Các thắc mắc về tiết kiệm chi phí, tạo ra thu nhập
Trong chương trình Tư vấn mùa thi lần thứ 25 của Báo Thanh Niên sáng 18.2, Đào Minh Khoa, lớp 12 Trường THPT An Mỹ (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương), đặt vấn đề có nhất thiết phải học đại học (ĐH) ở các ngành khoa học tự nhiên như công nghệ thông tin, khi "kiến thức ở ĐH khá chung chung và sẽ bị cũ đi, trong khi đó các khóa ở trung tâm bên ngoài cập nhật xu hướng mới hơn nhiều".
Theo thạc sĩ Hoàng Thanh Tú, Phó trưởng phòng Thông tin-truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nếu thí sinh xem khoa học tự nhiên là những môn ở THPT thì sẽ thấy nhàm chán, ít tính ứng dụng. "Nhưng khi nhìn rộng ra đời sống hằng ngày, có thể thấy khoa học tự nhiên hiện diện ở mọi lĩnh vực", cô Tú nói. Cụ thể, có 4 lĩnh vực liên quan đến nhóm ngành này là khoa học tự nhiên; khoa học sự sống; toán học, máy tính và công nghệ thông tin; công nghệ và công nghệ kỹ thuật.
"Khi theo học khoa học tự nhiên ở trường ĐH, nhất là ở những ngành hướng đến chiến lược phát triển bền vững, nâng cao công nghệ và đổi mới sáng tạo của chính phủ, thí sinh sẽ có cơ hội nhận học bổng và phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội", thạc sĩ Tú cho biết.
Một học sinh khác của trường THPT chuyên Hùng Vương (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) thì thắc mắc liệu có thể kết thúc chương trình ĐH sớm trong 3 năm. "Em mong nhanh thoát khỏi trường để có thể đi làm ngay", nam sinh nói. PGS-TS Trương Đình Nhân, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, hoàn toàn sốc khi đây là lần đầu tiên được nghe một học sinh hỏi về vấn đề này.
"Quy định của Bộ GD-ĐT cho phép sinh viên tốt nghiệp sớm nếu đăng ký môn học trước dự kiến và tích lũy đủ tín chỉ theo yêu cầu. Để làm được điều này, sinh viên cần phải có khả năng học rất tốt. Tuy nhiên, vì một số chương trình cần phải học trước môn ràng buộc mới có thể đăng ký nên sinh viên chỉ có thể tốt nghiệp sớm tối đa là 1 năm để đảm bảo lộ trình kiến thức hợp lý của 4 năm học", PGS-TS Nhân cho hay.
"Học kiến trúc, vẽ không đẹp được không?" cũng là một vấn đề học sinh băn khoăn. Trả lời việc này, PGS-TS Phạm Thành Dương, Phó trưởng Khoa kỹ thuật Trường ĐH Việt Đức, cho hay trường không xét tuyển môn vẽ như các đơn vị đào tạo khác. Đó là vì tư duy về kiến trúc của người Đức khá đặc biệt, họ cho rằng kỹ năng vẽ tuy thể hiện được độ khéo léo của đôi tay, nhưng có nhiều thí sinh dù không vẽ đẹp nhưng lại có những ý tưởng rất tốt, ông Dương nhìn nhận.
"Để theo đuổi ngành kiến trúc, điều cần thiết nhất là em phải có sự thẩm mỹ và yêu thích cái đẹp, biết tính toán và đặc biệt cần hiểu biết về văn hóa, lịch sử. Vì khi thiết kế các công trình kiến trúc, chúng ta phải làm nên một sản phẩm không chỉ hài hòa với bối cảnh xung quanh mà còn phải phù hợp với lịch sử của địa phương và văn hóa của cộng đồng dân cư", PGS-TS Dương nêu quan điểm.
Điểm mới của trường cao đẳng
Thạc sĩ Trần Việt Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết những trường CĐ, trung cấp nghề hiện nay trên cả nước đều giảng dạy lý thuyết song hành cùng thực hành, với thời lượng thực hành chiếm khoảng 60-70% trong chương trình đào tạo. Khi học CĐ, sinh viên cũng có thể liên thông tiếp ở các ĐH nước ngoài nếu có chứng chỉ tiếng Anh đạt yêu cầu là một điểm mới trong những năm gần đây.
Xu hướng học 1 ngành, làm nhiều nghề
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Phương Thảo, Phó trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế luật TP.HCM, lưu ý sinh viên học luật ra trường không chỉ làm luật sư mà có thể ứng tuyển vào bộ phận pháp chế hoặc nhân sự của doanh nghiệp, mở văn phòng tư vấn hoặc phụ trách các công việc của tòa án. "Người học luật cần có tố chất tư duy logic, khả năng giải quyết công việc, tổng hợp kiến thức", cô Thảo nói.
Lưu ý thêm về thị trường lao động của ngành luật, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Dũng, đại diện Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết thêm học sinh không cần lo lắng vì thực tế nhu cầu việc làm rất lớn, hằng năm các doanh nghiệp, cơ quan đều tuyển không đủ người để đảm nhiệm các vai trò, vị trí.
Đối với ngành cơ điện tử, PGS-TS Nguyễn Quốc Ý, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương, cho rằng không cần học đúng ngành cơ điện tử mới được làm việc trong lĩnh vực này.
"Những dự án lớn thường không đòi hỏi kiến thức quá chuyên sâu về ngành. Chẳng hạn, nhân sự ngành điện-điện tử, công nghệ thông tin hoặc cơ khí vẫn có thể đảm nhiệm tốt công việc ngành cơ điện tử. Đây cũng là xu thế hiện nay khi học 1 ngành có thể làm nhiều nghề, không chỉ gói gọn trong một số lĩnh vực hẹp", ông Ý chia sẻ.
Tương tự, thạc sĩ Nguyễn Thị Mến, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Văn Lang, cũng cho rằng các ngành học, công việc làm hiện nay đều có sự giao thoa với nhau. "Nhiều vị trí việc làm trên thị trường đều là sự giao thoa giữa các ngành học", bà Mến nói. Ví dụ, nếu học ngành quan hệ công chúng, thí sinh có thể hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông và tiếp thị.
Thạc sĩ Ngô Thị Xuân, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, lưu ý rằng không có ngành nào là "hot", chỉ có con người làm nên độ "hot" của ngành. "Nếu học tốt về chuyên môn công việc, giỏi về kỹ năng, thái độ, tác phong, năng lực, kiến thức, tầm nhìn, thí sinh chắc chắn sẽ thành công dù theo đuổi bất kỳ ngành nghề gì", bà Xuân khẳng định.
Một ngành có nhiều trường đào tạo, làm sao để lựa chọn?
Trước thực tế giữa các trường có những ngành tương đồng, thạc sĩ Hoàng Thanh Tú cho rằng không có trường hoàn hảo, chỉ có trường phù hợp với bản thân nên thí sinh cần đối chiếu trước khi lựa chọn. Theo cô Tú, nơi lý tưởng nhất để tham khảo là trên những kênh truyền thông chính thức của nhà trường.
"Để có được 'bức tranh' hoàn chỉnh về ngành học tương lai, thí sinh cần tìm hiểu các thông tin như chương trình đào tạo, chuyên ngành, học phí; cơ sở vật chất như phòng thí nghiệm, địa điểm học tập; những dự án trường đang thực hiện hoặc chính sách cho ngành dự kiến theo học. Đó là những yếu tố cần tổng hợp để cân nhắc", thạc sĩ Tú khuyên.
Bình luận (0)