Học sinh làm bài kiểm tra không cần giấy, bút

08/01/2021 07:04 GMT+7

Quy định đổi mới kiểm tra, đánh giá của Bộ GD-ĐT sau học kỳ đầu tiên thực hiện đã cho thấy là hướng đi tất yếu. Tuy nhiên, các trường đang chờ hướng dẫn, tập huấn cụ thể hơn để tránh mỗi nơi thực hiện một kiểu.

 

Học sinh hào hứng được chấm điểm trên luống rau…

Thông tư 26 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh (HS) THCS và HS THPT, do Bộ GD-ĐT ban hành, có hiệu lực từ tháng 11.2020. Trong đó, một trong những thay đổi lớn nhất là về hình thức kiểm tra đánh giá, gồm kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ. Hình thức kiểm tra đánh giá thường xuyên gồm: hỏi - đáp, thuyết trình, viết ngắn, thực hành, sản phẩm học tập. Hình thức kiểm tra đánh giá định kỳ gồm: bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính; thuyết trình; thực hành; sản phẩm học tập thay vì chỉ làm bài kiểm tra trên giấy như trước kia.
Một số trường học cho biết “hành lang pháp lý” này là đòi hỏi từ thực tế để các trường tiếp tục yên tâm thực hiện cách thức đánh giá tiến bộ này. Cô Yến Ngọc, giáo viên (GV) dạy môn sinh học Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cho biết lâu nay trong mỗi học kỳ sẽ có những tuần trải nghiệm và đánh giá HS qua sản phẩm của tuần trải nghiệm đó. Ví dụ, năm nay với khối 12 sẽ có tuần trải nghiệm liên môn hóa - sinh thực hiện ngoài nhà trường với chủ đề: sử dụng một số vật liệu tái chế với vấn đề bảo vệ môi trường. Sản phẩm hoàn thiện sẽ bao gồm điểm hệ số bằng bài cá nhân cộng với bài nhóm chia đôi. Bài cá nhân sẽ trả lời các câu hỏi trên máy tính. Bài làm nhóm theo thang điểm 10. HS thiết kế poster tuyên truyền sử dụng vật liệu tái chế góp phần bảo vệ môi trường, sử dụng các công cụ điện thoại hoặc website làm trực tuyến.
Bà Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), cho biết bước đầu cách thức kiểm tra, đánh giá mới cho thấy giúp giảm áp lực cho cả trò lẫn thầy. Ví dụ, với môn công nghệ, thay vì bắt HS ngồi làm bài kiểm tra học kỳ trên giấy nặng về lý thuyết, thì nay đã chấm điểm trên sản phẩm mà các em làm được qua ứng dụng kiến thức trong chương trình. HS hào hứng hơn rất nhiều mà GV cũng không phải khổ sở ngồi chấm bài theo kiểu HS có thuộc lý thuyết hay không.
Cũng về nội dung này, bà Nguyễn Thị Thành, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Minh (H.Hoài Đức, Hà Nội), cho biết thực tế triển khai cho thấy cách đánh giá mới kích thích được sự sáng tạo, giúp HS tự tin và cố gắng trong học tập. HS học đến đâu thì đánh giá đến đó, đánh giá qua thái độ học tập, vấn đáp, thực hành và qua các sản phẩm học tập cụ thể. Việc này hỗ trợ GV nắm bắt được sự tiến bộ và năng lực thực sự của từng HS. Chẳng hạn với môn ngữ văn hoặc tiếng Anh, GV đã vận dụng để giao các bài tập theo nhiều hình thức khác nhau trong thực tiễn cuộc sống như: viết blog, bài truyền thông, báo tường, nhật ký, Facebook, thông báo...
Trường THPT Trung An (TP.Cần Thơ) những ngày cuối học kỳ 1 là lúc vườn trường đang nhộn nhịp các buổi học trải nghiệm trồng hoa tết, vừa để các em thực hành môn sinh học, công nghệ vừa thực hành các kỹ năng sản xuất, kinh doanh. Do vậy, sản phẩm của các em trồng và bán cũng được tính vào kết quả các bài kiểm tra định kỳ thay cho các bài làm trên giấy như trước kia.
Ông Lê Anh Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Đổi mới, sáng tạo là vô tận nhưng nhà trường cũng phải cân đối giữa việc học và thi cử, nhất là với HS lớp 12. Do vậy, điểm các bài thực hành, sản xuất mới dừng ở bài đánh giá thường xuyên, nhưng vì những giờ học như vậy tạo hứng thú và bản thân các em thấy bổ ích nên vẫn rất hào hứng tham gia”.

Có chấm dứt được nơi ra đề quá khó, nơi quá dễ ?

Một trong những thay đổi quan trọng của Thông tư 26 là việc ra đề các bài kiểm tra định kỳ, theo yêu cầu mới phải tuân thủ theo quy định chung. Đề kiểm tra phải xây dựng trên ma trận, đặc tả của đề, đáp ứng các mức độ cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục quy định trong chương trình.
Khi nói về Thông tư 26, ông Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), chỉ ra rằng lâu nay có hiện tượng ngay trong một trường, do GV tự ra đề kiểm tra nên mức độ khó, dễ của đề chênh lệch giữa mỗi lớp. GV có thể tùy tiện cho thêm câu hỏi rất khó vào đề kiểm tra, vì cho rằng HS của mình học khá hơn. Do vậy, dẫn đến tình huống HS đạt điểm 10 của lớp này nhưng năng lực học tập lại không tốt bằng HS đạt điểm 8 của lớp khác, do không cùng một “thước đo”. Thực tế này sẽ được cải thiện khi thực hiện theo cách đánh giá mới. Theo ông Hồng, việc xây dựng bài kiểm tra trên ma trận, đặc tả còn giúp tránh được những việc tiêu cực như ép HS học thêm chỉ vì GV đó ra đề.
Năm học 2019 - 2020, toàn bộ HS lớp 9 của Q.Thanh Xuân (Hà Nội) phải làm lại bài kiểm tra học kỳ 2 môn toán vì có tới 70% HS điểm dưới trung bình, nhiều bài điểm 1 - 2. Lãnh đạo phòng GD-ĐT quận này cho biết đây là kết quả bất thường, sau khi đánh giá lại đề thi do phòng GD-ĐT ra thì nhận thấy trong đề có những dạng câu hỏi mới với HS; 1 - 2 câu yêu cầu quá dài so với thời gian làm bài khiến HS mất nhiều thời gian; ma trận đề chưa được định hướng kỹ với các nhà trường.
Sự việc này được không chỉ Q.Thanh Xuân mà các quận, huyện khác ở Hà Nội coi là bài học về công tác ra đề kiểm tra định kỳ. Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng GD-ĐT quận này, cũng cho rằng nội dung, cách thức ra đề thi, kiểm tra luôn là vấn đề được các nhà trường và phụ huynh HS quan tâm. Do vậy, trước khi đổi mới ra đề kiểm tra thì việc tập huấn, phổ biến đến từng nhà trường, GV để họ nắm bắt và thay đổi phù hợp trong quá trình dạy học, ôn tập cho HS là rất cần thiết. Năm nay, Phòng GD-ĐT quận tiếp tục tổ chức kiểm tra chung toàn quận các môn ngữ văn, toán, tiếng Anh lớp 9 học kỳ 1, 2.
Đề kiểm tra chung hay riêng ?
Lâu nay, theo chỉ đạo chung của Sở GD-ĐT Hà Nội thì phòng GD-ĐT các quận, huyện ra đề kiểm tra học kỳ 1 và 2 cho HS lớp 9 và tổ chức chấm chéo giữa các trường để đánh giá mặt bằng chất lượng chung của HS toàn quận. Tuy nhiên, một số quận áp dụng đề kiểm tra chung cho cả những khối còn lại.
Bà Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, cho biết ngoài đề kiểm tra của lớp 9 theo đề chung toàn quận, với những khối lớp còn lại, đề kiểm tra cũng thực hiện chung theo toàn khối. Năm nay, kiểm tra theo Thông tư 26 nên Q.Hoàn Kiếm đã chủ động mời chuyên gia về tập huấn cho GV các trường về cách ra đề theo ma trận, đặc tả. Do vậy, đề kiểm tra cũng xây dựng theo định hướng phải đảm bảo theo 4 cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Vẫn chưa được tập huấn ra đề cách thức mới
Đến nay, tại các cơ sở giáo dục phía bắc, GV cốt cán của các trường vẫn chưa được tập huấn về cách thức kiểm tra, đánh giá mới nên học kỳ 1 vừa qua chủ yếu vẫn làm theo tinh thần Thông tư 26 và một số văn bản hướng dẫn có liên quan. Nhiều đơn vị cho biết vừa làm, vừa học hỏi và rút kinh nghiệm. Do vậy, ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy mong muốn chung của GV và các trường là Bộ GD-ĐT sớm tập huấn sâu cho GV cốt cán xây dựng đề kiểm tra theo hướng ma trận, đặc tả; có hướng dẫn chung về cách ra đề kiểm tra kèm đề mẫu để các trường thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện.
Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết việc tập huấn cuối năm 2020 mới áp dụng được 1/2 số lượng so với yêu cầu vì một số diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên dừng các hoạt động tập trung đông người. Đầu năm 2021, việc tập huấn sẽ được triển khai trở lại để các cơ sở giáo dục thuận lợi hơn trong việc thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá trong học kỳ 2.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.