>> Học sinh không dám đi... vệ sinh - Kỳ 3: Chỉ xem là công trình phụ
>> Học sinh không dám đi... vệ sinh - Kỳ 2: Hoàn cảnh lâu năm khó nói
>> Học sinh không dám đi... vệ sinh - Kỳ 1
|
Đó là thông tin do bà Nguyễn Thanh Hiền, chuyên gia nước sạch và vệ sinh môi trường, Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), cho biết trong cuộc trao đổi với phóng viên Thanh Niên.
Chưa có thói quen giữ vệ sinh tốt
* Bà có thể so sánh tình trạng nhà vệ sinh (NVS) trường học ở VN và các nước Đông Nam Á không?
- Như ở Singapore là quá tuyệt vời. Thái Lan cũng có NVS trường học rất tốt. Học sinh (HS) các nước được tập thói quen sử dụng NVS sạch sẽ từ khi còn rất nhỏ nên đã thành nếp khi đi vệ sinh ở nơi công cộng. Tại VN, nhiều trường học có NVS hiện đại nhưng lại sử dụng, bảo quản kém. Nhiều trường còn làm 2 NVS nhưng khóa lại. Có nơi trả lời là NVS bị hỏng nên khóa lại. Có nơi cho biết khóa lại vì sợ các em làm hỏng!
* Theo khảo sát do Báo Thanh Niên vừa thực hiện, có 34% phụ huynh cho biết HS phản ánh không dám đi vệ sinh tại trường vì quá bẩn và hôi. Bà nghĩ gì về con số này?
- Đây là con số rất đáng lo ngại. Dĩ nhiên ai cũng biết nhịn tiêu, tiểu là không tốt. HS đến giờ phải đi vệ sinh, nếu không đi thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhịn tiểu nhiều, nhẹ nhất là bị sỏi thận, sạn thận, chứ chưa nói đến các bệnh nặng khác.
|
Hiện tại chúng tôi cũng chưa có khảo sát nào về bệnh trẻ em xuất phát từ NVS trường học. Nhưng UNICEF mới hoàn thành xong bộ công cụ “Nghiên cứu sự ảnh hưởng của nước vệ sinh không tốt với sức khỏe trẻ em” chuẩn bị gửi đánh giá. Trong đó, nhóm nghiên cứu chọn ra các bệnh như nhiễm giun, tiêu chảy, suy dinh dưỡng thấp còi từ nước vệ sinh bẩn.
Công bố của Ngân hàng Thế giới vừa qua về việc trẻ em VN thấp còi do NVS bẩn cũng là dựa trên nghiên cứu do UNICEF hỗ trợ. Dựa trên nghiên cứu đó, họ lấy chỉ số chiều cao trẻ em với tình trạng nhà tiêu hộ gia đình. Kết luận chuẩn xác ứng với các tỉnh miền núi VN là nếu sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chiều cao trẻ em sẽ nâng lên đến 3,7 cm nữa.
Ý thức quan trọng hơn xây dựng nhà vệ sinh thông minh
* Vừa qua rất nhiều phụ huynh phản ứng trước đề xuất xây dựng NVS thông minh có giá hơn 2 tỉ đồng tại một trường học ở TP.HCM. Theo bà, có cần thiết phải làm NVS như vậy không?
- Không thể nói giá như thế nào mà phải xét trên quy mô như thế nào. UNICEF có xây dựng chuẩn NVS cho các trường học gửi đến Bộ GD-ĐT. Theo đó, quy chuẩn hiện nay thì mỗi ca học có khoảng 250 - 300 HS thì tổng kinh phí xây dựng công trình NVS từ 15.000 - 20.000 USD (khoảng hơn 400 triệu đồng).
Chỉ cần ở mức đó, nếu sử dụng, bảo quản tốt thì tuổi thọ NVS đã được khoảng 15 năm. NVS thông minh quá nhưng HS không thường xuyên hướng dẫn sử dụng từ nhỏ ở các hộ gia đình, không có ý thức xem NVS công cộng như công trình nhà mình thì không xứng tầm đầu tư đó. Với hoàn cảnh kinh tế, ý thức công cộng, kinh phí này nên xem xét lại.
* Năm 2013, UNICEF có nêu gần 90% trẻ em tử vong vì bệnh tiêu chảy có liên quan trực tiếp đến ô nhiễm và điều kiện vệ sinh kém. Bà có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
- Nước nhiễm bẩn dẫn đến trẻ em bị tiêu chảy phần lớn nước đã nhiễm phân, vi sinh. Ví dụ như bệnh ký sinh trùng, tả lị, thương hàn, chính là do ăn thức ăn dính phải phân người. Có thể từ bàn tay nhiễm phân, phân nhiễm trực tiếp thức ăn, rau hoa quả, uống nước. Trẻ em bị dịch rota vi rút vừa qua là như thế. Phân dính vào đồ chơi, tay chân các cháu, do người lớn phục vụ các cháu không rửa tay xà phòng, phát tán khắp nơi... Số liệu này rất đáng báo động để phụ huynh xem lại cách vệ sinh cho con mình cũng như cảnh báo các trường chăm lo hơn đến vệ sinh của HS.
Khắc phục ngay tình trạng xuống cấp Ngay sau bài Học sinh không dám đi... vệ sinh đăng trên Thanh Niên ngày 29.10, nhiều đơn vị có nhắc đến trong bài đã phản hồi. UBND Q.Thủ Đức chỉ đạo Phòng Giáo dục phải thực hiện khắc phục ngay tình trạng NVS xuống cấp, bốc mùi như Thanh Niên đã thông tin. “Trong sáng 29.10, chúng tôi đã chỉ đạo 2 trường tiểu học Bình Triệu và Hiệp Bình Phước mời đơn vị chuyên thi công sửa chữa NVS đến khảo sát và có giải pháp nâng cấp, sửa chữa, tránh tình trạng HS sợ NVS trường học”, bà Nguyễn Thị Tốt, Phó phòng Giáo dục Q.Thủ Đức nói. Đặt vấn đề vì sao các trường đều thu vệ sinh phí của HS hằng tháng nhưng NVS vẫn không sạch sẽ, bà Tốt cho biết: “Hiện nay, mỗi trường trên địa bàn quận có 2 biên chế nhân viên phục vụ, vệ sinh. Nhưng số lượng này không đáp ứng đủ. Các trường thường phải thuê thêm từ 2 - 4 nhân viên nữa”. Theo bà Tốt, hằng năm quận đều có cấp kinh phí sửa chữa NVS cho các trường. “Để NVS luôn đảm bảo vệ sinh, cần thiết phải giáo dục ý thức giữ vệ sinh chung từ HS. Đồng thời, nhà trường trang bị đầy đủ trang thiết bị để dọn dẹp vệ sinh”, bà Tốt nhấn mạnh. Bà Hàn Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Triệu, cho biết: “Trong ngày 29.10, chúng tôi đã mời đơn vị xây dựng vào khảo sát NVS. Giải pháp hiện tại là nạo vét đường ống để thông nước”. Cũng theo bà Thuận, NVS của trường được cải tạo nâng cấp từ năm 2011. Nhân viên phục vụ, vệ sinh của trường có 4 người và thường xuyên lau chùi, mỗi ngày 5 lần. “Hiện tượng bốc mùi là do đường ống khó thoát nước vào những lúc triều cường dâng. Đơn vị xây dựng đã tư vấn cho chúng tôi là phải khai thông đường ống”, bà Thuận cho biết. Minh Luân |
Đăng Nguyên
(thực hiện)
Bình luận (0)