Chia sẻ về ý tưởng, Phúc cho biết gần nhà có một cụ ông bị tai biến, không thể tự ăn cơm mà phải có sự trợ giúp từ con cái. Những lúc như vậy, cụ thấy buồn và mặc cảm vì thấy mình như gánh nặng của gia đình. Qua tâm sự của cụ, Phúc nảy ra sáng kiến làm thiết bị hỗ trợ đút thức ăn cho người có khả năng vận động kém.
Phúc dành nhiều tâm huyết để sáng chế robot đút thức ăn cho người vận động khó khăn |
Thanh Duy |
Trước khi triển khai, Phúc tìm hiểu trên internet và thấy thị trường cũng đã ra mắt một số sản phẩm. Tuy nhiên, đó đều là những máy công nghệ cao nên giá thành không rẻ, nhiều người khó có thể tiếp cận được.
“Việc sáng chế robot, em cũng học hỏi quy trình hoạt động từ những sản phẩm này. Song, cái khác là việc sử dụng những chất liệu bình dân để thay thế. Thiết bị gọn nhẹ, vừa túi tiền của người lao động là tiêu chí mà em muốn theo đuổi. Hiển nhiên, chất lượng khó thể sánh với những sản phẩm tiên tiến, nhưng robot cũng sẽ thực hiện được 3 tính năng là chọn món, múc và đút thức ăn”, Phúc chia sẻ.
Phúc có niềm say mê sáng tạo các dụng cụ tiện ích. Trước đây, em từng đoạt giải cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hậu Giang với 2 sản phẩm là máy quạt gió đá và máy chuốt bút chì tự động. Dù tích lũy được một số kinh nghiệm nhưng việc sáng chế robot với Phúc có nhiều trở ngại. Trong đó, công đoạn khó khăn nhất là bo mạch điện cho robot. Ngoài mạch chung thì ứng với mỗi nút điều khiển sẽ có một động cơ mạch điện riêng.
Theo Phúc, lỗi thường gặp là các mạch điện chập chằng vào nhau khiến robot không thể hiểu và “vâng lời” theo ý người sử dụng. Đây cũng là công đoạn tốn nhiều thời gian, thách thức sự kiên trì của người nghiên cứu. Tuy nhiên, với tâm huyết của mình, khó khăn đã không làm Phúc nản chí. “Bên cạnh đó, sự đồng hành, hướng dẫn tận tình của thầy Bùi Thanh Ngoan, giáo viên môn mỹ thuật, đã giúp ý tưởng của em từng bước hoàn thiện hơn”, Phúc nói.
Nguồn năng lượng giúp robot hoạt động là kết nối trực tiếp với nguồn điện hoặc pin. Không dễ để tìm ra mô hình ưng ý. Thời gian đầu, thông số kỹ thuật của các bộ phận không ăn khớp với nhau khiến robot phục vụ vụng về, hoạt động không chuẩn xác, rung làm rơi vãi thức ăn ở khâu múc và đút.
Về cách thức hoạt động của sản phẩm, Phúc cho biết chỉ cần ấn nút điều khiển là robot sẽ phục vụ. Thức ăn trên bàn xoay đảo theo vòng tròn, muốn món nào thì người dùng ấn nút “chọn món”. Cánh tay robot sẽ đảm nhận việc múc và đút thức ăn. Bộ phận giá đỡ này gắn mô tơ để có thể di chuyển lên, xuống, qua, lại; điều chỉnh phù hợp với chiều cao và tốc độ ăn của từng người. “Dụng cụ gắn trên tay robot có thể là muỗng hoặc nĩa. Robot có thể phục vụ tốt nhiều món ăn như súp, canh, cháo, mì”, Phúc thông tin.
Thiết kế tiện lợi vì các bộ phận có thể tháo rời để vệ sinh, sửa chữa, mang đi xa. Đặc biệt, Phúc còn thiết kế bộ điều khiển bằng chân dành cho những người bị khiếm khuyết đôi tay. Một sản phẩm hoàn chỉnh có trọng lượng gần 1 kg, chi phí thực hiện dưới 200.000 đồng. Với tính ứng dụng thực tiễn, ý tưởng của Phúc đã được trao giải nhì tại cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hậu Giang năm 2021.
Bình luận (0)