Học sinh ta thán bị bố mẹ... bỏ bê

10/11/2020 15:39 GMT+7

Nhiều học sinh than thở chuyện bị bố mẹ ngó lơ, không quan tâm, chỉ dành phần lớn thời gian cho công việc. Những bữa ăn, những cuộc trò chuyện cùng bố mẹ… đã trở nên xa xỉ.

“Bố lúc nào cũng tập trung cho công việc”

T.T.An, học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), tâm sự: “Mỗi ngày em chỉ được gặp bố mẹ khoảng… 30 phút. Đó là lúc gần đi ngủ. Vì khi đó bố mẹ mới xong công việc trở về nhà. Ngày nào cũng vậy, tháng nào cũng thế”.
Câu chuyện của An không là cá biệt. Khi hiện nay, nhiều học sinh cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Lý do là phụ huynh quá bận bịu vào công việc, để rồi lơ là việc quan tâm con cái.
“Bố em ngày nào cũng tập trung cho công việc cả. Có khi sáng dậy đi học thì bố đã rời nhà để đi làm. Mẹ cũng vậy. Ban ngày thì em ăn ở trường, tối về thì em ăn một mình. Một tháng, hiếm lắm mới được ăn cơm cùng bố mẹ một, hai ngày”, N.T.A.Tuyết, học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q.Tân Bình, TP.HCM), kể.
Vì bố mẹ dành thời gian nhiều cho những chuyến công tác, xử lý công việc… thế nên nhiều trẻ chỉ biết gặm nhấm nỗi buồn. “Hình như rất lâu rồi em không được nói chuyện trực tiếp với bố em. Phần lớn chỉ nói chuyện qua… chat trên Facebook hoặc Zalo. Mà lắm lúc, em nhắn tin, bố đọc mà không trả lời”, Lê Phương Anh, học sinh Trường THPT Nguyễn Du, huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), cho biết.
Cũng theo Phương, chính sự bận bịu của bố mẹ nên khi gặp những trắc trở, khúc mắc trong cuộc sống, nữ sinh này chẳng biết hỏi ai, tâm sự kể lể với ai. Hằng ngày, sau những giờ học trên trường, Phương chỉ biết làm bạn cùng… căn phòng.
Có những phụ huynh đã thú thật, vì những áp lực công việc, đã vô tình bỏ bê con cái, không quan tâm con. “Nhắc đến mới thấy, quả thật là bao lâu nay, mình chỉ tập trung cho công việc mà thôi. Nên ít nói chuyện với con”, anh Nguyễn Hồng Ân (44 tuổi, nhà ở đường Nguyễn Văn Lạc, P.19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nói.

Dù bận nhưng bố mẹ hãy dành chút thời gian quan tâm đến con cái của mình

Shutterstock

"Đừng để tài khoản thì đầy mà tim thì trống rỗng!"

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (TP.HCM), chia sẻ rằng một cái cây gieo hạt mà không chăm sóc, nó sẽ không thể trưởng thành, xung quanh mọc đầy cỏ dại.
“Tương tự như thế, nếu nuôi con nhưng không dành thời gian dạy dỗ, thay vì được học những điều hay lẽ phải từ cha mẹ, con cái sẽ nạp vào nhân cách những nội dung học từ bè bạn, phim ảnh, internet... mà những nguồn đó không có sự chọn lọc, tốt có, cặn bẩn cũng có. Do đó, nhân cách của con lệch lạc cha mẹ cũng không hay để mà uốn nắn kịp thời. Đôi khi chỉ cần một lần con sa vào cám dỗ đã có thể huỷ hoại cả một đời”, tiến sĩ Hiếu nói.
Cũng theo ông Hiếu, nếu con cái ngoan do ý thức bản thân và do nhà trường dạy dỗ tốt, điều đó không có nghĩa cha mẹ sẽ có thể bỏ mặc con "tự sinh tự diệt". Bữa cơm quây quần cùng nhau là những phút giây ấm áp nhất trong một gia đình. Khi đó, cha mẹ và con cái cùng trò chuyện với nhau, cha mẹ biết những chuyện xảy ra ở trường, những biến cố trong cuộc sống của con... để từ đó kịp thời tháo gỡ, là bờ vai nương tựa khi con thất bại nản lòng, là "gia sư" khi con khó khăn lạc hướng. Con cái cũng hiểu những khó khăn trong cuộc sống mẹ cha để từ đó hiếu thảo hơn, ý thức học hành hơn.
Từ những điều đó, ông Hiếu có lời nhắn nhủ với những người làm cha làm mẹ, rằng: “Tiền bạc là cần, nhưng phải cân bằng với thời gian dành cho con cái, gia đình. Tiền có thể ít lại một chút, quần áo có thể ít hơn một chút, nhưng con cái ngoan ngoãn và hiếu thảo, điều đó sẽ mang đến hạnh phúc hơn nhiều. Đừng để tài khoản thì đầy mà tim thì trống rỗng, xe đẹp nhà cao mà con cái hư hỏng hay bất hiếu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.