Nhiều trường học có trung tâm tư vấn học đường nhưng khi cần trợ giúp, học sinh (HS) lại tìm đến tổng đài 1080 hoặc các công ty có dịch vụ tư vấn tâm lý.
|
Kiêm nhiệm nên không chuyên nghiệp
Tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng số lượng cán bộ tư vấn học đường tốt nghiệp chuyên khoa tâm lý còn rất hạn chế |
||
Ông TRẦN KHẮC HUY Trưởng phòng Công tác HS-SV Sở GD-ĐT TP.HCM |
||
Phần lớn các trường đều thiếu cán bộ tư vấn học đường có chuyên môn, được đào tạo đúng chuyên ngành. Hầu hết cán bộ tư vấn là giáo viên kiêm nhiệm nên dù có nhiều tâm huyết và sự nhiệt tình, họ khó lòng giải tỏa hết những vấn đề bức xúc của HS, phụ huynh.
Nhiều cán bộ tư vấn thừa nhận thật sự bối rối trước những vấn đề hóc búa mà HS gặp phải. Cách đây không lâu, một cán bộ ở một trường THCS Q.Bình Thạnh đã rất khó khăn khi đưa ra lời khuyên cho một nữ sinh bị người thân sàm sỡ. “Đây đúng là một ca khó mà mình chưa từng gặp”, giáo viên này cho biết. Một cán bộ khác cho rằng chỉ tư vấn theo cảm tính, nhất là khi HS hỏi các vấn đề liên quan tới quan hệ gia đình, nuôi dạy con cái… Đơn giản vì cán bộ này còn trẻ tuổi, độc thân, chưa có kinh nghiệm thực tế.
Có phụ huynh, khi đến nhờ tư vấn giúp chuyện học tập của con nhưng nhận thấy lời lẽ cán bộ chưa mạch lạc nên không thể mở lời. Sau đó, phụ huynh quyết định gọi đến dịch vụ tổng đài.
Muốn tư vấn, phải chờ đợi
Trong năm học 2011-2012, ngành giáo dục TP.HCM yêu cầu tất cả các trường từ tiểu học đến THPT, GDTX phải có phòng tư vấn học đường. Nhưng hiện tại, nhiều trường vẫn chưa thực hiện được hoặc chỉ tạm bợ với nhiều lý do. Chẳng hạn Trường Ernst Thalmann (Q.1) cũng dự định lập phòng tư vấn nhưng không có phòng ốc, Trường THCS Cửu Long (Q.Bình Thạnh) phải dùng ki ốt làm phòng tư vấn…
Cô Trần Thị Ngọc Thảo, Hiệu trưởng Trường Cửu Long, cho biết: “Ngoài cơ sở vật chất, chúng tôi cũng gặp khó khăn về nhân sự. Hiện tại, cán bộ tư vấn của trường là người có chuyên môn nhưng thuộc trường khác. Họ rất tâm huyết và không đặt nặng vấn đề kinh phí. Số tiền hỗ trợ hằng tháng chỉ 1 triệu đồng nhưng trường cũng hết sức khó khăn vì ngân sách hạn hẹp. Khi vận động phụ huynh hằng tháng đóng 5.000 đồng thì không nhận được sự đồng tình vì theo phụ huynh, có gì thì gọi tổng đài, cần chi mà trường phải mở phòng tư vấn”.
Nhiều trường có phòng tư vấn nhưng chỉ mở cửa khoảng 3 ngày/tuần và phải tùy thuộc vào giáo viên. Có nghĩa là khi HS có vấn đề cần giải tỏa tâm lý thì phải chờ đợi.
Về thực trạng này, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác HS-SV Sở GD-ĐT TP.HCM, nói: “Tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng số lượng cán bộ tư vấn học đường tốt nghiệp chuyên khoa tâm lý còn rất hạn chế. Chúng tôi sẽ thúc đẩy phát triển mô hình này về mặt nội dung chuyên môn như tổ chức tập huấn cho cán bộ chuyên trách phòng tư vấn học đường, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề với chuyên gia tâm lý để cán bộ phòng tham vấn trau dồi kiến thức, bồi dưỡng chuyên môn”.
Rất nhiều phụ huynh, giáo viên, lãnh đạo các trường cho rằng việc đẩy mạnh phát triển phòng tư vấn học đường là rất quan trọng và cực kỳ cần thiết, cần làm ngay. Cô Hoàng Thị Diễm Trang - Hiệu phó Trường THPT Gia Định - cho biết: “Không thể phủ nhận phòng tư vấn học đường đã mang lại rất nhiều hiệu ứng tốt đối với HS. Do vậy, trong năm học này, trường cũng đã phải cố tìm được một cán bộ có chuyên môn, được đào tạo nghiệp vụ về tham vấn học đường về phụ trách phòng tư vấn”. TS Phạm Văn Thanh - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Nai, Phó chủ tịch Hội Tâm lý và giáo dục Đồng Nai - cho biết: “Độ tuổi HS phổ thông rất dễ mắc nhiều vấn đề, các em rất cần sự nâng đỡ, chỗ dựa về mặt tâm lý. Hội Tâm lý giáo dục Đồng Nai cũng đang triển khai đề tài nghiên cứu khoa học về xây dựng mô hình tư vấn tâm lý học đường. Đề tài được nghiên cứu trong vòng một năm, sau khi có kết quả, sẽ tham mưu với ngành đưa vào ứng dụng trong trường học thời gian tới”. |
Minh Luân
Bình luận (0)