, hoạt động tuyên truyền tôn giáo trái phép và các hoạt động vi phạm an toàn, đạo đức xã hội.
Đặc biệt, các trường học cần mở cổng trường, tạo điều kiện cho học sinh được sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường như thư viện, nhà thể chất, sân vận động... để ôn tập, đọc sách, báo, tài liệu, hoạt động vui chơi, giải trí, tập luyện thể thao...
Khuyến khích các trường lắp đặt "bể bơi thông minh" để tổ chức dạy bơi, nâng cao kỹ thuật bơi, kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.