Học sinh quan tâm nghiên cứu về lĩnh vực xã hội

01/03/2019 08:48 GMT+7

Các đề tài thuộc lĩnh vực xã hội và hành vi đang trở thành xu hướng, được học sinh lựa chọn nhiều nhất khi thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học.

Chiếm số lượng vượt trội

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, trong 2 năm học gần đây, số lượng đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi có sự vượt trội so với các lĩnh vực nghiên cứu khác trong cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Chẳng hạn, năm học 2017 - 2018, Sở GD-ĐT nhận được khoảng 680 đề tài nghiên cứu của học sinh (HS) THCS và THPT ở 21 lĩnh vực thì có gần 200 đề tài nghiên cứu các nội dung thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi.
Đến năm học 2018 - 2019, trong tổng số 597 đề tài nghiên cứu thì lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi lại tiếp tục dẫn đầu với 217 đề tài, cách xa lĩnh vực có số lượng đề tài đứng thứ 2 là khoa học kỹ thuật với 51 lựa chọn. Có những trường, tỷ lệ đề tài về lĩnh vực xã hội chiếm hơn 50% tổng số đề tài thực hiện. Chẳng hạn, Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5) có tổng số 25 đề tài thì 22 thuộc lĩnh vực xã hội và hành vi. Trường THPT Trần Văn Giàu (Q.Bình Thạnh) và các trường THCS phần lớn đều chọn lĩnh vực xã hội để nghiên cứu.
Và tại vòng chung kết cuộc thi HS nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp TP, có 102 đề tài lọt vào vòng thi này thì khoa học xã hội và hành vi chiếm 1/5. Phát biểu tại cuộc thi, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, nhận xét cuộc thi đã kích thích sự sáng tạo trong HS, phát triển năng lực tự học, giúp HS bước đầu làm quen với nghiên cứu khoa học, rèn luyện năng lực vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống. Các đề tài không chỉ gắn với lĩnh vực khoa học tự nhiên, ứng dụng công nghệ mới mà còn thể hiện tính nhân văn cao khi hướng tới tìm hiểu và giải quyết các vấn đề xã hội gần gũi lứa tuổi, gắn với thực tế đời sống HS.

Gắn liền với cuộc sống, gần gũi với học sinh

Từ thực tế nói trên, ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), lý giải rằng nghiên cứu khoa học ở các lĩnh vực như hóa học, vật lý, y sinh học… đòi hỏi phải có tính mới. Để đạt được điều này, khi thực hiện HS cần có đủ điều kiện về phương tiện thực hành, thực nghiệm. Mà điều kiện này ở các trường phổ thông còn có hạn chế. Nhiều khi ban giám hiệu, giáo viên hướng dẫn phải tận dụng mối quan hệ với các trường ĐH để xin thực hành, thí nghiệm “nhờ”. Bên cạnh những hạn chế trong tìm tòi, nghiên cứu thì đối với lĩnh vực khoa học như hóa học, sinh học, y sinh học… khó có thể thực hiện theo kiểu “mày mò” và kết quả thành công ở lĩnh vực này không cao. Đồng thời, ở bậc phổ thông, kiến thức mới ở mức cơ bản chưa đi chuyên sâu nên cũng gặp hạn chế khi nghiên cứu.
Trong khi đó, nếu so sánh thì cho thấy quy trình thực hiện nghiên cứu đề tài khoa học xã hội và hành vi đơn giản hơn, không đòi hỏi điều kiện cơ sở vật chất có tính chuyên sâu. Hầu hết các đề tài đều sử dụng phương pháp khảo sát, điều tra câu hỏi, thống kê tỷ lệ, đánh giá và đưa ra giải pháp. Thêm vào đó, những đề tài ở lĩnh vực này thường gắn liền với đời sống xã hội, gần gũi với HS, dễ nhận được sự đồng cảm, nguồn tài liệu nhiều, dễ tạo hiệu ứng.
Thành viên của ban tổ chức cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật của Sở GD-ĐT cũng nhận định, quy trình thực hiện nghiên cứu đề tài khoa học xã hội và hành vi đơn giản, dễ thực hiện, HS nào cũng có thể tham gia. Nhưng đối với các lĩnh vực khác, chẳng hạn khi thực hiện đề tài về hệ thống phần mềm, robot và máy thông minh… thì cần có kiến thức chuyên sâu và sự đam mê nhất định để dành thời gian, tâm huyết theo đuổi.
Bà Hoàng Thị Diễm Trang, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý (Q.7), nói thêm so với lĩnh vực khác, lĩnh vực xã hội này không có yêu cầu nhiều về thiết bị, cơ sở vật chất, không cần quá nhiều sự hỗ trợ từ khoa học. Có những trường có thể có ý tưởng nhưng không có điều kiện về cơ sở vật chất, không có kinh phí nên sẽ có những rào cản khi muốn thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng, tự nhiên.

Khuynh hướng chọn nghề nghiệp

Trong khi đó, nhiều giáo viên cho biết những năm trước HS có thiên hướng chọn các ngành học có khối thi là các môn tự nhiên thì nay việc lựa chọn đã gần như có sự bão hòa. Hiện nay khá nhiều HS có định hướng nghề nghiệp về xã hội, tâm lý nên điều này cũng tác động đến việc lựa chọn đề tài nghiên cứu. Qua nhiều năm học, nhà trường theo dõi thì nhận thấy trải nghiệm này giúp học trò có định hướng nghề nghiệp cho bản thân trong tương lai.
Theo bà Diễm Trang, dù lựa chọn lĩnh vực tự nhiên, thực nghiệm hay xã hội thì việc nghiên cứu khoa học là cơ hội để HS tự trang bị và bổ sung cho mình những kỹ năng cần thiết. HS sẽ chủ động trong việc học tập và nghiên cứu thay vì chờ đợi giáo viên dạy. Còn về phía giáo viên, khi học trò nghiên cứu thì bản thân thầy cô cũng phải xem lại tài liệu, trau dồi phương pháp để hướng dẫn kịp thời khi HS gặp những vấn đề khúc mắc. Từ đó mỗi thầy cô cũng “trưởng thành” hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.