Tôi nói “lỡ xem”, vì có nhiều lắm, nhiều lắm những clip như vậy mà tôi đã bỏ qua không xem. Còn vài đoạn tôi xem, thực sự không phải vì tò mò, vì muốn thỏa tính hiếu kỳ về bạo lực, mà vì muốn thực chứng lớp trẻ bây giờ sống ra sao…
Xem là để “nghiên cứu”, chứ không phải thỏa mãn cảm xúc, nên khi xem tôi khá bình thản. Nhưng tôi đã không giữ được cái sự bình thản đó bao lâu. Bởi nó quá khủng khiếp. Mỗi cú đánh, cú đá, cú đạp, cứ như đạp thẳng vào trái tim tôi, khiến tôi cứ như bị thúc lên, đau nhói tận tâm can.
Các thế đánh thì đa dạng, có cả đấm, đá, tát, song phi, lên gối, cắm chỏ, túm tóc, quặt tay. Chưa đủ, các cháu còn làm nhục nhau bằng dép, bằng xé áo xé quần, bằng bắt quỳ bắt lạy, bắt liếm chân. Đến là man rợ!
Một đám đánh hội đồng một người, tôi cứ có cái cảm giác một bầy mãnh thú, một bầy sói đang quây nhau hành hạ xé xác một con cừu non. Mà không phải là thú thì là gì? Cái tính người trong các cháu đó, còn đâu?
Có nhiều người nói về thời mình sống ngày xưa. “Thời của chúng tôi không có như vậy. Có chặn đường đánh nhau chớ không phải không. Nhưng chỉ đánh vài cú đấm vài cú đá thôi chớ không đánh điên cuồng như thế này. Và không đánh hội đồng, không đánh khi người ta không có khả năng tự vệ. Đánh vậy là hèn!”.
Thực sự tôi - và có lẽ nhiều người - không thể nào hiểu được vì sao các em lại có thể đủ tàn nhẫn để đánh bạn của mình một cách tàn khốc đến như thế. Có thể nói là một cuộc hành hạ dai dẳng. Cái căm thù nó đâu ra, hay là cái thú tính “say máu”, mà một nhóm 5-7, có khi hơn chục em/cháu, lại có thể cùng nhau đấm đá, xâu xé bạn mình hơn cả chục phút đồng hồ. Cháu bị hành hạ thì cứ như con cừu non sức tàn lực kiệt giữa bầy sói, bị xâu xé, quăng quật, dồi lên dập xuống, rệu rã tơi bời. Tôi rùng mình nghĩ, kể cả với kẻ thù, người có nhân tính cũng không làm như thế.
Cái căm thù ở đâu ra, hay đó là thú tính, bản năng?
Công bằng mà nói, con người có một số cái nhu cầu thỏa mãn cảm giác. Chẳng hạn đánh bạc, chả mấy ai nghĩ rằng đánh bạc để lấy được tiền của người khác. Mà đó là một sự thỏa mãn cảm giác hồi hộp, hơn thua, chinh phục mà thôi. Và con người cũng thích cả cảm giác bạo lực. Nếu không thì sao ngày xưa - khi nền điện ảnh vừa “mở cửa” sau chuỗi đêm dài đói kém văn hóa - người ta xem phim võ thuật Hồng Kông, Ấn Độ. Tôi nhớ mãi, bộ phim “Công lý báo thù” của Ấn Độ, là một trong những bô phim võ thuật du nhập sớm vào Việt Nam, được người ta đi xem như trẩy hội. Cái sân vận động xã to mênh mông, còn cái tivi 14 inches nhỏ xíu, vậy mà cả ngàn người, đứng chật kín, cách xa tivi tới vài chục, cả trăm mét, lại còn tràn sang cả “cánh gà” - chả thấy gì cả. Vậy mà vẫn coi đầy hào hứng. Lúc đó mà phim không có đánh đấm thì không thèm xem. Còn giờ thì phim Hollywood cũng vậy. Ngoài các dòng phim khác, còn lại dòng phim hành động, phim viễn tưởng, có đánh đấm, đập phá, vỡ nát… vẫn được đón nhận nồng nhiệt. Hãy xem các bộ phim dòng “Điệp viên 007”, “Fast and Furious”… doanh thu lớn đến mức nào. Một nước như Việt Nam mà bộ phim “Fast and Furious” doanh thu hơn trăm tỉ đồng, đạt kỷ lục cao nhất trong ngành điện ảnh sau 1975. Cái giỏi của phim Mỹ là khai thác được cảm xúc rất thật của người xem.
Tuy nhiên, cái cảm giác khi xem phim nó khác, dù vẫn là thỏa mãn cảm giác hành động. Xem bộ phim hành động, đánh nhau, cảm xúc người ta thăng hoa chứ không hề bị sợ hãi, đau nhói! Kể cả một kẻ ác hành hạ một người chân chính, ta căm ghét là ghét cái tính ác của nhân vật phản diện, chứ ta không nhói lòng về hành động giết chóc tra tấn của nhân vật!
Còn ở đây, thật là kinh khủng! Người ta xem 15 phút đánh nhau trong phim Thành Long thấy đầy hứng thú, nhưng chỉ xem chừng 1 phút các em đánh bạn, thật sự sợ hãi và nhói lòng!
Vì đâu nên nỗi?
Ngày trước, lúc học ĐH Sư phạm Quy Nhơn, thầy dạy môn Văn học Trung Quốc - Hà Tùng Sơn - trên bục giảng nói: “Người ta nói ‘Nhân chi sơ tính bản thiện’, nhưng theo tôi, phải nói đúng là ‘Nhân cho sơ tính bản ác’. Hãy thử đi, nếu không có giáo dục, thì con người có phải lớn lên sẽ hư, sẽ ác không? Cái thiện làm gì có sẵn, mà phải dạy dỗ, giáo dục, mới có được”.
Lứa “U50” như chúng tôi được đọc khá nhiều sách, trong đó có sách “Quốc văn giáo khoa thư” và biết có môn “Đức dục”. Thời đó, đang đi xe đạp ngoài đường, mà thấy trong sân của cơ quan nào đó hoặc trường học chào cờ, thì ngay lập tức tắt máy, nhảy xuống xe, đứng lại nghiêm trang như tượng (tôi không nhớ xe ô tô có phải dừng lại hay không).
Còn nay, ở trường vẫn có môn “Giáo dục công dân” đó chớ. Vậy mà không rõ, cách biên soạn sách giáo khoa, hay sự gương mẫu của thầy cô…mà nhân cách của các cháu xuống cấp, để đến nỗi các cháu hành hạ bạn còn hơn cả hành xử với kẻ thù.
Còn nữa, cái sự lạnh lùng tàn nhẫn của con người chúng ta, có lẽ đã lên gần đến đỉnh điểm (bởi không biết đâu là đỉnh, nên nói là “gần tới đỉnh”). Một đám đánh hội đồng một người tàn khốc, còn một đám đứng cổ vũ, hò reo, quay clip. Và chính những cháu đánh bạn cũng không hề sợ bị quay clip, có cháu vừa ra tay tấn công bạn một đòn rồi quay sang làm điệu với clip bằng việc đưa 2 ngón tay lên khoát khoát qua lại để ghi hình. Một hình ảnh lẽ ra trong bối cảnh bình thường rất dễ thương, rất đẹp, mà trong bối cảnh này tôi thấy nó lạnh lùng, rùng rợn đến sởn gáy!
Người ta lý giải cho tình trạng con người trở nên du côn, hồ đồ hiện nay bằng nhiều lý do, như là luật pháp chưa nghiêm, không bảo vệ kẻ yếu nên người ta phải tự bảo vệ mình, và nhiều lý do khác… Nhưng các cháu ở tuổi thiếu niên, đâu đã bị ảnh hưởng bởi những điều đó? Vậy thì cái gốc không còn từ giáo dục thì sẽ là gì?.
Bình luận (0)