2 buổi/tuần được học Anh văn, kỹ năng sống đầy đủ
Hiện nay nhiều quận ở TP.HCM như 1, 3, 2, 7, 9... hầu hết học sinh (HS) ở bậc tiểu học đều được học 2 buổi/ngày. Trong khi đó, ở những quận đông dân như 12, Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp... nhiều trường không thể đáp ứng được tiêu chí học 2 buổi/ngày của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nằm ở Q.1, Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng có 100% HS lớp 1 được học 2 buổi/ngày. Bà Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường đã có nhiều năm triển khai dạy chương trình tiếng Anh, nhất là tiếng Anh tăng cường, tích hợp cho HS từ lớp 1. Những HS theo chương trình này học tới 8 tiết tiếng Anh/tuần, nên chắc chắn là trường phải dạy buổi 2 cho các em thì mới đủ tiết học hết các môn còn lại”.
Theo bà Hương, quy định của chương trình mới mỗi tuần HS lớp 1 phải học tối thiểu 25 tiết. Với HS lớp 1 chỉ được học 1 buổi/ngày, các em vẫn đảm bảo đủ số tiết tối thiểu theo yêu cầu của chương trình nhưng sẽ thiệt thòi hơn khi không được cải thiện các môn học thiên về kỹ năng như tiếng Anh, tin học, các hoạt động ngoại khóa...
Tương tự, bà Nguyễn Thị Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đống Đa (Q.Bình Thạnh), cũng cho biết 100% HS lớp 1 của trường được học 2 buổi/ngày, do vậy ngoài những tiết chính khóa, giáo viên sẽ có nhiều thời gian để củng cố và nâng cao kiến thức cho các em.
“Ví dụ những bài vở mà buổi sáng các em học nhưng chưa hoàn thành thì trong buổi 2 giáo viên sẽ kèm cặp hỗ trợ thêm. Với những em học tốt thì có thể được học nâng cao hoặc rèn luyện thêm các kỹ năng như tự chăm sóc bản thân, tự phục vụ, bảo vệ, vui chơi an toàn. Những em nào chậm hoặc yếu hơn thì được giáo viên kèm cặp để nắm vững kiến thức hơn. Cũng trong buổi 2, trường thường tổ chức dạy các môn tự chọn, năng khiếu... giúp các em bồi dưỡng, phát triển thêm”, bà Trang chia sẻ.
Không đủ phòng, học sinh học cả thứ bảy
Trong khi đó, ở những quận đông HS, vào thứ bảy các em vẫn phải đến trường.
Trường tiểu học Lê Văn Thọ (Q.12) có hơn 4.500 HS, là một trong hai trường có HS đông nhất TP.HCM. Riêng khối lớp 1 có tới 19 lớp với 1.000 HS nên tất cả đều học 1 buổi/ngày. HS trường này đông đến mức dù học cả thứ bảy vẫn phải chia hai ca sáng, chiều mới đủ phòng.
Đề xuất hỗ trợ học phí để HS học trường tư thục, giảm áp lực trường côngÔng Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết Sở đã báo cáo UBND TP chỉ đạo gấp rút tổng kết thực hiện Quyết định 02 của UBND TP.HCM về quy hoạch mạng lưới trường lớp. Hiện nay quận nào chưa đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi thì phải có kế hoạch tổ chức thực hiện xây dựng thêm trường lớp để đảm bảo chương trình bậc phổ thông ở tiểu học cuốn chiếu đều đạt 2 buổi/ngày.
Năm tới, khi chương trình thực hiện cuốn chiếu sang lớp 2, thì Sở đã tham mưu UBND TP cấp hỗ trợ học phí cho những HS có điều kiện theo học ở các trường tư thục để giảm bớt áp lực về sĩ số cho trường công lập.
|
Tương tự, Trường tiểu học Ngô Quyền (Q.Bình Tân) cũng có khoảng 4.500 HS. Trường có tới 21 lớp 1 và phải tận dụng tất cả các phòng chức năng, từ phòng họp của giáo viên, phòng vi tính, phòng hội đồng... để mở lớp bán trú. Nhưng cũng chỉ có HS của 11 lớp được học 2 buổi/ngày, số còn lại chỉ học 1 buổi và học thêm một buổi vào thứ bảy để đủ số tiết tối thiểu theo quy định.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu HS chỉ được học 1 buổi/ngày có thiệt thòi so với HS 2 buổi/ngày, ông Võ Phương Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngô Quyền, khẳng định: “Chắc chắn sẽ có chênh lệch trong việc tiếp nhận kiến thức. Nếu các em được học 2 buổi thì mỗi tuần sẽ được học ít nhất 35 tiết/tuần. Trong khi với HS học 1 buổi thì mỗi tuần chỉ có khoảng 30 tiết, vì thế sẽ không có những tiết học các môn tự chọn, hoạt động trải nghiệm cũng như được giáo viên kèm cặp thêm vào buổi 2. Ngoài ra, HS học 1 buổi sẽ học liên tục 5 tiết/buổi và học thêm vào thứ bảy nên các em sẽ chịu áp lực lớn hơn”.
“Trường tôi để tổ chức được bán trú 100% cho HS lớp 1 là khó, vô cùng khó. Ngoài việc sắp xếp phòng học thì còn phải tính đến chỗ ăn trưa, ngủ nghỉ cho các em nữa. Hiện nhà ăn của trường cũng không đáp ứng đủ nhu cầu bán trú nên rất nan giải. Nếu có phòng học mà không có nhà ăn cũng không ổn, nếu cho các em ăn ở hành lang hay sân trường thì không hợp vệ sinh, không đảm bảo an toàn... Nên bản thân chúng tôi cũng rất áp lực”, ông Bình thẳng thắn chia sẻ.
Bình luận (0)