Khi trò còn ham chơi mà giáo viên lại chưa có kinh nghiệm dạy học trực tuyến, thì đây quả là một việc làm vô cùng gian nan với học sinh lớp 1.
Phải hò hét khản cổ con mới chịu học bài
Có con là học sinh lớp 1 tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Q.Gò Vấp, TP.HCM), chị Thanh Hà, cho biết từ khi nghỉ tết, cô đã có giao những bài tập nhẹ nhàng để con luyện chữ, học toán đơn giản tại nhà. Nhưng sau đó, phải nghỉ học kéo dài để phòng chống dịch Covid-19, con gái chị ham chơi, không thiết tha gì với việc học.
“Từ khi nghỉ học, giáo viên đã gửi bài tập cho cả lớp qua Zalo. Nhưng với trẻ lớp 1, các con chưa có ý thức về việc học, lại rất mải chơi nên ngày nào có bài tập tôi cũng phải hò hét khản cả giọng thì con bé mới chịu ngồi vào bàn làm bài”, chị Thanh Hà chia sẻ và cho biết, vì học ở nhà bữa có bữa không nên chữ viết của bé ngày càng xấu đi, còn các phép tính cơ bản gần như quên hết.
Từ tháng 3, khi trường tổ chức dạy chương trình mới, chị Thanh Hà bắt đầu rèn con vào khuôn khổ và đưa ra một giờ học nhất định trong ngày để tạo nên thói quen cho bé.
Mỗi tuần trường tải bài học lên một lần, bé sẽ học từ thứ hai đến thứ sáu. “Với học sinh lớn hơn chút thì các con có thể tự học, riêng với lớp 1 thì phụ huynh phải ngồi bên cạnh để hướng dẫn con, vì tự bé xem bài giảng sẽ không hiểu được. Với những người ở nhà thì không sao, còn với người đi làm như mình thì rất vất vả. Nhiều đêm về trễ, mẹ thì mệt, còn con thì đã buồn ngủ nên bé không thể học mỗi đêm mà mình thường dồn vào cuối tuần. Với học sinh lớp 1 mà phụ huynh nào bận, không kèm con học được thì việc các con quên hết kiến thức là chuyện bình thường”, chị Hà nói thêm.
Tương tự, cũng có con gái học lớp 1 tại Trường tiểu học Phú Tân (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương), chị Vũ Thị Thương cho biết từ lúc nghỉ học, bé chỉ ở nhà chơi nên gần như quên hết những kiến thức học được kỳ 1.
“Mình không cho con học chữ trước nên những tháng đầu trong học kỳ 1, bé chủ yếu làm quen với mặt chữ và các phép tính cơ bản. Tuy nhiên, thời lượng bé học chưa nhiều nên việc quên mặt chữ, phép tính khi nghỉ 3 tháng liền là điều dễ hiểu”, chị Thương nói.
Dạy được tới đâu hay tới đó
Bà Nguyễn Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (Q.Gò Vấp, TP.HCM), cho biết với học sinh tiểu học, đặc biệt là các em lớp 1, để học được chương trình trực tuyến thì cần phải có sự kèm cặp của phụ huynh. Trong khi đó, nhiều phụ huynh của trường vẫn còn bận công việc, chạy chợ từng ngày nên không phải em nào cũng có điều kiện để học tốt.
Bà Phượng nói: “Chưa kể, từ lúc nghỉ học, nhiều phụ huynh đã gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc nên việc kết nối với những học sinh này khó khăn. Hơn nữa, không phải nhà nào cũng có đầy đủ máy tính, kết nối mạng để các em tiếp cận được với bài học. Dù vậy, mình vẫn cứ triển khai dạy, dạy được tới đâu hay tới đó. Khi học sinh quay trở lại trường, giáo viên sẽ phải đánh giá lại trình độ của từng em để có phương án cải thiện, kèm cặp cụ thể”, bà Phượng chia sẻ.
Trong trường hợp học sinh sẽ phải nghỉ học kéo dài hết năm học, sẽ có một lứa học sinh lớp 1 lên lớp 2 nhưng chưa biết đọc biết viết thì lúc đó các trường sẽ phải có phương án ôn tập, dạy lại cụ thể.
Tương tự, một giáo viên lớp 1 tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Q.Gò Vấp) cho biết, khi học sinh học trực tuyến thì vai trò phụ huynh rất quan trọng. “Theo mình thống kê qua việc phụ huynh gửi lại bài tập các bé đã làm thì phần lớn học sinh đều hoàn thành yêu cầu, nhưng không biết được thực tế các em hiểu đến đâu. Sau nhiều tháng nghỉ học, mình nhận thấy nét chữ của học sinh xấu đi, nhiều em cũng làm qua loa cho có. Do vậy, khi trở lại trường, giáo viên sẽ phải dành thời gian để rèn lại các kỹ năng cho học sinh”, cô giáo này nói.
Bình luận (0)