Với nội dung chuyên đề môn ngữ văn lớp 10: Tập nghiên cứu và viết báo cáo về một số vấn đề văn học dân gian, giáo viên và học sinh Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa (quận 1, TP.HCM) đã thực hiện buổi báo cáo chuyên đề về văn học dân gian vào ngày 23.10. Học sinh đã thể hiện khả năng tìm tòi, nghiên cứu, viết và trình bày những kiến thức của mình về các vấn đề như tình yêu đôi lứa, thần thoại Hy Lạp, dấu ấn tinh thần của người Ê đê cổ trong đoạn trích Đăm-săn đi chinh phục Nữ thần Mặt trời.
Tại buổi báo cáo, nhóm học sinh lớp 10A3 đã nghiên cứu và giới thiệu về đặc điểm của ca dao về tình yêu đôi lứa đặc trưng cho từng vùng miền.
Chẳng hạn, ở miền Bắc, do ảnh hưởng của chế độ lễ giáo, khuôn phép làng xã in sâu trong tâm trí nên cái yêu, cái thương của họ có sự can thiệp sâu của lý trí, chuẩn mực đạo đức… nên người dân Bắc bộ ít nhiều có sự ràng buộc trong những câu nói, lời yêu của họ. Do đó, khi nói về tình yêu, họ thường mượn các hình ảnh trầu-cau, mận-đào để thay lời tỏ tình, như "Bây giờ mận mới hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?/Mận hỏi thì đào xin thưa/ Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào".
Còn ở miền Trung, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt cũng ảnh hưởng đến quan niệm và cách thể hiện tình yêu trong ca dao: "Anh về cuốc đất trồng cau/ Cho em trồng ghé cây trầu một bên/Đôi ta như lứa đôi chim/ Cùng nhau xây đắp ấm êm trọn đời".
Trong khi đó, người dân miền Nam nổi tiếng với tính tình phóng khoáng, hào sảng cho nên khi thể hiện tình cảm cũng cởi mở, mãnh liệt thông qua các câu ca dao: "Thấy em nhỏ thó lại có duyên ngầm/Anh phải lòng thầm ba bốn tháng nay".
Còn nhóm học sinh của lớp 10A1 chọn nghiên cứu về những dấu ấn tinh thần của người Ê Đê cổ trong đoạn trích Đăm- săn đi chinh phục Nữ thần Mặt trời.
Ở đề tài này, nhóm học sinh lớp 10A1 đã thể hiện việc nghiên cứu và năng lực viết báo cáo theo trình tự của đề tài nghiên cứu từ dẫn nhập, phương pháp nghiên cứu, cơ sở lý thuyết, kết quả nghiên cứu và kết luận.
Qua đề tài nghiên cứu "Những dấu ấn tinh thần của người Ê Đê cổ trong phạm vi đoạn trích Đăm- săn đi chinh phục Nữ thần Mặt trời", học sinh đã hiểu về khát vọng chinh phục tự nhiên của cộng đồng dân tộc Ê Đê, phản ánh chế độ mẫu hệ, tô đậm những văn hóa tập tục đặc biệt bắt nguồn từ tín ngưỡng sùng bái thần linh…
Là thành viên của nhóm nghiên cứu lớp 10A3, học sinh Nguyễn Trương Khánh Hà chia sẻ: "Văn học dân gian được cho là khó 'để vào đầu' nhưng khi có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn, chúng em phát hiện ra rất nhiều thú vị, giàu cảm xúc. Qua đó còn tác động đến lòng ham thích nghiên cứu khoa học của học sinh".
Là một trong hai giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện chuyên đề văn học, thầy Ngô Văn Đát chia sẻ: "Đề tài các lớp chọn rất đa dạng, phù hợp với nội dung yêu cầu của chuyên đề ngữ văn. Trong mỗi sản phẩm được báo cáo đều tạo được những nét riêng, kiến thức phong phú, chuyên sâu. Đảm bảo được tiến trình các bước của việc nghiên cứu và viết một báo cáo một vấn đề văn học".
Theo thầy Đát, qua việc nghiên cứu chuyên đề ngữ văn ở Chương trình GDPT 2018, học sinh còn phát triển những năng lực, phẩm chất khác như làm việc nhóm, ứng dụng công nghệ, khả năng thuyết trình, đánh giá vấn đề, khả năng nghệ thuật âm nhạc, kịch... Ngoài việc xây dựng đề tài tập trung vào kiến thức bộ môn ngữ văn, chuyên đề còn hướng các em tới việc tìm hiểu văn hóa vùng miền, quốc gia... Từ đó thể hiện niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước và rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp, tích cực.
Ở Chương trình GDPT 2018, học sinh lớp 10 lựa chọn tổ hợp môn theo định hướng nghề nghiệp. Các học sinh chọn tổ hợp các môn học thiên về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn sẽ có thêm các chuyên đề ngữ văn khi học môn văn.
Chuyên đề môn ngữ văn được phân bố 35 tiết/năm với 3 nội dung, có sự tương thích với các thể loại văn học, học sinh theo học trong chương trình của từng lớp. Chẳng hạn, chuyên đề ngữ văn lớp 10 gồm: Tập nghiên cứu và viết báo cáo về một vấn đề văn học dân gian; Sân khấu hóa tác phẩm văn học; Đọc, viết, giới thiệu một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết.
Theo giáo viên Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), các chuyên đề ngữ văn được giáo viên chủ động tổ chức với nhiều hình thức khác nhau nhằm đến mục tiêu chuyên sâu hóa môn học của chương trình mới.
Chẳng hạn ở Trường THPT Bùi Thị Xuân, sau khi giáo viên hướng dẫn học sinh quy trình về lựa chọn đề tài, nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích và viết báo cáo thì tùy nhóm, học sinh có thể sân khấu hóa hoặc thực hiện đoạn phim ngắn, chuyển thể tác phẩm văn học sang truyện tranh…
Giáo viên Đỗ Đức Anh cho biết, với thể loại văn học dân gian, Trường Bùi Thị Xuân sẽ định hướng chuyên đề ngữ văn theo hình thức chuyển thể thành truyện tranh dân gian. Các nhóm học sinh sẽ lựa chọn tác phẩm, phân công thành viên trong nhóm thực hiện các công việc như viết lời, vẽ minh họa…
Còn ở Trường THPT Trần Phú (quận Tân Phú), một giáo viên ngữ văn cho hay, các chuyên đề ngữ văn được giáo viên và học sinh thực hiện theo các hình thức như làm phim ngắn, thiết kế poster, tổ chức dự án sân khấu hóa tác phẩm văn học. Nhờ đó, học sinh tăng thêm hứng thú học tập, bài học không dừng ở việc ghi nhớ kiến thức trong sách vở mà khơi gợi nhiều cảm xúc cho học sinh.
Bình luận (0)