Học sinh nghiên cứu khoa học về hội chứng 'con vịt nổi' ở thanh thiếu niên

07/12/2024 18:03 GMT+7

Ngày 7.12, tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5, TP.HCM), Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức vòng chung kết cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố dành cho học sinh trung học năm học 2024-2025.


Theo đó, với 71 đề tài của học sinh THCS, THPT nghiên cứu ở 21 lĩnh vực, đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM nhận định, năm học 2024-2025, chất lượng và số lượng các đề tài dự thi khoa học kỹ thuật được nâng lên đáng kể, quy trình nghiên cứu ngày càng được chuẩn hóa hơn so với năm học trước.

Bên cạnh các đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm tham gia dự thi, cuộc thi năm nay đã xuất hiện nhiều đơn vị mới, khẳng định hoạt động nghiên cứu khoa học dành cho học sinh trung học ngày càng phát triển sâu rộng trên địa bàn thành phố.

Học sinh nghiên cứu khoa học về hội chứng 'con vịt nổi' ở thanh thiếu niên- Ảnh 1.

Mai Trà Ngọc Anh, học sinh Trường THPT Phú Nhuận, nghiên cứu về tâm lý lứa tuổi học sinh

ẢNH: BÍCH THANH

Hội chứng "con vịt nổi" với học sinh

Tham gia dự thi với đề tài "Tác động của hội chứng con vịt nổi đối với học sinh THPT tại TP.HCM và đề xuất một số giải pháp", Mai Trà Ngọc Anh, học sinh Trường THPT Phú Nhuận, đã đề cập đến hội chứng con vịt nổi là một vấn đề tâm lý ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và học tập của học sinh THPT, cần được nghiên cứu và tìm giải pháp.

Theo Ngọc Anh, thực tế từ các nghiên cứu cho thấy, thanh thiếu niên hiện nay đang có xu hướng hay so sánh bản thân trên mạng xã hội lẫn đời sống thực tại, nhất là thanh thiếu niên đang trong độ tuổi từ 15-18. Vì đây chính là giai đoạn chịu nhiều biến đổi tâm lý do sự phát triển của não bộ và thay đổi nội tiết tố. Ở lứa tuổi này sẽ có những sự thay đổi trong tâm lý như mong muốn được thừa nhận, được khẳng định trong xã hội. Ngoài ra, các bạn trẻ còn gặp phải những áp lực từ học tập, từ mối quan hệ bạn bè, gia đình... dẫn đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn có thể sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến độ tuổi đang trưởng thành này. Ví dụ, một học sinh có thể đạt điểm số cao và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không gặp phải áp lực. Bên trong, họ có thể phải đối mặt với sự kiệt sức và lo âu khi cố gắng duy trì hình ảnh xuất sắc.

Vì vậy Ngọc Anh mong muốn, dự án chỉ ra được thực trạng về mối quan hệ giữa học sinh THPT và hội chứng con vịt nổi, đề xuất một số giải pháp có tính thực tiễn cao, góp phần hỗ trợ giải quyết những trường hợp bị coi là mắc hội chứng. Đồng thời, đưa ra những phương án giúp xây dựng và truyền đạt thông tin lành mạnh liên quan đến hội chứng con vịt nổi đến với học sinh. Từ đó, góp phần xây dựng và nâng cao nhận thức của học sinh, giúp quá trình phát triển toàn diện của học sinh được trọn vẹn hơn.

Học sinh nghiên cứu khoa học về hội chứng 'con vịt nổi' ở thanh thiếu niên- Ảnh 2.

Nguyễn Song Ngọc Châu, học sinh lớp 9 Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TP.HCM) chia sẻ về đề tài nghiên cứu

ẢNH: BÍCH THANH

Học lịch sử thông qua trò chơi

Còn Nguyễn Song Ngọc Châu, học sinh lớp 9 Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1), nghiên cứu để đưa ra giải pháp sáng tạo gây hứng thú học về chuyên đề Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trong quá trình học tập cũng như tìm hiểu các vấn đề xã hội hiện tại, Nguyễn Song Ngọc Châu chia sẻ, một thực tế phải quan tâm sâu sắc hiện nay đó là môn lịch sử đang mất đi vị trí quan trọng, trong đó có những học sinh, thậm chí người lớn hơn chúng em, khi được hỏi về các kiến thức sơ đẳng của lịch sử Việt Nam thì gần như không thể trả lời, họ cho rằng học lịch sử cũng nhạt, khó tiếp thu... Bên cạnh đó, với kiến thức môn học, khi tìm hiểu chuyên đề Chiến dịch Hồ Chí Minh, em nhận thấy rằng dù thực tế lịch sử rất hay nhưng kiến thức trong sách khá khó nhớ, chưa thật đầy đủ và rập khuôn.

Chính vì vậy, từ niềm yêu thích bộ môn lịch sử, từ nghiên cứu của bản thân, Ngọc Châu đã nghiên cứu đề tài tìm ra giải pháp giúp các bạn đồng trang lứa tìm thấy sự đam mê hứng thú trong bộ môn lịch sử.

Cụ thể ở đề tài này, thông qua các kiến thức lịch sử Việt Nam trong giai đoạn 1954 đến 1975, Ngọc Châu đã thiết kế xây dựng phương pháp dùng trò chơi lịch sử có tên gọi: "Chiến dịch Hồ Chí Minh". Thông qua trò chơi này, em mong muốn giúp các bạn tiếp cận môn lịch sử theo một cách nhìn mới, tìm thấy hứng thú trong học tập".

Học sinh nghiên cứu khoa học về hội chứng 'con vịt nổi' ở thanh thiếu niên- Ảnh 3.

71 đề tài nghiên cứu dự thi cấp TP.HCM của học sinh trung học

ẢNH: BÍCH THANH

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết, từ 2.109 đề tài tham gia dự thi cấp cơ sở, có 946 đề tài được chọn dự thi cấp thành phố. Trải qua các vòng chấm thi trực tuyến và phỏng vấn trực tiếp thí sinh, ban tổ chức đã chọn ra 71 đề tài tham dự vòng chung kết cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố. Từ vòng thi này, ban giám khảo sẽ chọn ra 12 đề tài xuất sắc nhất tham dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức dự kiến diễn ra vào tháng 3.2025.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Bảo Quốc chia sẻ: "Trên tổng số 22 lĩnh vực nghiên cứu trong khuôn khổ cuộc thi cấp quốc gia, học sinh TP.HCM đã thực hiện các đề tài nghiên cứu ở 21 lĩnh vực. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các trường học nói chung, học sinh và giáo viên nói riêng. Mong các em tiếp tục phát huy sự tự tin, khả năng tư duy và sáng tạo của mình tại cuộc thi".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.