Đến hẹn lại lên, cứ dịp cuối năm tổng kết năm học của các cấp học, mạng xã hội tấp nập phong trào khoe con, khoe điểm, khoe giấy khen và các thành tích trong năm học của con. Đang trong thời điểm công bố điểm thi lớp 10, điểm chuẩn lớp 10 chuyên, tích hợp tại TP.HCM nên phong trào khoe con lại bắt đầu sôi động. Tuy nhiên, năm nay cũng có hiện tượng mới hơn khi trên mạng xã hội Zalo, Facebook có các nhóm "ngăn" cha mẹ khoe điểm của con trên mạng. Phải chăng hiện nay học sinh đã có ý thức rõ hơn về quyền cá nhân, quyền riêng tư của mỗi người?
Học sinh nói gì về những cha mẹ thích "khoe điểm", "cúng Face"?
Nguyễn Thị Hoài Ni, học sinh lớp 11A13, Trường THPT Trần Văn Giàu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM cho biết ở một số trường hợp, việc ba mẹ khoe bảng điểm con cái sẽ khiến cho các bậc ba mẹ khác gây ra áp lực cho con cái của họ, khiến học sinh càng bị áp lực đồng trang lứa đè nặng.
"Có nhiều người nghĩ rằng áp lực đồng trang lứa xuất phát từ những bài đăng khoe thành tích trên mạng xã hội, những thực chất việc gây áp lực cho con cái là sự lựa chọn của mỗi cha mẹ, thay vì an ủi, động viên, đồng hành, thấu hiểu với con, họ lại chọn làm ngược lại, họ gây áp lực, ép buộc con mình vào một khuôn khổ, vào một hình mẫu mà họ tự cho là giỏi, cho là làm như vậy sẽ tốt, mà không hay biết hay quan tâm đến cảm nhận của con mình", Hoài Ni nói.
Hoài Ni cho biết bản thân em cũng từng là nạn nhân của áp lực đồng trang lứa. Nhưng may mắn ba mẹ em từng chỉ ngồi im lặng nghe người khác khoe về con nhà người ta, không hề mắng mỏ, miệt thị gì con mình. Chính điều này cho em thêm động lực để cố gắng. "Em đã cố gắng để đạt được thành tích cao, bảng điểm đẹp để ba mẹ có thể tự hào về mình. Việc này không phải để ba mẹ mang đi khoe điểm lên mạng, mà vì em muốn làm cho ba mẹ có thể hạnh phúc vì mình", Hoài Ni bộc bạch.
Tín hiệu tích cực cho thấy học sinh ý thức hơn về quyền của mình
Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc hãng luật Lê Trung Phát, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết bấy lâu nay nhiều phụ huynh cứ khoe điểm, khoe thành tích của con trên mạng xã hội và thấy là bình thường để lấy niềm tự hào từ cộng đồng mạng. Nhưng các phụ huynh đang quên đi rằng việc này ảnh hưởng tới quyền lợi, quyền riêng tư của con, gây tổn thương tới những học sinh, gia đình khác.
"Khi học sinh THCS, THPT hiện nay đã ý thức được điều đó, các em muốn cha mẹ không can thiệp sâu hơn vào điểm số, "ngăn" cha mẹ khoe điểm của con trên mạng đó là một nhận thức tốt. Chứng tỏ các em đã được giáo dục trong nhà trường và ảnh hưởng tích cực từ các nền văn hóa, giáo dục tiên tiến trên thế giới", luật sư Lê Trung Phát nói.
Tuy nhiên, theo luật sư Phát, việc học sinh lên tiếng bằng việc lập hội, nhóm trên mạng xã hội, "ngăn", "cấm" cha mẹ khoe điểm là không nên, bởi người các em đang muốn lên tiếng chính là với cha mẹ, thì lập hội nhóm như thế này, ý kiến có đến được với các phụ huynh không?
Đồng thời, theo luật sư Phát, các hội nhóm trên mạng xã hội ít nhiều có những chủ đề bên lề, chưa hẳn là hoàn toàn tích cực. Do đó, học sinh hoàn toàn có thể bày tỏ ý kiến thẳng thắn với cha mẹ.
"Điều quan trọng nhất để điều chỉnh hành vi đó là trực tiếp tương tác giữa những người có nhu cầu, người đang có hành vi được cho là ảnh hưởng tới quyền lợi của mình. Con cái có quyền bày tỏ quan điểm tới cha mẹ, cha mẹ có trách nhiệm lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu, tôn trọng quyền của con. Có thể việc con mở lời với cha mẹ có khó khăn vì ở cương vị là con cái, nhưng chúng ta khuyến khích các con chia sẻ trực tiếp, thẳng thắn với cha mẹ ở ngoài đời. Bên cạnh việc tâm sự bằng lời nói, các con có thể chia sẻ với cha mẹ bằng thư, bằng tin nhắn chẳng hạn", Giám đốc hãng luật Lê Trung Phát, Đoàn luật sư TP.HCM nói.
Hệ lụy tiềm tàng từ việc khoe điểm
Thạc sĩ Lê Văn Nam, giáo viên Trường THPT Trần Văn Giàu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, đồng tác giả bộ sách "Chuyện của mèo" nói về áp lực đồng trang lứa trong học sinh - được trao giải nhì cấp quốc gia cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần 5", cho biết xã hội càng tiến bộ, công nghệ càng mạnh mẽ, thì việc phụ huynh khoe điểm của con càng cần được xem là vấn đề nghiêm trọng, phải xử lý rốt ráo.
Thứ nhất, việc phụ huynh khoe điểm thi trên mạng xã hội là tạo ra sự ghen tỵ và áp lực tâm lý đối với những em học sinh không đạt kết quả cao. Bằng cách công khai điểm số, các em bị đặt vào tình thế so sánh và cảm thấy tự ti về năng lực của mình. Việc khoe điểm số trên mạng xã hội dẫn đến việc so sánh và đánh giá giá trị cá nhân của mỗi học sinh dựa trên điểm số. Điều này tạo ra một tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và dẫn đến việc so sánh trình độ của học sinh chỉ đơn thuần thông qua điểm số.
Thứ hai, việc khoe điểm thi trên mạng xã hội đánh mất sự riêng tư của các em học sinh. Phong trào khoe điểm thi trên mạng xã hội cản trở quá trình giáo dục và định hướng sai mục tiêu. Thay vì tập trung vào việc rèn kỹ năng, khám phá sở thích và phát triển cá nhân, các học sinh có thể bị lôi kéo vào cuộc đua điểm số và chỉ chú trọng vào kết quả thi cử. Điều này gây áp lực lớn lên các em, không đảm bảo quá trình học tập là một trải nghiệm hữu ích và thú vị.
"Kế đó, việc khoe điểm có thể tạo ra sự tự cao và tự phụ, thúc đẩy sự kiêu ngạo và tư duy chú trọng về thành tích cá nhân. Điều này làm mất đi giá trị của sự khiêm tốn, khiêm nhường và lòng nhân ái trong xã hội. Các em học sinh có thể bị người khác xem nhẹ hoặc đánh giá thấp khi họ nhìn vào điểm số, thay vì dựa trên phẩm chất và khả năng cá nhân.
Và nghiêm trọng hơn, khi phụ huynh khoe điểm con em mình trên mạng, thông tin cá nhân như điểm số có thể bị sử dụng sai mục đích hoặc bị lợi dụng bởi những cá nhân hay tổ chức không đúng đắn, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực tới chính học sinh đó, mang lại những rắc rối không đáng có", thạc sĩ Lê Văn Nam trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)