Học sinh hiến kế vui xuân mà vẫn 'học'

31/01/2024 06:39 GMT+7

Hiện nay, chủ trương của nhiều địa phương là không giao bài tập về nhà trong dịp tết cho HS. Các năm qua, lãnh đạo nhiều trường phổ thông cũng đã quán triệt tinh thần này, khi yêu cầu GV bộ môn không được cho bài tập dưới bất cứ hình thức nào, và các tổ bộ môn không được xây dựng kế hoạch có bài kiểm tra ngay sau dịp tết.

Chủ trương thì đúng đắn, nhân văn. Song theo nhiều GV, nếu nghỉ học dài ngày (chẳng hạn tại TP.HCM hằng năm thường trên dưới nửa tháng) mà không có cái gì để "giao việc" cho HS thì các em bỏ bê việc học, dễ lơ là, trễ nải và "nhập cuộc" rất chậm khi đi học lại sau tết. Vậy có cách nào để HS được "vui xuân" mà "không quên nhiệm vụ học tập"?

Học sinh hiến kế vui xuân mà vẫn 'học'- Ảnh 1.

Cùng gói bánh chưng, một trong những hoạt động nhiều trường tổ chức cho học sinh vui tết

ĐÀO NGỌC THẠCH

Thăm dò ý kiến của GV và nhất là HS, chúng tôi thấy họ hiến nhiều kế rất hợp lý. GV L.H.Trường, dạy môn toán một trường THPT tại Q.Tân Bình, TP.HCM, nói: "Phải giao cái gì đó về nhà cho các em trong dịp tết. Không nên nặng nề, nhẹ nhàng thôi nhưng phải có". Nhiều HS cũng đồng tình với quan điểm này. Một nữ sinh lớp 11 cho biết: "Thời gian nghỉ tết khá dài, dù thầy cô không giao bài tập nhưng em vẫn chủ động tự học bài vở trước khi đi học lại sau tết".

Theo ý kiến nhiều HS, để các em vừa được đón tết vui vẻ vừa nghĩ đến trường lớp, GV nên có cách "giao việc" vừa sức và phù hợp với ý nghĩa ngày tết. Một HS nói: "Tết nào em cũng đi tham quan các địa điểm du lịch đẹp của thành phố, nếu thầy cô (chẳng hạn như môn giáo dục địa phương) có giao bài tập thuyết minh thắng cảnh thành phố thì em cũng tận dụng cơ hội để làm được". Một HS khác hiến kế: "GV nên thay cách giao nhiệm vụ học tập cho nhẹ nhàng bằng cách sưu tầm hoặc thực hiện các clip bài học. Chỉ yêu cầu HS xem để "hâm nóng" kiến thức thôi là được, chứ không nên bài tập nặng nề".

Số đông HS khác thì đồng quan điểm rằng việc kiểm tra kiến thức, bài vở ngay khi đi học lại sau tết là cần thiết, để cuốn HS vào nhịp học, nhất là lớp 12. Nhưng không nên nặng nề điểm số, mà chỉ nên lấy điểm cộng.

Ngoài ra, theo nhiều HS, bất cứ môn học nào cũng có thể thông qua dịp tết mà thu hoạch sản phẩm, kiểm tra kiến thức vận dụng từ thực tế của các em. Chẳng hạn, với môn văn thì học từ tết phong tục, tập quán, câu đối, lời chúc...; môn sinh là chế độ dinh dưỡng, ăn uống, nghỉ ngơi, học tập...; môn hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp là những công việc, sản phẩm từ tết cổ truyền...; môn giáo dục công dân là những hiểu biết quan hệ họ hàng, đạo đức, quan niệm truyền thống... Tất cả đều nhằm định hình, giáo dục sự trưởng thành cho HS.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.