Học sinh tiếp nhận bao nhiêu kiến thức khi học trực tuyến?

10/09/2021 06:45 GMT+7

Những tiết học trực tuyến bị gián đoạn, lo ngại không đảm bảo kiến thức... là lo lắng của học sinh, phụ huynh sau những ngày đầu tiên bước vào năm học mới.

Mạng chập chờn, trục trặc

Học sinh (HS) từ lớp 6 - 12 của TP.HCM bước vào chương trình học kỳ 1 từ ngày 6.9. Ngay trong những ngày đầu tiên này, khá nhiều phụ huynh HS phản ánh về sự trục trặc của hệ thống học trực tuyến K12Online, LMS...
Phụ huynh H.K.H, Trường THCS Lương Thế Vinh (Q.1), cho biết theo thời khóa biểu thì các bé vào học tiết đầu tiên lúc 7 giờ, nhưng gần hết thời gian của tiết 1, cả giáo viên (GV) và HS đều không thể vào được hệ thống K12Online. Sau đó, lớp học phải chuyển sang một ứng dụng khác.
Tương tự, tình trạng chập chờn cũng xảy ra khi HS các trường THPT tại Q.3 như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Diệu... thực hiện các tiết học trực tuyến. Theo ghi nhận của GV thì có lớp HS không truy cập được vào hệ thống, có lớp HS vào được 5 phút thì bị “văng” ra.

Nhiều học sinh học trực tuyến thông qua điện thoại di động của cha mẹ

ẢNH: GIANG PHƯƠNG

Tiếp nhận khoảng 60% kiến thức truyền đạt?

Không chỉ lo ngại từ hệ thống các phần mềm ứng dụng học và quản lý HS bị trục trặc, ảnh hưởng đến việc đánh giá quá trình học tập, mà phụ huynh còn lo lắng hiệu quả của việc học trực tuyến khiến việc tiếp thu bị hạn chế, kiến thức không đảm bảo.

Tập huấn GV dạy học trực tuyến theo hướng tinh gọn

Bộ GD-ĐT cho biết đang xây dựng cẩm nang và tổ chức tập huấn dạy học trực tuyến cho GV; chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn về chuẩn tối thiểu (khung, mẫu) cho một bài giảng trên truyền hình và hướng dẫn chuẩn (yêu cầu) tối thiểu về kỹ năng, phương pháp để dạy trên truyền hình; tổ chức xây dựng video bài giảng (dạy trên truyền hình) của môn học các lớp 1, 2 và 6.
Đối với các lớp còn lại, Bộ lên phương án tổng hợp các nguồn bài giảng hiện có ở địa phương, kết hợp điều phối, phân công địa phương và xã hội hóa việc sản xuất bài giảng, Bộ hỗ trợ thẩm định bài giảng. Ngoài ra, ở những nơi khó khăn về dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, các nhà trường sẽ thực hiện phát phiếu học tập đến HS để đảm bảo việc học không bị gián đoạn.
Đối với bậc học mầm non, Bộ GD-ĐT tổ chức xây dựng ngân hàng video clip để phụ huynh hướng dẫn, giáo dục trẻ ở nhà.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành chia sẻ: Tinh thần là các nhà trường tổ chức dạy trực tuyến theo cách tăng cường, giao nhiệm vụ học tập cho HS nhiều hơn. Thầy cô chuẩn bị bài, giao bài qua Zalo, thư điện tử, nhắn tin... Khi HS vào học đã phải có sự chuẩn bị bài, đã đọc sách giáo khoa từ trước. Khi đó, giờ học trực tuyến tương tác thực tập trung vào trao đổi, báo cáo, trả lời, giải đáp những vấn đề HS còn vướng mắc, giúp giảm thời gian lãng phí ngồi trước màn hình.
Tuệ Nguyễn
Tổ chức các lớp học trực tuyến, thạc sĩ Phan Thế Hoài, GV Trường THPT Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân), cho biết trung bình mỗi lớp còn khoảng 10% HS chưa tập trung, chưa có ý thức tự học. Đo lường về mức độ tiếp nhận kiến thức của HS, GV này cũng nói trung bình HS tiếp nhận được khoảng 60% kiến thức GV truyền đạt. “Nếu các em có ý thức, năng lực tự học thì khả năng tiếp thu kiến thức sẽ được cải thiện”, ông Hoài nói.
Còn thầy Lê Hải Minh, đang dạy tại một trường THCS ở Q.10, cũng nhìn nhận hiệu quả của hình thức học trực tuyến không cao. “Nếu dạy trực tiếp, GV có thể quan sát ánh mắt hay một cái nhíu mày của học trò thì có thể đoán được các em đang tiếp nhận kiến thức thế nào để kịp thời điều chỉnh. Nhưng dạy trực tuyến thì không thể, rồi lại thêm điều kiện khách quan, mạng chập chờn, có khi tiếng được tiếng mất. Khó có thể truyền tải đầy đủ những kiến thức đến học trò”, thầy Minh nói.

Nâng cấp hạ tầng máy chủ

Trước những thực tế từ việc HS gặp trục trặc khi học trực tuyến, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết đã nắm tình hình ngay trong buổi học đầu tiên. Ngay sau đó, Sở đã có văn bản gửi Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM đề xuất bổ sung và nâng cấp hạ tầng máy chủ hệ thống thông tin giáo dục phục vụ việc dạy và học trực tuyến.

Thiếu trầm trọng thiết bị dạy học trực tuyến

Theo tổng hợp sơ bộ của Bộ GD-ĐT, đến nay cả nước có 48/63 tỉnh, TP đã tổ chức khai giảng và bắt đầu năm học mới, có 14.010 trường (chiếm tỷ lệ 41,03%) với tổng số 213.479 lớp (37,79%) tổ chức học theo hình thức trực tiếp; 11.419 trường (33,44%) với tổng số 223.957 lớp (39,65%) tổ chức học theo hình thức trực tuyến; 8.719 trường (25,53%) với tổng số 127.448 lớp (22,56%) chưa tổ chức dạy học. Hầu hết địa phương tập trung ưu tiên dạy học cho các lớp cuối cấp (lớp 9 và lớp 12). Không tổ chức dạy học trực tuyến đối với giáo dục mầm non.
Nhiều HS thiếu trang thiết bị học tập như: TP.HCM thống kê sơ bộ còn thiếu 77.000 máy tính để học trực tuyến; An Giang có khoảng 50% HS tiểu học, 20 - 30% HS THCS, THPT thiếu thiết bị học trực tuyến; Sơn La có gần 70% HS chưa có thiết bị học trực tuyến, 1.635 thôn/bản/khu vực nơi ở của HS không có mạng internet; Ninh Thuận có trên 70% HS tiểu học, trên 30% HS THCS, THPT chưa có thiết bị học trực tuyến…
Số GV, HS thuộc diện F0, F1 nhiều. Cụ thể, đến ngày 8.9 cả nước có 2.704 GV và 9.458 HS thuộc diện F0; 4.125 GV và 11.563 HS thuộc diện F1. Trong đó cao nhất là TP.HCM, tính đến sáng 6.9 có 2.096 GV và 6.630 HS thuộc diện F0; 1.990 GV và 6.424 HS thuộc diện F1.
Tuệ Nguyễn
Cụ thể, Sở GD-ĐT đề xuất Sở Thông tin - Truyền thông xem xét, chấp thuận bổ sung thêm 2 server với cấu hình mạnh. Điều chỉnh, nâng cấp 1 server trước ngày 15.9 để kịp thời triển khai các giải pháp dạy học trực tuyến trong giai đoạn cấp bách triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh và triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022.
Hiện nay, TP.HCM có 8 hệ thống dạy học trực tuyến được tích hợp, kết nối và đồng bộ với cơ sở dữ liệu ngành giáo dục TP. Ngoài 2 phần mềm K12Online, LMS thì GV, HS có thể khai thác, chuyển đổi hệ thống dạy học trực tuyến với các phần mềm còn lại để dạy học trong thời gian tới.
Và để hình thức học này đạt hiệu quả tốt nhất, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết khuyến khích GV xây dựng kế hoạch dạy học theo chủ đề thay cho kế hoạch của từng tiết dạy vì người học có thể tự học qua hệ thống.

Giải pháp với HS không đủ điều kiện theo học

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, TP.HCM có 72.638 HS không đảm bảo các điều kiện về thiết bị và đường truyền để học trực tuyến. Trong đó, bậc tiểu học chiếm số lượng nhiều nhất với 31.247 HS, bậc THCS 26.355 HS và THPT 15.037 HS.
Với riêng bậc tiểu học, Sở đã chọn lựa những GV có nhiều kinh nghiệm và phối hợp với đài truyền hình tổ chức ghi hình các tiết dạy dành cho HS bậc học này. Hiện tại đã ghi hình được khoảng 10 tuần học và chính thức phát sóng vào ngày 13.9, bắt đầu với tuần làm quen với lớp 1, ôn tập với lớp 2.
Sở cũng đề xuất với UBND TP.HCM giải pháp hỗ trợ HS như huy động máy tính từ nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức; huy động các thiết bị đã qua sử dụng của các trường ĐH, cá nhân; và chính sách mua hàng trả góp với lãi suất bằng 0% trong vòng 24 tháng.
Ngoài các giải pháp trên thì lãnh đạo Phòng Giáo dục trung học lưu ý GV chủ nhiệm chủ động liên lạc, hướng dẫn tới từng cha mẹ HS qua internet, hướng dẫn HS tự học theo tài liệu hướng dẫn của nhà trường. Phối hợp cán bộ điều phối chuyển tài liệu hướng dẫn cho HS không tham gia học trên internet, hỗ trợ HS đang gặp khó khăn...
Ông Nguyễn Văn Hiếu cũng cho biết những HS này sẽ được đánh giá, kiểm tra và tạo điều kiện quan tâm, kèm cặp riêng ngay khi có điều kiện học trực tiếp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.