Học sinh không vào lớp 10, chọn học nghề thế nào?

12/08/2021 09:00 GMT+7

Nếu không vào lớp 10 công lập và muốn sớm tham gia vào thị trường lao động, học sinh tốt nghiệp THCS hoàn toàn có thể đăng ký học nghề để tốt nghiệp làm việc ngay hoặc liên thông nếu có nhu cầu.

Theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cơ cấu nhu cầu nhân lực qua đào tạo đến năm 2030 đối với vùng kinh tế trọng điểm phía nam, thì trình độ trung cấp chiếm 27% nhu cầu, đối với TP.HCM là 30%. Trong khi thực tế, người muốn học nghề bậc trung cấp chỉ chiếm 6%. Lực lượng lao động trình độ trung cấp hiện chỉ có 3,62%, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Thị trường lao động cần tới 30% trình độ trung cấp

“Nhu cầu tuyển dụng nhân lực trình độ trung cấp của các doanh nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo, có xu hướng tăng qua các năm và cao hơn nhiều so với nguồn cung nhân lực hiện có. Nhất là khối ngành kỹ thuật và dịch vụ cung không đủ cầu. Học sinh (HS) và phụ huynh vẫn mang tâm lý phải học THPT và ĐH. Có đến 87% thí sinh muốn học ĐH trong khi nhu cầu nhân lực trình độ này 11,3% ở vùng kinh tế trọng điểm phía nam và 18,3% ở TP.HCM”, ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, chia sẻ.
Đại diện các trường cũng cho biết nhiều doanh nghiệp hằng năm vẫn gửi công văn theo các đợt đề nghị các trường cung cấp nguồn tuyển trình độ trung cấp. “Đa số là họ yêu cầu các ngành về kỹ thuật. Tuy nhiên, số lượng người học trung cấp còn ít nên cũng chỉ cung cấp được phần nào cho doanh nghiệp”, tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng, cho hay.

Nhiều ngành nghề phù hợp

Theo tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, hiện có nhiều ngành nghề kỹ thuật phù hợp với HS không cần thế mạnh về các môn văn hóa, như: cơ khí, điện, điện tử, công nghệ may, tin học ứng dụng...
“Đây là những ngành nghề không cần học quá nhiều lý thuyết, không cần trình độ tính toán cao, khối lượng kiến thức tập trung chủ yếu ở thực hành kỹ năng. Vì vậy, nếu các em có học lực không tốt để có thể học tiếp lên THPT thì rất phù hợp để đăng ký”, tiến sĩ Lộc cho hay.
Tại Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM, tiến sĩ Phạm Đức Khiêm, Hiệu trưởng, thông tin trường xây dựng 13 ngành nghề dành riêng cho HS tốt nghiệp THCS như: tin học ứng dụng, kế toán doanh nghiệp, điện tử ứng dụng, cơ khí chế tạo, bảo trì và sửa chữa ô tô...
Bên cạnh nhiều ngành nghề về kỹ thuật, HS tốt nghiệp THCS có thể đăng ký học một số ngành trong khối sức khỏe và dịch vụ. Tiến sĩ Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường trung cấp Bách khoa TP.HCM, cho biết: “Các nghề phù hợp với các em và được lựa chọn nhiều trong những năm gần đây có thể kể đến như: kế toán, điều dưỡng, dược sĩ, y sĩ, y sĩ y học cổ truyền, chăm sóc sắc đẹp, kỹ thuật chế biến món ăn...”.

Nhiều chương trình lựa chọn

HS tốt nghiệp THCS theo học nghề có thể lựa chọn 2 chương trình học. Chương trình thứ nhất chỉ học 4 môn văn hóa; sau 2,5 năm, HS vừa có bằng trung cấp vừa được giấy chứng nhận hoàn thành các môn văn hóa theo quy định của Bộ GD-ĐT để học liên thông tiếp lên CĐ, hoặc gia nhập thị trường lao động.
Hình thức thứ hai là chọn học 7 môn theo chương trình giáo dục thường xuyên để có thể tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sau khi hoàn thành chương trình, HS vừa có bằng trung cấp, vừa có bằng tốt nghiệp, người học lúc này có thể liên thông lên trình độ ĐH.
“Thực tế cho thấy trong số 800 HS tốt nghiệp THCS đang theo học tại trường thì có khoảng 50% các em chọn học chương trình 7 môn văn hóa THPT”, tiến sĩ Phạm Đức Khiêm thông tin.
Còn thạc sĩ Vũ Văn Đông, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, cho biết đa số HS của trường chọn chương trình 4 môn và sau khi có bằng trung cấp thì có khoảng 30 - 40% chọn học liên thông thêm 1 năm để lấy bằng CĐ, còn lại đi làm.
Tại Trường trung cấp Bách khoa TP.HCM, ngoài 2 hình thức nêu trên, HS còn có lựa chọn chỉ học nghề tổng thời gian 1,5 năm, được cấp bằng trung cấp để đủ kiến thức, kỹ năng và năng lực làm việc.
Đặc biệt, thêm một lợi thế cho HS tốt nghiệp THCS học nghề là sẽ được nhà nước hỗ trợ 100% học phí học nghề.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.