Học sinh phải được... 'vui như tết'

23/01/2019 08:21 GMT+7

Trong chuyên đề 'Thanh niên với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc', chúng tôi đã có một khảo sát nho nhỏ với học sinh (HS) THPT về tết cổ truyền dân tộc.

Nội dung đưa ra khá phong phú, trong đó có câu hỏi: “Cảm xúc của em như thế nào về tết? Giải thích tại sao?”. Chúng tôi nhận được rất nhiều suy nghĩ khác nhau từ các HS. Có nhiều cảm xúc tích cực, lạc quan nhưng có nhiều suy nghĩ khá tiêu cực, cho thấy các HS chưa thật sự có niềm vui với tết.

Các suy nghĩ có thể chia làm 3 nhóm: Thích và vui khi tết đến (chiếm khoảng 35 - 40% số HS khảo sát) ; cảm thấy bình thường (chiếm khoảng 50%); và chẳng thấy vui gì (chiếm 15 - 20%). HS vui khi tết đến vì thấy tết có ý nghĩa, được nghỉ ngơi, xum vầy với gia đình, được về quê, đi đây đi đó… Nhóm HS cảm thấy tết bình thường và không vui vì đa số các em cho rằng năm nào cũng như năm nào, đơn điệu, không có gì mới, cảm thấy buồn vì hoàn cảnh gia đình, tủi thân khi so sánh với bạn bè khác…
Một HS ngậm ngùi nói với chúng tôi: “Chẳng có tết nào em vui. Cha mẹ em ly dị. Em không hề biết nội ngoại là gì cả”. Có em cho biết: “Mẹ em bán dưa hấu từ Long An đưa lên, nên tết nào em cũng phụ giúp mẹ đứng bán. Tranh thủ tết em kiếm tiền trang trải việc học”. Nhiều em lớp 12 thẳng thắn thổ lộ: Tết chỉ là “kỳ nghỉ hè thứ hai” vì nghỉ hơi dài ngày một chút. Mà cũng không thật sự được nghỉ trọn vẹn, vì thầy cô “sợ” các em nghỉ dài ngày sẽ xao nhãng việc học, nên thế nào cũng “giao việc” cho các em về nhà học…
Khảo sát trên cho chúng ta nhiều suy nghĩ và những việc cần phải làm để giúp các em có niềm vui và ý nghĩa hơn với tết.
Trước hết, về phía gia đình, cha mẹ cần hạn chế bớt công việc để quan tâm nhiều hơn đến các em. Tập cho các em có ý thức và các thói quen tốt lâu dài về sau, như đi thăm nội ngoại, họ hàng; lau chùi nhà cửa; chế biến món ăn tết; chưng bày hoa, bánh… Đưa các em đến khu vui chơi, lễ hội, chợ hoa. Nếu có điều kiện hơn thì đi du lịch xa một chút.
Nhà trường hiện cũng có nhiều hoạt động nhằm giáo dục các em về ý thức tết cổ truyền nhưng kết quả chưa cao, còn nặng về hình thức, phong trào. Cần tăng cường các hoạt động có chiều sâu như: tổ chức hội trại xuân, trang trí hoạt cảnh tết, tổ chức chuyên đề ngoại khóa về tết. Thiết thực nhất là cho các em trải nghiệm bằng các trò chơi, các cuộc thi tìm hiểu về phong tục, văn hóa, lễ hội và chế biến các món ăn ý nghĩa ngày tết. Chính chúng tôi áp dụng và thấy hiệu quả. Đó là trong chương trình ngữ văn lớp 10 có phần văn thuyết minh, chúng tôi đã cho HS xem các bài thuyết minh về ý nghĩa cách gói bánh chưng, cách làm dưa món… Sau đó yêu cầu các em thực hiện. Sản phẩm đó các em tặng cha mẹ mình, hoặc thầy cô đang dạy.
Ngoài ra, nhà trường cũng cần quan tâm hơn đến HS diện khó khăn, có hoàn cảnh đặc biệt, bằng cách kêu gọi hội phụ huynh, các nhà hảo tâm trao quà xuân cho các em diện này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.