Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh vụng
về, đểnh đoảng, xuất phát từ quan điểm lệch lạc của cha mẹ. Trong khi
đó nhà trường còn quá coi trọng dạy kiến thức mà chưa đầu tư thích đáng
cho giáo dục kỹ năng sống.
Cho con tham gia các hoạt động từ thiện là cách giáo dục tốt đối với trẻ em - Ảnh: Bùi Hải |
Yêu thương con sai lầm
Khi đề cập vấn đề kỹ năng sống của thanh thiếu niên, nhiều chuyên gia bày tỏ mối lo ngại trước nguy cơ sẽ có những thế hệ công dân tương lai không những “chẳng biết gì” mà còn có lối sống ích kỷ, vô tâm, thiếu trách nhiệm với bản thân và gia đình, dù họ có học hành giỏi giang, thành đạt.
Theo bà Hoàng Tây Ninh, cán bộ Tổ chức Cứu trợ Trẻ em thì một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thực trạng này là do quan điểm lệch lạc về giáo dục con của nhiều bậc cha mẹ. Bà Ninh kể về một lần được chứng kiến cảnh một bé gái khoảng 12 – 13 tuổi “mắng” mẹ mình xơi xơi trước cổng Trường THCS Nguyễn Du. Theo em học sinh, mẹ mình có “lỗi” không mang khăn quàng đỏ, để em ấy bị ghi tên. Còn người mẹ thì rối rít xin lỗi. Bà Ninh nhận xét: “Rất nhiều bố mẹ đang “bóp nghẹt” các kỹ năng sống cơ bản của con bởi cách yêu thương sai lầm như làm hộ con, can thiệp vượt quá nhu cầu và mong muốn của con. Chúng ta đang tạo nên một lớp thế hệ trẻ không biết làm gì, được bố mẹ lẽo đẽo chạy theo phục vụ mọi lúc mọi nơi. Nhiều học trò sau khi rời trường học lại vùi đầu vào sách vở hoặc ôm lấy iPad, cơm bưng nước uống đến tận miệng, thậm chí bố mẹ vẫn giúp đi giày dép hộ...”.
Cô Mã Thị Tới, giáo viên Trường THPT Trương Định, Hà Nội cũng cho rằng, có nhiều bố, mẹ đã chiều con thái quá. Nhiều bố mẹ, sau khi con học hết lớp 12 đã “thú nhận” với giáo viên chủ nhiệm rằng chưa bao giờ họ để cho con giặt quần áo và con họ chưa hề biết nấu ăn. “Ngày nay nhà nào cũng ít con nên đều lo lắng thái quá cho con. Hơn nữa họ lại quá đề cao việc học của con. Những em học giỏi thì bố mẹ bắt đi học thêm liên miên nên không có thời gian tự phục vụ bản thân và làm việc nhà. Những em học kém thì bố mẹ lại nghĩ cần phải dành tối đa thời gian cho con học tốt hơn”, cô Tới chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Hằng Nga, Trường THPT Hoài Đức B, Hà Nội nhận xét: sự đểnh đoảng của học sinh nguy hiểm ở chỗ không chỉ khiến các em chật vật trong quá trình hòa nhập với cộng đồng sau này, mà còn biến các em thành những người vô tâm, ích kỷ, thờ ơ với cảm xúc của người khác. “Cái gì các em cũng được người lớn lo cho hết rồi nên các em mặc nhiên xem bố mẹ phải có nghĩa vụ phục vụ mình. Bố mẹ vì thương con nên xem thái độ đó là chuyện nhỏ, đến khi nhân cách các con được định hình rồi thì khó mà sửa sai”, cô Nga cảnh báo.
Đọc - Chép khi dạy kỹ năng sống
Cách đây nhiều năm Bộ GD-ĐT đã yêu cầu triển khai lồng ghép giáo dục kỹ năng sống vào các môn học, bắt đầu từ cấp tiểu học. Nhiều tổ chức quốc tế cũng đã hỗ trợ ngành GD-ĐT thực hiện hàng loạt chương trình thử nghiệm ở một số địa phương nhưng hiệu quả khá nhỏ giọt. TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý học Hà Nội nhận xét: “Dạy kỹ năng sống cho học sinh phổ thông hiện nay vẫn 3 không: không có cơ chế, không có biên chế giáo viên, không có cả thời gian để triển khai”.
Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, dạy kỹ năng sống cho học sinh phổ thông phải khác hoàn toàn với cách dạy các bộ môn văn hoá trong chương trình phổ thông hiện nay. Đây là công việc cần được giáo viên phổ thông uốn nắn, giúp đỡ, rèn giũa hàng ngày trong các giờ lên lớp, giờ sinh hoạt. Người có ảnh hưởng tới việc hình thành, rèn luyện các kỹ năng sống cho học sinh trong thời gian học ở trường là giáo viên chủ nhiệm, nhưng số thời gian các thầy cô chủ nhiệm được tiếp xúc với các em cũng ít ỏi. Cũng có những tiết học kỹ năng sống, nhưng ở nhiều trường lại thực hiện theo cách để cho giáo viên mở tài liệu rồi “đọc- chép” cho học sinh, hết giờ là giáo viên “xong bài” và ra khỏi lớp. “Giáo viên không được đào tạo để thay đổi nhận thức và quan trọng là không có được năng lực, kỹ năng truyền đạt đúng với đặc trưng của dạy kỹ năng sống”, TS Nguyễn Tùng Lâm giải thích.
Cô Phạm Hà Thanh, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn – Hà Đông, Hà Nội còn cho rằng, học sinh hiện nay quá… bận, thời gian ở nhà chỉ đủ để ăn – ngủ, ở trường thì các em phải dành quá nhiều thời gian cho việc học kiến thức nên không còn thời gian học cách tự phục vụ bản thân cũng như trau dồi các kỹ năng mềm. (Còn tiếp)
Bình luận (0)