Học sinh nghỉ học phòng virus corona: Cơ hội để chấp thuận hình thức học tại nhà

10/02/2020 07:07 GMT+7

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng việc học sinh nghỉ học do lo ngại lây nhiễm virus corona chủng mới (nCoV) là cơ hội để xem xét công nhận hình thức học tại nhà (homeschooling).

Xu hướng giáo dục thế giới đang thực hiện

Thạc sĩ Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng tình thế “chẳng đặng đừng” này chính là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại xu hướng giáo dụcthế giới đang thực hiện, đó là học tại nhà.
Trong thời đại thế giới công nghệ phát triển, thay đổi từng giờ thì giáo dục cũng phải thay đổi từ hình thức tổ chức lớp học, phương pháp giảng dạy của giáo viên, cách tiếp cận kiến thức đối với học sinh (HS).
Thạc sĩ Lê Ngọc Điệp nói thêm, chúng ta thử hình dung từ ứng dụng công nghệ thông tin, giáo viên (GV) dễ dàng kết nối với HS, đưa ra các gợi ý, hướng dẫn học tập và HS có thể trả lời ngay, thể hiện năng lực ngay tức thì và có điều kiện mở rộng tư duy hơn việc tham gia một lớp học tập trung.
Thạc sĩ Điệp lấy dẫn chứng: Chẳng hạn, cũng là một chủ đề kiến thức về từ đồng nghĩa, trái nghĩa, sau khi GV đưa ra yêu cầu trong những lớp học kết nối tại nhà, tất cả HS cùng nhanh chóng đưa ra các từ vựng mà mình tìm được. Như vậy các em vẫn đảm bảo kiến thức kỹ năng mà còn có điều kiện mở rộng kiến thức, khám phá những vấn đề liên quan. Vậy cớ sao chúng ta không áp dụng xu hướng của giáo dục hiện đại ngay từ lúc này.

Chuyển đổi từ học thụ động sang học chủ động

Phụ huynh HS P.T.T.G, Trường THPT Tạ Quang Bửu (Q.8, TP.HCM), cho rằng giá như việc học tại nhà đã được thực hiện thì trong thời gian nghỉ không đến trường để phòng chống lây nhiễm nCoV, nhà trường, GV, HS không phải lo sợ không kịp chương trình. Cả ngành giáo dục không phải “bấn loạn” để tính toán có kéo dài thời điểm kết thúc năm học hay không, nên lùi thời gian thi cử, tuyển sinh thế nào... Trong trường hợp này, chỉ cần thông báo cho HS thực hiện những lớp học trực tuyến ra sao, ứng dụng phần mềm nào, nội dung bài giảng nào để đáp ứng đúng chuẩn kiến thức kỹ năng cho từng thời điểm cụ thể.
Vị phụ huynh này còn nói thêm, nếu đã có chủ trương đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức giảng dạy theo hướng hiện đại thì nên thẳng thắn nhìn nhận đây là dịp để thực hiện.
Bà Hoàng Thục Nhi, nghiên cứu sinh giáo dục tại Phần Lan, cho biết hiện nay công nghệ phát triển rất cao, có nhiều ứng dụng cho việc học tại nhà nên đây cũng là điều kiện tốt để chuyển đổi từ học thụ động sang học chủ động. Đây cũng là cơ hội để thay đổi phương pháp giảng dạy truyền thống, học trò là trung tâm thay cho thầy cô là trung tâm như trước đây. Chẳng hạn ở Phần Lan, GV đang thực hiện phương pháp có tên gọi “flipped classroom” (lớp học đảo ngược). Ở đó, GV cung cấp tài liệu học trực tuyến bằng cách quay một số video về chủ đề bài học. HS sẽ xem video bài giảng, đọc thêm các tài liệu GV đưa cho, sau đó cùng trực tuyến với GV. GV sẽ giải đáp thắc mắc và giúp HS tìm ra đáp án cho các bài toán khó mà HS chưa tìm ra phương pháp.
Theo bà Nhi, nếu áp dụng đúng, tài liệu học tập thú vị, phương pháp này sẽ giúp HS chủ động hơn trong học tập, làm chủ việc học, GV chỉ đóng vai trò hướng dẫn hỗ trợ. Ngoài ra, HS có cơ hội phát triển tư duy, chẳng hạn tư duy phản biện (critical thinking), tư duy phản chiếu (reflective thinking), và kỹ năng giải quyết vấn đề (problem solving)...; vì HS sau khi đọc tài liệu và xem bài giảng sẽ phải tư duy, tìm tòi phương pháp giải quyết vấn đề trước, sau đó mới gặp và thảo luận phương pháp giải quyết vấn đề đó với GV.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Liễu, Trưởng chương trình giáo dục phổ thông cơ sở Ba Tháng Hai và Hoàng Văn Thụ của hệ thống Trường quốc tế Việt Úc (VAS), cũng nói rằng đây là cơ hội để thay đổi hình thức tổ chức lớp học. “Chúng ta có thể tận dụng những thành quả từ các cuộc thi GV sáng tạo, thiết kế bài giảng trực tuyến đa dạng, phong phú để đưa vào ngân hàng bài giảng. Đặc biệt vào thời gian tới, khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới thì đây là thời điểm vàng để chúng ta thực hiện việc làm này”, bà Liễu nhận định.
Đến trường khi có nhu cầu sinh hoạt tập thể, còn học tập ngay tại nhà
Trước đây, khi thảo luận luật Giáo dục sửa đổi đã có những đề nghị đưa vào luật việc tự học ở nhà nhưng không thành. Nay mùa dịch nCoV đã cho chúng ta thấy một tình huống khác trong giáo dục.
Hiện nay, nhiều trường phổ thông đã cho học sinh học online. Một số trang web khác thì cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 11 học online miễn phí.
Học online đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Hình thức này giúp việc dạy và học được thực hiện mọi lúc mọi nơi, giảm mọi chi phí về thời gian, tiền bạc và nguồn lực con người. Rõ ràng, ở Việt Nam hình thức này càng cần phải sớm triển khai.
Chả lẽ dịch bệnh do nCoV lại mở ra một cơ hội mới cho ngành giáo dục? Thúc đẩy sử dụng thông tin truyền thông, trí tuệ nhân tạo trong giáo dục phải là một công cụ hữu ích trong tương lai gần. Điều này chỉ có được không chỉ dựa trên những thành tựu khoa học công nghệ mà còn là sự tham gia tích cực của thầy cô giáo.
Từ việc nghỉ học vì dịch bệnh do nCoV, có thể thấy giáo dục trong nhà trường cũng sẽ thay đổi. Trẻ em, sinh viên và người học sau này chỉ đến trường khi có nhu cầu sinh hoạt tập thể, vui chơi chung, còn có thể sẽ học tập ngay tại nhà. 
Nguyễn Kim Hồng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.