Học sinh mong kết quả công bằng từ kỳ thi THPT quốc gia 2019!

09/04/2019 07:49 GMT+7

Chia sẻ với lãnh đạo của Bộ GD-ĐT về kỳ thi THPT quốc gia sắp đến, các học sinh mong ước một kỳ thi không có gian lận và vẫn hồi hộp về đề thi thật sẽ khó hơn đề thi tham khảo.

Mong kỳ thi an toàn và nghiêm túc thật sự

Cuối tuần qua, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), có đợt kiểm tra công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia tại Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh. Trong buổi làm việc tại Bắc Giang, Cao Thị Mỹ Duyên, học sinh (HS) lớp 12A1, Trường Lạng Giang số 2, cho hay các em sẽ nỗ lực để học tập và làm bài thi tốt nhất nhưng đồng thời mong ước kỳ thi diễn ra an toàn và nghiêm túc thật sự, không có gian lận ở tất cả các nơi để đảm bảo một kết quả công bằng. Một số HS băn khoăn về điểm mới trong chấm thi và việc bổ sung yêu cầu “đánh phách điện tử” với bài thi trắc nghiệm…

Ông Mai Văn Trinh chia sẻ mong muốn chính đáng của HS về một kỳ thi công bằng, nghiêm túc và một lần nữa khẳng định những thay đổi trong kỹ thuật tổ chức thi năm nay đang nhằm hướng tới mục tiêu đó.
“Chúng tôi cũng mong mỗi thí sinh tham dự kỳ thi đều với tâm thế nghiêm túc nhất, ôn tập và làm bài hết sức mình để đến khi bước ra khỏi phòng thi, chúng ta không còn điều gì ân hận vì chưa làm tốt”, ông Trinh nhắn nhủ.
Về băn khoăn của HS về những thay đổi trong chấm thi, đánh phách điện tử bài thi trắc nghiệm, ông Trinh giải thích: “Năm nay, việc chấm các bài thi trắc nghiệm giao cho các trường ĐH chủ trì. Với bài thi tự luận dù địa phương vẫn chủ trì nhưng có những thay đổi nhằm đảm bảo bộ phận làm phách và người chấm cách ly hoàn toàn với nhau. Trong khi chấm bài, giáo viên (GV) bốc thăm túi nào thì chấm túi đó chứ không có sự phân công, sau khi chấm 2 vòng sẽ chấm kiểm tra tất cả những bài có điểm cao. Việc đánh phách bài thi điện tử, có thể hiểu sơ bộ là cách mã hóa để khi truy cập vào bài làm thì không biết được là của thí sinh nào để can thiệp, chỉnh sửa, giúp việc chấm thi minh bạch”.
Bên cạnh đó, ông Trinh lưu ý các cơ sở cần rà soát và lắp đặt hệ thống camera theo đúng hướng dẫn của Bộ để phục vụ công tác bảo quản đề thi, bài thi và suốt quá trình chấm thi; các sở cần thực hiện nghiêm túc việc không bố trí thí sinh tự do ngồi riêng phòng thi, hội đồng thi như các năm trước.
Ông Bạch Đăng Khoa, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang, cho hay Sở rất chú tâm trong việc lựa chọn những người để thực hiện công tác tổ chức kỳ thi, đặc biệt đối với các vị trí “nhạy cảm” càng đòi hỏi phẩm chất, trách nhiệm cao hơn.

Mong đề thi thật không khó hơn đềtham khảo

Mặc dù Bộ GD-ĐT đã sớm công bố đề tham khảo (từ tháng 12.2018), nhưng do năm ngoái đề tham khảo đã khó và đến khi thi thật thì đề còn khó hơn nên nhiều HS vẫn hoang mang.
Điều Anh Đức, HS lớp 12 Trường THPT Yên Thế (Bắc Giang), đặt câu hỏi với ông Mai Văn Trinh: “Đề thi tham khảo năm nay dễ hơn đề thi năm ngoái, vậy Bộ GD-ĐT có thể cho biết đề thi thật năm nay so với đề thi tham khảo có độ khó chênh lệch ra sao?”.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, HS ở thành phố lớn như Hà Nội cũng lo âu về điều này. Tạ Bình Minh, HS lớp 12A Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), bày tỏ băn khoăn lớn nhất là không biết độ khó và cấu trúc của đề thi thật có giống đề thi minh họa hay không. “Mong Bộ GD-ĐT không thay đổi độ khó của đề thi thật so với đề minh họa”, Minh tha thiết.
Một số trường ở Hà Nội như THPT Việt Đức, Trần Nhân Tông, Thăng Long, Yên Hòa… cho biết do HS có chất lượng đầu vào cao và cũng đề phòng tình huống đề thi thật tăng độ khó so với đề tham khảo nên trong quá trình ôn tập, các tổ bộ môn cũng xây dựng bộ đề khó hơn một chút so với đề tham khảo.
Ông Mai Văn Trinh khẳng định, đề tham khảo mà Bộ đã công bố có giá trị tham khảo rất lớn, HS và các nhà trường hoàn toàn có thể căn cứ vào đó để ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Năm nay, Bộ cũng chỉ công bố đề tham khảo một lần và điều đó cho thấy không có thay đổi gì trong định hướng ra đề, nội dung đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12.
Ông Trinh cũng đề nghị các trường trong thời gian tới cần tổ chức dạy học căn cơ, tuyệt đối không cắt xén chương trình hay dạy lệch, dạy “tủ” bởi đặc điểm đề thi trắc nghiệm là độ bao phủ rộng, nên nếu giáo viên cắt xén chương trình là có lỗi với HS.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.