Học sinh nhập viện vì loét dạ dày, thiếu máu: Áp lực thi cử

06/04/2023 16:39 GMT+7

Học sinh nhập viện vì đau bụng kéo dài, được chẩn đoán loét dạ dày, thiếu máu. Bác sĩ hỏi thêm thì cháu tâm sự mỗi ngày chỉ được ngủ khoảng 5 giờ, còn lại phải học bài, ôn bài vì sắp thi. Áp lực mùa thi cử đang ám ảnh học trò, đặc biệt các em cuối cấp.

Học sinh nhập viện vì loét dạ dày, thiếu máu: Áp lực mùa thi cử - Ảnh 1.

Học sinh cuối cấp luôn căng thẳng với áp lực mùa thi (ảnh minh họa)

NHẬT THỊNH

Áp lực đồng trang lứa, áp lực từ gia đình

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên sáng 6.4, bác sĩ chuyên khoa I Phan Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Nhi nhiễm, Bệnh viện Quận 8, TP.HCM, tiếp tục cảnh báo về tình trạng học sinh gặp áp lực lớn trong học tập, thi cử, gặp tình trạng căng thẳng kéo dài, mắc các bệnh lo âu, đau đầu kéo dài, rối loạn giấc ngủ, viêm loét dạ dày tá tràng.

"Mới đây có một học sinh lớp 9 được chẩn đoán sốt xuất huyết và được yêu cầu nhập viện, dù bố khẩn khoản cho con được nhập viện điều trị nhưng bản thân cháu nhất định nói 'con phải đi học, ngày mai con có bài kiểm tra, nếu phải kiểm tra lại do nghỉ học con sẽ bị làm bài khó hơn nhiều'. Hay nhiều học sinh vào đây bị loét dạ dày. Các cháu kể lượng bài tập, kiến thức phải học quá nhiều nên không có đủ thời gian để ngủ. Nhiều học sinh lớp 9, đặc biệt lớp chọn, tâm sự rằng chưa bao giờ được ngủ đủ 1 đêm 7-8 giờ, 5-6 giờ đã là quá xa xỉ, nghe rất thương", bác sĩ Thanh Hà kể.

Theo bác sĩ Thanh Hà, hiện nay học trò, đặc biệt học sinh cuối cấp đối mặt nhiều áp lực từ việc học hành, thi cử, áp lực từ chính bản thân, áp lực đồng trang lứa và áp lực từ chính phụ huynh.

Học sinh nhập viện vì loét dạ dày, thiếu máu: Áp lực mùa thi cử - Ảnh 2.

Bác sĩ chuyên khoa I Phan Thị Thanh Hà

NHẬT THỊNH

Cha mẹ nào cũng mong những điều tốt đẹp cho con em của mình, nhưng cũng có phụ huynh sốt ruột khi điểm số của con chưa cao, lo lắng khi con rớt khỏi tốp 5, tốp 10 học sinh giỏi trong lớp.

"Học sinh khối 9 hiện nay phải đối diện với việc ôn tập căng thẳng, để làm sao đậu vào lớp 10 công lập. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM hàng năm rất khốc liệt để tìm suất vào trường THPT công lập. Có cháu nhập viện kể với tôi rằng, ba mẹ nói nếu không trúng tuyển vào trường công thì chỉ có đi bán vé số, chứ ba mẹ nghèo lấy đâu ra tiền cho đi học trường tư nên cháu thường xuyên lo âu, học hành ngày đêm", bác sĩ Thanh Hà kể.

Con cái "gánh" kỳ vọng của cha mẹ

Theo thạc sĩ khoa học giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Học viện Minh Trí Thành, vẫn còn rất nhiều gia đình mà cha mẹ đặt nặng thành tích học tập của con. Họ thấy rằng con học giỏi, đậu trường xịn là niềm tự hào, khiến cha mẹ "mát mặt", còn con học kém thì trở thành nỗi thất vọng, xấu hổ, làm "mất mặt" cả gia đình.

Chính vì thế, mỗi mùa ôn thi, nhiều cha mẹ dốc bao công sức thúc con học, đi học thêm ngày đêm, khiến đứa trẻ quay cuồng trong lịch học kín mít. Nhiều học sinh có tâm lý phải đi học các môn vì cha mẹ muốn, chứ không phải vì nhu cầu của bản thân nên bị căng thẳng, mệt mỏi, thậm chí trầm cảm.

Học sinh nhập viện vì loét dạ dày, thiếu máu: Áp lực mùa thi cử - Ảnh 3.

Học sinh cuối cấp đối diện nhiều nỗi lo

NHẬT THỊNH

Cô Lanh cho biết từng tham vấn tâm lý cho một học sinh lớp 12 có phụ huynh đã ly hôn. Người mẹ đặt rất nhiều kỳ vọng vào con trai. Trong mùa ôn thi, người mẹ không cho con làm bất cứ việc gì, chỉ cần học. Học sinh đó suốt thời gian dài lầm lì, ít nói, chỉ ăn và học. Năm đó, học sinh này đậu ĐH, điểm số cao, nhưng có dấu hiệu trầm cảm và phải đi tham vấn tâm lý.

Theo cô Lanh, cha mẹ nên là người đồng hành cùng con vượt qua áp lực học tập, nhất là những năm cuối cấp, giúp con có được động lực học tập, lý do mình cần học chứ không phải là người chỉ thúc ép, đặt ra kỳ vọng. "Nếu học sinh đi học, đi ôn thi chỉ vì áp lực và kỳ vọng từ cha mẹ mà không hiểu tại sao mình cần phải học thì sẽ không có đủ năng lượng, động lực để học tập. Các em càng dễ mệt mỏi, chán nản, lo âu, căng thẳng kéo dài, dễ sinh ra trầm cảm", cô Lanh nói.

Học sinh nhập viện vì loét dạ dày, thiếu máu: Áp lực mùa thi cử - Ảnh 4.

Thạc sĩ khoa học giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh

NVCC

Đáng lưu ý, cha mẹ cần cho con thấy rằng các kỳ thi chỉ là một trong những khó khăn mà con phải đối diện trong quá trình trưởng thành. Chưa thi đậu vào lớp 10 công lập hay chưa thi đậu vào trường ĐH như mong muốn không phải là dấu chấm hết, bởi cuộc đời luôn có nhiều lựa chọn khác để dẫn tới thành công.

"Thay vì nói 'con phải đậu trường này', 'con mà không thi đậu trường này, thì đi làm công nhân, đi bán vé số đi', cha mẹ cùng ngồi xuống, phân tích cho con hiểu rằng học tập là vì chính con chứ không phải vì cha mẹ. Dần dần, cách thủ thỉ, trò chuyện của cha mẹ cho con sẽ giúp con nhận ra tầm quan trọng của việc học, để con trở thành người có giá trị", cô Lanh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.