Từ đâu tình trạng học sinh (HS) nói tục, chửi thề ngày càng lan rộng? Hệ quả của việc này ra sao?
Chửi bậy như hát hay (!?)
Có mặt trong một tiệm trà sữa trong khu dân cư lô K, đường Hưng Phú, P.9, Q.8, TP.HCM, chúng tôi nghe được đoạn nói chuyện của hai cô bé học lớp 6, khuôn mặt rất dễ thương, còn mặc nguyên đồng phục của một trường THCS gần đó. Bạn A cập nhật cho B về một vụ đánh nhau ở ngoài trường học mới diễn ra, B liên tục “tán thưởng” bằng những từ ngữ tục tĩu.
Giờ tan trường ngày 14.9, bên những xe nem rán, nước ngọt trên đường Ba Đình, P.8, Q.8, chúng tôi gặp từng tốp HS vào mua đồ ăn, trêu chọc nhau trước cổng trường. Tức thì một nữ sinh chạy theo một bạn nam, vừa nói: “Má mày”, “Mày đừng động vào tao nghe chưa, tao đập chết má mày bây giờ”…
Tan học, trong một tiệm trà sữa, đồ ăn nhanh trước cổng ngôi trường THCS trên đường Phan Văn Trị, P.2, Q.5 vào mỗi buổi trưa, chúng tôi cũng gặp từng tốp HS (đa phần là các nữ sinh) THCS và THPT ngồi ăn uống rồi tám chuyện. Câu cửa miệng của học trò toàn là thô tục.
Anh Tr.A.T, làm việc trong một cơ quan nhà nước ở P.16, Q.11, TP.HCM, kể có đi tới nhiều con hẻm, các khu dân cư ở các quận, huyện, anh không xa lạ với những màn chửi nhau như hát hay với những từ ngữ không gì có thể kinh khủng hơn của nhiều người lớn, còn trẻ con đứng xúm xít xem, chỉ trỏ, bình luận.
“Ở nhà là ngoan lắm”
Vì sao HS nói tục chửi thề nhiều như vậy? Chúng tôi trò chuyện với một nhóm nữ sinh trong quán trà sữa trên đường Phan Văn Trị, P.2, Q.5 và được nghe những câu trả lời từ các em. Một HS lớp 10, mang đồng phục của một trường THCS-THPT trên địa bàn Q.5, nói: “Chơi với bạn thì đầu tiên một bạn nói, sau đó tụi con cũng bắt chước rồi cứ lan truyền cho nhau. Kiểu như lây nhau vậy. Nhưng mà nói xong mọi người đều thấy vui vẻ, thoải mái”. Một HS học THCS cho hay: “Ở nhà tụi con không bao giờ nói trước mặt ba mẹ, người lớn hay để cho thầy cô giáo nghe thấy. Nhưng cũng có lần tụi con lỡ nói từ bậy trong quán trà sữa, một người lớn khác nghe thấy và nhìn cả đám rất khó chịu”.
Còn một HS tên T., học lớp 10, chia sẻ thành thật: “Cứ nói bậy nhiều thành quen, kể cả khi “chat” với bạn bè trên Facebook, Zalo. Nhiều khi thấy bạn bè ai cũng nói vậy, mình không nói giống các bạn thì sợ “lạc quẻ”, sợ bạn bè không cho chơi chung, bị cô lập. Nhưng trước mặt người lớn, về nhà hay vào lớp là con “bật công tắc” chế độ ngoan luôn. Nhưng cũng có lần “quen miệng”, con lỡ nói một từ chửi thề ở nhà, mẹ nghe thấy và la cho một trận”.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.HCM thở dài kể với chúng tôi: “Phụ huynh còn cãi lộn nhau, nói bậy tùm lum ngoài cổng trường, trước mặt con cái thì bảo sao tụi trẻ bây giờ không bắt chước. Có phụ huynh còn la lối cả thầy cô”.
Tại tiệm trà sữa trong khu dân cư lô K, đường Hưng Phú, P.9, Q.8, khi HS đã về hết, phóng viên bắt chuyện với ông chủ quán: “Sao HS bây giờ nói bậy ghê quá”, điều ngạc nhiên là chủ quán không bất ngờ. Ông đáp: “Tụi nó nói bậy thế thôi nhưng cũng ngoan, cũng dễ thương lắm. Đến đây uống nước, gặp người lớn là chào, về cũng thưa” (!?).
Con ngoan, trò giỏi cũng văng tục
Chị Trần Thị Thanh Thủy kể năm con trai chị học lớp 6, trong suốt năm con học trực tuyến vì Covid-19, chị có tìm hiểu và biết con trai được thêm vào một nhóm chat trên mạng chuyên để “kể xấu” một bạn lớp trưởng.
HS nói tục chửi thề lâu ngày thành thói quen, làm cho tiếng Việt ngày càng méo mó, cách giao tiếp ngày càng bị thụt lùi, đồng thời tư duy, nhân cách sống ngày càng lệch lạc, khó có thể phát triển bản thân theo cách đúng đắn nhất.
“Không có gì đáng nói khi cả 5 thành viên trong nhóm đều văng tục, chửi thề bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Vợ chồng tôi hơi sốc và quyết định nói chuyện với con vấn đề này thì mới biết con không hiểu được ý của câu nói đó mà chỉ thấy đa số các bạn dùng, mình cũng dùng thôi. Con nói như vậy mới hòa nhập với bạn. Vợ chồng tôi phân tích để con hiểu. Sau đó con đã tự thoát khỏi nhóm chat kia. Bé thứ 2 nhà tôi đang học lớp 5. Suốt 4 năm liên tiếp con đều nằm trong top học giỏi của lớp, nhưng thỉnh thoảng con cũng “văng tục” bằng tiếng Anh, vợ chồng tôi nhắc nhở con ngay. Rõ ràng có những thói quen được bọn trẻ bắt chước bạn bè, gia đình cần nghiêm khắc chấn chỉnh ngay từ đầu”, chị Thủy kể.
Ngày trước, HS chửi thề là lỗi bị phạt rất nặng, bởi đó là minh chứng cho thấy con người không lịch sự, không biết tôn trọng người khác. Còn bây giờ mạng xã hội tràn lan với đủ kiểu người, trong đó nhiều người chửi thề, ăn nói kiểu chợ búa khiến người trẻ học theo và tưởng đó là “bắt trend” thời thượng.
“Môi trường sống từ gia đình, khu phố cũng ảnh hưởng không nhỏ tới HS. Các bạn thấy ông bà, cô dì, chú bác ở khu phố dùng ngôn ngữ như vậy và học theo trong vô thức. HS nói tục chửi thề lâu ngày thành thói quen, làm cho tiếng Việt ngày càng méo mó, cách giao tiếp ngày càng bị thụt lùi, đồng thời tư duy, nhân cách sống ngày càng lệch lạc, khó có thể phát triển bản thân theo cách đúng đắn nhất”, nữ nhà văn Gari Nguyễn, tác giả 11 cuốn sách, trao đổi.
Bình luận (0)