Học sinh sẽ tiếp tục học các 'mánh lới'

27/06/2018 08:28 GMT+7

Đồng tình với việc đề thi phải có tính phân loại để xét tuyển thí sinh (TS) vào ĐH nhưng nhiều giáo viên cho rằng cách ra đề quá khó như năm nay coi chừng có tác dụng ngược.

Thạc sĩ Ngô Thanh Sơn, giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho rằng nếu phổ điểm tập trung ở mức 6 - 7 điểm thì mục tiêu của đề thi là hoàn toàn thất bại. “Với đề thi tự luận những năm trước, đề chỉ có khoảng 3 câu khó, có tính phân loại và TS có đến gần 2 giờ để tìm ra đáp số thì đề năm nay chỉ trong vòng 60 phút còn lại, Bộ GD-ĐT đánh đố học trò phải giải gần 10 câu khó tương tự”, ông Sơn cho biết. Ông Sơn nói thêm: “Với đề thi toán năm nay, có khi TS đánh “lụi” những câu cuối cùng lại có điểm cao hơn HS giỏi”.

Đồng quan điểm này, ông Trần Văn Toàn, Tổ trưởng Tổ toán Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), phân tích: “Đề thi môn toán không đánh giá và phân loại được TS trung bình với TS giỏi vì từ câu hỏi thứ 35 trở đi, HS giỏi có thể không làm được hoặc không đủ thời gian để làm nên tất cả TS đều ngang nhau”.
Theo ông Toàn, đề thi không mang bản chất của toán học, thuần túy về tính toán, tự luận. Đặc biệt việc có bài tự luận từ câu 35 trở đi là hơi “kỳ”. “Qua đề thi này, Bộ đánh giá được năng lực gì của HS, định hướng dạy và học sắp tới thế nào? Hay lại đi vào lối mòn học vẹt, học tủ các dạng toán chứ không phải là phát huy năng lực của người học. Nếu cứ tiếp tục ra đề theo kiểu này thì HS sẽ tiếp tục đi học thêm, học các “mánh lới” giải các dạng toán”, ông Toàn đặt vấn đề.
Thạc sĩ Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (Q.Tân Phú, TP.HCM), cũng cho rằng đề thi phải thể hiện yêu cầu ở các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao chứ không nên quá khó khiến không còn phân hóa TS.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.