Giúp học sinh sáng tạo nghệ thuật
Cô Võ Thị Mỹ Duyên, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp, Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu, cho biết nhằm nâng cao chất lượng dạy học, khơi gợi niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật cho học sinh, các thầy cô của trường phát động phong trào làm tranh từ hoa, cây để gây quỹ. Học sinh đăng ký làm tranh sẽ được thầy cô bộ môn Tổ Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp hỗ trợ bằng cách gửi đường link hướng dẫn kỹ thuật.
Trong các các công đoạn làm tranh, khó nhất là tạo hình, đòi hỏi sự chu đáo, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Nếu không tạo hình cẩn thận thì khi dùng keo dán sẽ khiến những bức tranh biến dạng, không có thần thái. Trần Lư Thảo Như, lớp 10 Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu, chia sẻ: "Đối với em, khó nhất là phải tìm loại lá phù hợp với bố cục mà chúng em đã vẽ trước đó. Qua nhiều lần tìm hiểu xử lý lá thì chúng em chọn giải pháp ủi lá để có thể giữ nguyên màu sắc của lá".
Theo cô Duyên, tùy theo độ khó, mỗi bức tranh phải mất 1 tuần, thậm chí 2 - 3 tuần mới hoàn thành. Chẳng hạn, bức tranh "Tôn sư trọng đạo" của nhóm học sinh lớp 11 chuyên sinh, từ lúc hình thành ý tưởng đến khi hoàn thành mất gần 3 tuần.
Công đoạn tốn nhiều thời gian nhất là ngâm ủ, biến những chiếc lá bồ đề từ màu xanh nguyên thủy thành màu màu trắng tinh, rồi nhuộm màu phơi nắng thành những chiếc lá màu óng ả. Sau đó, các thành viên của nhóm hội ý sắp xếp từng chiếc lá, nhánh cây, đính thêm từng hạt cườm trắng, tạo nên bức tranh đầy sống động với nhiều màu sắc bắt mắt.
Những bài học bổ ích
Sau 2 tháng phát động, các em đã làm được 225 bức tranh lá. Mỗi bức tranh được các em gửi gắm vào đó những suy nghĩ, ước mơ, hoài bão của mình, như: người dân tung chài mưu sinh trên sông nước, nhà sàn truyền thống của người miền Tây, làng quê êm ả với hàng cây thốt nốt, vẻ đẹp vùng Bảy Núi...
Cũng có nhóm rất kỳ công tạo ra bức tranh đầy ý nghĩa, như bức tranh lá "vạn sự phát triển" của nhóm Trần Tuấn Kiệt, lớp 12 chuyên lý. Các em nhặt từng chiếc lá xoài, lá liễu, hoa đồng tiền tím, nhánh lúa ngoài đồng rồi ghép với nhau tạo nên hình dáng chim phượng hoàng ngậm nhánh lúa tung cánh bay lên cao. "Chúng em mất nhiều ngày ròng mới tạo nên bức tranh trên, thông qua đó các em muốn gửi kỳ vọng về nền nông nghiệp của nước mình sẽ phát triển ngày càng phồn thịnh", Kiệt nói.
Sau khi tham gia vào hoạt động thiết kế tranh lá, nhiều học sinh cho biết đã học được nhiều bài học bổ ích. Phạm Huyền Thoại (lớp 11) chia sẻ: "Thông qua hoạt động trải nghiệm làm tranh lá bồ đề, chúng em biết được cách làm xương lá, nhuộm màu lá. Ngoài ra, chúng em học được cách quản lý thời gian cũng như cách làm việc nhóm nên chúng em thấy hoạt động này rất thú vị và bổ ích".
Các thầy cô chọn ra 120 bức trưng bày tại thư viện trường để bán đấu giá. Hiện có 56 bức đã được bán với số tiền khoảng 35 triệu đồng, trong đó có 6 bức được bán với giá từ 6 - 8 triệu đồng/bức. Số tiền bán tranh, tác giả sẽ được thưởng 20%, phần còn lại đưa vào quỹ khuyến học tặng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường. Điều này khiến tác giả bức tranh rất vui bởi được chia sẻ một phần nào khó khăn với bạn bè.
Trần Tuấn Kiệt phấn khởi nói: "Chúng em cảm thấy rất hạnh phúc khi bức tranh của mình được đón nhận, cũng như được đóng góp một phần công sức nhỏ nhoi của mình giúp các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn".
Bình luận (0)