"Cần minh bạch vấn đề này, có hay không việc ép buộc mua sách để trục lợi”
Hàng chục bạn đọc gửi bình luận sau khi đọc tin trên Báo Thanh Niên về việc Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT chấn chỉnh và thanh tra việc trang bị, mua sắm sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong trường học, sau thông tin một trường tiểu học ở TP.HCM yêu cầu học sinh lớp 1 mua 23 cuốn sách.
Hầu hết ý kiến đều cho rằng, việc ra văn bản chấn chỉnh sau khi việc mua sách vở, đồ dùng học tập đã hoàn tất là việc làm khá chậm trễ của Bộ GD-ĐT; và rằng văn bản sẽ không có tác dụng nếu không có giải pháp quyết liệt hơn.
Một bạn đọc gửi bình luận kèm biểu tượng mặt buồn: “Hoan hô Bộ GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo kịp thời, nhưng tôi đã mua rồi!”.
Bạn đọc khác thì bày tỏ nuối tiếc: giá mà Bộ có văn bản hướng dẫn sớm hơn, khi phụ huynh mua sắm sách vở, đồ dùng cho con từ tháng 8, giờ thì mọi sự đã rồi; hoặc “có nhà trường nào ép đâu, phụ huynh "tự nguyện" đó chứ. Bộ Giáo dục chỉ ra văn bản..., vấn nạn cả bao năm nay rồi chứ có phải mới đâu”.
“Đúng là tiếng trống khai trường: "Tùng tùng tùng - tiền tiền tiền", là một bình luận đầy tính trào phúng của một bạn đọc khác sau thông tin này.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng cũng cho rằng cần có chế tài mạnh hơn. Bạn đọc có tên Dương Văn Tuấn góp ý: “Cứ mạnh tay "xử" vài vị ban giám hiệu thì tệ nạn sẽ chấm dứt thôi. Hết “chỉ thị”, rồi lại “yêu cầu” họ không sợ đâu, thưa Bộ”
Cùng quan điểm, một bạn đọc khác tên “Roger” viết: “Cứ ra luật áp dụng cho các hiệu trưởng,hiệu trưởng nào làm sai thì cách chức,nếu sai nhiều thì truy tố ,cứ sai rồi rút kinh nghiệm hoài sao mà sợ”.
Nhiều bạn đọc khác cũng nhân sự việc này chia sẻ “nỗi niềm”. Bạn đọc tên Nguyễn Minh Ngọc cho hay: “Tôi ở Phú Thọ cũng phải mua cho con vào lớp 1 trọn gói bộ sách và dụng cụ học tập trị giá 800 nghìn, không được đăng ký chọn quyển nào.”
Bạn đọc Hữu Hà cho rằng: “Nhà trường không liệt kê thì ai mà mua. Chúng tôi là phụ huynh, nhà trường thông báo mua gì thì mua đó, chứ biết cái nào cần thiết hay không cần thiết? Tự ý bỏ đi bất kỳ đầu sách nào lỡ cần thiết thì có chết không? Cần minh bạch vấn đề này có hay không việc ép buộc mua sách để trục lợi”.
Bạn đọc có tên Chu Minh Tuyển bức xúc: “Không thể chấp nhận được những hành vi bóc lột tàn nhẫn trên lưng phụ huynh học sinh thông qua việc bán sách cho các cấp học phổ thông hiện nay!”
Học sinh lớp 1 phải có những sách gì, bao nhiêu tiền?
Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1 và sách giáo khoa (SGK) được xã hội hóa, giá sách tăng hơn đáng kể so với trước đây, khi chỉ có bộ sách giáo khoa duy nhất.
Tuy nhiên, theo niêm yết giá của các nhà xuất bản (NXB), 1 bộ SGK theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT không quá 200.000 đồng. Ví dụ, các bộ SGK lớp 1 của NXB Giáo dục Việt Nam có giá từ 179.000 - 194.000 đồng/bộ.
Còn các lớp 2 - 12 hiện vẫn học theo SGK của chương trình giáo dục phổ thông 2.000 do NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản, với giá chỉ khoảng từ hơn 100.000 đồng đến hơn 200.000 đồng/bộ tùy theo khối lớp.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho biết theo quy định, bộ SGK lớp 1 mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có 8 cuốn bắt buộc và 1 cuốn tự chọn, gồm: toán, tiếng Việt, đạo đức, tự nhiên -xã hội, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, âm nhạc, mỹ thuật và sách tiếng Anh (tự chọn do môn học này chỉ bắt buộc từ lớp 3).
Ngoài các cuốn SGK chính thức trên, những tài liệu bổ trợ tham khảo khác cho học sinh, phụ huynh học sinh có thể tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc. Các tài liệu bổ trợ nên trang bị theo nhu cầu thực tế của việc dạy-học và trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, học sinh.
“Vớ vẩn nhất là sách thể dục”
Tuy nhiên, ngay trong danh sách SGK bắt buộc, nhiều ý kiến cũng chỉ ra rằng, so với chương trình cũ, chương trình mới thêm một số đầu sách, như sách thể dục (tên gọi theo chương trình là “giáo dục thể chất”) và sách “hoạt động trải nghiệm”, đã gây nhiều tranh cãi từ khi chưa biên soạn, vì đây là những môn học trải nghiệm thực tế và hoạt động là chính, nên không cần có sách cho học sinh, nhất là lớp 1.
Tuy nhiên, Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và Bộ GD-ĐT vẫn quyết định phải có SGK dành cho học sinh. Nhiều phụ huynh khi xem xong các cuốn sách này cũng cho rằng thực sự không cần thiết.
Một phụ huynh cũng là giáo viên tiểu học cho biết: “Vớ vẩn nhất là sách thể dục”; sách này chỉ nên biên soạn cho giáo viên để học thiết kế bài học và hướng dẫn học sinh cho thật chuẩn để các em làm theo chứ thể dục là môn học vận động. Điều quan trọng là có sân chơi, bãi tập để học sinh vận động theo hướng dẫn của thầy cô chứ sách giáo khoa chỉ thêm nặng cặp, tốn tiền mà không giải quyết vấn đề gì.
Bình luận (0)