Chứng chỉ ngoại ngữ và lợi ích mang lại cho học sinh THPT
Chứng chỉ ngoại ngữ dùng để đánh giá khả năng sử dụng một ngôn ngữ nhất định. Ở Việt Nam, phổ biến nhất hiện nay vẫn là chứng chỉ IELTS đánh giá trình độ tiếng Anh. Hiện nay, nhiều trường đại học tốp đầu ở Việt Nam đã áp dụng chứng chỉ ngoại ngữ (IELTS, TOEIC, TOEFL,...) như một điều kiện ưu tiên xét tuyển. Vì thế, chứng chỉ ngoại ngữ là một điểm cộng rất lớn trong hồ sơ xét tuyển đại học.
Một lớp luyện thi IELTS |
trần minh quang |
Uông Gia Thế Bảo, tân sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), bộc bạch: “Chứng chỉ IELTS thực sự giúp mình rất nhiều, từ được đỗ vào trường đại học mà mình mơ ước đến phỏng vấn ứng tuyển cho các dự án và hoạt động ngoại khóa lớn.”
Khi chứng chỉ ngoại ngữ trở thành thách thức
Vì các lợi ích mà chứng chỉ này mang lại, nhiều học sinh THPT đã sớm bắt đầu luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ, đặc biệt là IELTS. Tuy nhiên,học sinh cần dành rất nhiều thời gian ôn luyện để sẵn sàng cho bài thi chính thức. Đây là một chặng đường khó khăn với các học sinh THPT để đạt được số điểm như mong ước.
Bắt đầu học IELTS từ tháng 7 năm trước, Phương Nghi, học sinh Trường THPT Năng khiếu, Trường ĐH Tân Tạo, chia sẻ: “Em chọn IELTS vì em muốn dùng chứng chỉ đó để xét tuyển đại học. Nhưng trên thực tế, em không thể dành nhiều thời gian cho việc học IELTS như trước vì lịch học trực tuyến quá dày. Đối với những thí sinh tự học thì thách thức càng lớn hơn. Em cần phân chia thời gian hợp lý để có được kết quả như mong đợi”.
Giống như Phương Nghi, Huyền Trâm, học sinh lớp 12 Trường THPT Năng khiếu, Trường ĐH Tân Tạo, lo lắng về quãng thời gian có thể dành cho việc ôn thi. “Khi lên lớp 12, em đã cắt bớt thời gian ôn thi IELTS để tập trung vào việc học trên lớp hơn. Đôi khi trong lúc ôn thi em đã cảm thấy hối hận.” Dù vậy, Trâm vẫn chọn bước tiếp chặng đường này vì em hy vọng công sức và khoản tiền em đã bỏ ra sẽ được đền đáp.
Đã có nhiều trường hợp học sinh vì ôn luyện cho kỳ thi IELTS mà lơ là bộ môn tiếng Anh ở trường. Bùi Võ Gia Khang, tân sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), đã có những trải nghiệm khi tham gia cả hai cuộc thi học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh và thi chứng chỉ IELTS khi học lớp 12. Khang tâm sự: “Thực chất thì thời gian đó rất khó khăn, vì mục tiêu của mình lúc đầu là hơn 26 điểm nếu trượt xét học bạ. Mình học IELTS trong thời gian tương đối ngắn nên phải dành rất nhiều thời gian cho nó. Đến lúc học xong thì đã kiệt sức, ảnh hưởng nhiều đến việc ôn thi tốt nghiệp THPT.”
Cô Nguyễn Thị Mỹ Ngân, giáo viên tiếng Anh tại Trường THPT Năng khiếu, Trường ĐH Tân Tạo, cho rằng: “Tôi nghĩ học sinh có mong muốn đi du học hoặc vào những ngành liên quan đến ngôn ngữ, các chương trình có yếu tố quốc tế, chất lượng cao... thì mới nên tập trung ôn thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế từ cấp THPT. Có nhiều em dành thời gian giải đề IELTS mà lơ là chương trình học phổ thông nên ảnh hưởng đến kết quả học tập, đặc biệt là thi tốt nghiệp”.
Đạt được chứng chỉ IELTS với số điểm cao đòi hỏi ở thí sinh rất nhiều năng lực chuyên môn và sự chuẩn bị tốt về tài chính. Tuy nhiên, chứng chỉ ngoại ngữ thường có thời hạn ngắn, trung bình là 2 năm. Vì thế học sinh cần một kế hoạch cụ thể nhất khi bắt tay vào ôn luyện. Nếu nhằm mục đích du học, xét tuyển vào các chương trình đặc biệt ở đại học trong nước, tốt nhất học sinh nên có kế hoạch lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế vào khoảng cuối năm lớp 11.
Bình luận (0)