Thậm chí, một số giáo viên (GV) còn mạnh dạn giao hẳn tiết học cho học sinh tự tổ chức để rèn tính chủ động sáng tạo.
Tự thiết kế tiết học
Việc Bộ GD-ĐT chính thức đưa môn giáo dục công dân vào bài thi khoa học xã hội kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã buộc các trường THPT phải nhìn lại cách dạy môn này. Thực tế cho thấy nếu vẫn giữ cách dạy truyền thống kiểu đọc chép, coi giáo dục công dân là môn phụ thì học sinh (HS) sẽ khó đáp ứng yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia. Từ đó, nhiều GV đã cải tiến bài giảng theo hướng kết hợp thuyết trình của HS với hình thức làm việc nhóm.
Tại Trường THPT Hồng Đức (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), hình thức làm việc nhóm khá đa dạng. HS không chỉ làm các bài thuyết trình mà còn tự lên kịch bản một tiểu phẩm phù hợp với vấn đề đang học. Những buổi học này được tích hợp trong nhiều tiết. Ông Phạm Thanh Tâm, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng thay đổi hình thức dạy học từ thầy giảng trò nghe sang HS làm việc nhóm, HS đóng vai, nghiên cứu, làm dự án, chuyên đề... khiến HS cảm thấy hứng thú hơn.
tin liên quan
Học sinh Việt Nam lần đầu giành huy chương về thiên văn họcLần đầu tiên tham dự olympic quốc tế về thiên văn học và vật lý thiên văn nhưng đội tuyển học sinh Việt Nam đã giành được 1 huy chương bạc.
Trong tiết học liên môn giáo dục công dân - địa lý mới đây tại Trường THPT Lê Quý Đôn, HS đã hoàn toàn làm chủ lớp học. Với chủ đề chính là tìm hiểu về môi trường, nguyên nhân ô nhiễm và biện pháp khắc phục, HS tự phân vai, thiết kế tiết học như một phóng sự truyền hình. Để có tư liệu, HS tự chia nhau thu thập tài liệu từ các kênh internet, báo chí, chương trình thời sự trên truyền hình. Sau đó cử ra một nhóm HS dẫn dắt lớp học. Trong tiết học này, những kiến thức có liên quan được HS khéo léo vận dụng để giúp các HS tham gia tiết học tự nắm bắt kiến thức một cách tự nhiên, dễ nhớ.
Bà Hồng Châu, GV hướng dẫn HS tổ chức tiết học này, cho hay: “Việc xây dựng tiết học hoàn toàn do HS chủ động thiết kế và tổ chức. Chúng tôi không can thiệp mà chỉ đóng vai là người tham gia và đánh giá cuối cùng. Các nguồn tài liệu cũng do HS tự đề xuất và GV chỉ là người duyệt lại. Phương pháp học mới này không chỉ giúp HS nắm vững kiến thức mà còn giúp các em học được nhiều kỹ năng khác như: chọn lựa dữ liệu phù hợp, phân chia công việc, học cách lãnh đạo tập thể, tạo môi trường làm việc nhóm thân thiện...”.
tin liên quan
GS Ngô Bảo Châu dành trọn tiền thưởng giải Fields để làm tạp chí toánGS Ngô Bảo Châu đã dành toàn bộ tiền thưởng mà ông nhận được kèm theo huy chương Fields từ năm 2010 để tài trợ cho Pi, một tạp chí toán dành cho học sinh, sinh viên yêu toán.
Tương tự, HS Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM) tự lên kế hoạch trong tiết liên môn văn - sử. Mặc trang phục của những nhân vật trong Truyện Kiều, HS hóa thân vào nhân vật, đưa những câu hát diễn tả tâm trạng của nhân vật vào các đoạn trích... Điều này giúp tiết học sinh động hơn rất nhiều lần so với cách thông thường. Với cách làm này, không khí học tập trở nên sôi nổi, HS hứng thú vì trở thành một phần của tiết học chứ không còn là người thụ động như trước đây.
Chú trọng kỹ năng
Là một trong số ít trường không đặt nặng vấn đề điểm số nên HS Trường THPT Đinh Thiện Lý (Q.7, TP.HCM) được tiếp xúc nhiều với cách học thoải mái, không chịu nhiều áp lực. Với hầu hết các môn học, GV chỉ giữ vai trò là người dẫn dắt, mở đường, định hướng cho HS chọn lựa đề tài và hỗ trợ khi gặp khó khăn. Với cách học này, HS phải thâm nhập đời sống, vận dụng những kỹ năng như quay phim, chụp hình... để thực hiện dự án học tập sống động nhất có thể.
tin liên quan
3 anh em sửa xe miễn phí ngày ngập nước vào đề thi môn vănSáng nay 16.12, hàng ngàn học sinh khối lớp 8 tại quận 3, TP.HCM, có dịp bày tỏ những suy nghĩ của mình về 3 chàng trai sau khi tan ca làm đã xách đồ nghề sửa xe chạy tới điểm ngập trên đường Phan Huy Ích (quận Tân Bình, TP.HCM) để thay bugi, sửa xe miễn phí cho người dân.
Nổi bật từ cách học này là dự án làm phim ngắn của nhóm HS lớp 10 trong môn hóa học về vấn đề ô nhiễm môi trường. Trong quá trình thực hiện dự án, HS vừa phải tìm hiểu kiến thức vừa phải chụp ảnh, quay phim, phỏng vấn nhân vật để dựng thành một đoạn phim với thông điệp rõ ràng. Không dừng lại ở việc hoàn thành phim mà sau khi được duyệt, HS tiếp tục lên kế hoạch cho chiến dịch tuyên truyền, quảng cáo để tạo hiệu ứng cho phim, thu hút người quan tâm như một sự kiện truyền thông.
Theo nhận xét của một số GV thì đây là cách học hay nhưng ít trường áp dụng được vì yêu cầu cần đạt về kiến thức, điểm số vẫn luôn đặt nặng hơn nhiều so với yêu cầu cần đạt về kỹ năng. Chính vì thế, hầu như toàn bộ thời gian phải tập trung vào việc bồi dưỡng kiến thức nên HS không được rèn nhiều về kỹ năng.
tin liên quan
Sử dụng điện thoại thông minh để dạy và họcTrong khi rất nhiều trường phổ thông cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học, thì một số trường lại khai thác lợi thế từ thiết bị này để dạy và giúp học sinh vừa thoát khỏi cách học lệ thuộc vào tài liệu trên giấy, ghi chép theo kiểu truyền thống, vừa làm chủ công nghệ.
Không chờ đợi từ cấp trên
Theo bà Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM), tùy theo điều kiện, các trường đều có thể chủ động để đổi mới. Với lợi thế là khuôn viên trường khá rộng, Trường Trần Văn Ơn đã xây dựng một vườn sinh học ngay trong trường. Rất nhiều loại cây như rau ngót, lục bình, dây mơ... đã được GV và HS trồng, chăm sóc. Như vậy khi học tới bài nào, HS đều có thể xuống khu vườn này để tìm các loại cây phù hợp với bài học mà không cần phải ra Thảo cầm viên hay nơi nào khác ngoài trường. Ngoài ra, dưới sự hỗ trợ của Bảo tàng Địa chất TP.HCM, trường cũng thiết kế một tủ trưng bày các mẫu đất, đá... có trong chương trình môn sinh. Để tủ trưng bày phong phú hơn, trước khi nghỉ hè, trường còn thông báo với HS tìm những mẫu vật mà HS sẽ học trong năm tiếp theo.
Từ đầu năm học này, HS Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) cũng được tăng cường nhiều tiết học ngoài trời, học kỹ năng và đa dạng hóa hình thức học tập thông qua các trò chơi.
Nhiều trường THPT cũng mời những ban nhạc dân tộc với đầy đủ các dụng cụ như đàn tranh, đàn bầu, sáo trúc... để dạy về âm nhạc dân tộc cho HS.
Trong buổi góp ý về tiết thao giảng có mặt GV toán của hầu hết các trường THPT tại TP.HCM, ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) nêu ý kiến: “Việc đổi mới cần sự chủ động của các trường phổ thông. Không thể đợi chủ trương đổi mới từ cấp trên nữa mà các trường phải tự xây dựng kế hoạch để làm ngay và làm có hiệu quả”. Bà Trần Thúy An cũng cho rằng việc đổi mới này bắt đầu từ tư duy giáo dục của GV, cần tìm điểm sáng của mỗi HS để nâng chất, định hướng giúp HS phát huy điểm sáng đó.
|
Bình luận (0)