Học sinh tiểu học không nhất thiết phải học trực tuyến

23/02/2021 08:20 GMT+7

Có nhiều giải pháp giúp học sinh tiểu học trong thời gian nghỉ ở nhà phòng chống dịch Covid-19 tiếp tục việc học chứ không chỉ chăm chăm dạy học trực tuyến mà không đạt hiệu quả.

Để việc dạy học trên internet đạt hiệu quả với học sinh (HS) tiểu học trong thời gian ngừng học tập trung tại trường, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có những hướng dẫn và lưu ý cụ thể về các giải pháp cũng như thời gian thực hiện.

Nỗi lòng người mẹ khi con học trực tuyến vì Covid-19: Đi đâu cũng “cắp” con theo

Chọn hoặc phối hợp thực hiện các giải pháp

Trong đó, khi hướng dẫn chuyên môn, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, chỉ đạo tùy theo điều kiện của nhà trường, giáo viên (GV) và HS, có thể chủ động chọn hoặc phối hợp thực hiện các giải pháp.
Nếu dạy học trực tuyến thì nhà trường sắp xếp thời gian tổ chức dạy phù hợp, thuận tiện với thời gian học tập của HS, thông báo thời gian biểu cụ thể đến cho phụ huynh để hỗ trợ hoạt động học tập của HS. GV cung cấp tài liệu, học liệu, thực hiện hoạt động dạy học và phát trực tiếp thời gian thực thông qua các ứng dụng hỗ trợ. HS tham gia vào các phòng học trực tuyến, thực hiện các hoạt động học tập với sự hướng dẫn trực tiếp của GV. Ngoài ra, GV có thể bổ sung thêm các bài tập tương tác giúp HS luyện tập kiến thức đã học.

Hải Phòng dừng dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 1, 2

Chiều 21.2, ông Vũ Văn Trà, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Hải Phòng, cho biết qua khảo sát thực tế, Sở GD-ĐT nhận thấy việc học trực tuyến với HS khối lớp 1, 2 là không ổn. “Các con còn quá nhỏ để tự lập với thiết bị học, phụ huynh phải mất thời gian hỗ trợ, hiệu quả dạy không cao. Chúng tôi quyết định tạm dừng học trực tuyến với 2 khối HS này từ ngày 22.2. Chúng ta cần hiệu quả chứ không cần hình thức”, ông Trà nói.
Theo ông Vũ Văn Trà, thầy cô và phụ huynh sẽ phối hợp để ôn tập kiến thức với HS qua Zalo.    
Lê Tân
Ngoài ra, GV có thể thực hiện giải pháp xây dựng các video học tập thông qua hình thức xây dựng các clip học tập, đăng tải trên cổng thông tin điện tử của nhà trường, kèm theo hệ thống các bài tập tương tác xây dựng từ các biểu mẫu trực tuyến. Đồng thời theo dõi, đánh giá, nhận xét quá trình học tập của HS thông qua các kết quả.
GV cũng có thể giao các bài giảng, bài tập rèn luyện, trao đổi, giải đáp thắc mắc, giúp HS lĩnh hội kiến thức tại nhà trong thời gian ngừng đến trường thông qua các ứng dụng của Facebook, Zalo, Viber, Skype…

Học thông qua các phương tiện khác

Đối với các trường, các khối lớp còn khó khăn thì GV có thể xây dựng, thiết kế các hoạt động và hệ thống bài tập qua tin nhắn, thư điện tử, các phương tiện khác... hoặc in sao trên giấy và gửi cho cha mẹ HS.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cũng nhấn mạnh, việc tổ chức dạy học trực tuyến cần bảo đảm theo đúng quy định kế hoạch thời gian năm học, tổ chức vào các khung thời gian không gây khó khăn cho HS tiểu học, giúp HS chiếm lĩnh kiến thức bài học và được tổ chức rèn luyện, đánh giá phù hợp.

Tôi học dạy trực tuyến

Ba tháng phòng chống dịch Covid-19 năm học vừa qua (2019 - 2020) đã biến tôi từ ông giáo già gần như “mù” công nghệ thành một GV dạy trực tuyến được nhiều người ủng hộ.
Là GV dạy môn lịch sử và giáo dục công dân ở trường THCS, với 35 năm công tác giảng dạy trong ngành giáo dục, tôi đã chứng kiến nhiều đổi thay. Song dịch Covid-19 đến bất ngờ và diễn biến rất phức tạp, hoàn toàn khác với những gì đã từng xảy ra, khiến tất cả phải thay đổi để thích ứng.
Tôi nhớ nhất là những tiết dạy trực tuyến đầu tiên thực hiện ở nhà. Với tôi, việc dạy trực tuyến là khó khăn, trở ngại lớn bởi đã gần tuổi hưu. Ban đầu, sau khi tự loay hoay mãi mà không ổn, tôi phải nhờ cậu con trai là sinh viên năm thứ tư làm “quân sư”.
Để thực hiện tiết dạy trực tuyến 45 phút, tôi phải mất hai ngày chuẩn bị. Vạn sự khởi đầu nan. Để tiết dạy “có hồn”, tôi phải tập dượt nhiều lần, làm sao để nhịp nhàng giữa từng lời nói với slide PowerPoint. Sau nhiều lần tập luyện, tôi mới chính thức ghi âm, ghi hình, tạo video gửi cho bộ phận chuyên môn duyệt để đưa lên trang web của trường. Thế nhưng, những cố gắng ban đầu của tôi lại nhận được phản hồi rất… phũ phàng từ… vợ tôi.
Vậy cần phải cố gắng hơn nữa cho tiết sau, tôi tự hứa. Hơn nữa, ngoài HS vào học, phụ huynh cũng có thể vào trang web của trường để “thẩm định năng lực giảng dạy của thầy”. Áp lực thật đấy, nhưng cũng là động lực để cố gắng.
Sự cố gắng rồi cũng đem lại niềm vui. Tôi đã cố gắng rất nhiều để có những tiết dạy giúp HS thêm yêu thích môn học vẫn được xem là môn phụ, ít được quan tâm.
Nguyễn Văn Lực (Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)
Bà Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM), cho biết hiện nay đối với lớp 1, 2, trường chưa áp dụng học trực tuyến theo tiết mà HS xem các bài giảng dưới dạng E-learning trên website của trường. Trong mỗi bài giảng đó đều có phần bài tập để HS rèn luyện. Cách làm này được phụ huynh đồng thuận vì HS 2 khối lớp này chưa tự chủ động trong việc học trực tuyến được.
Tuy nhiên, theo bà Chi, Ban giám hiệu nhà trường khuyến khích GV nếu tổ chức lớp học trực tuyến thì nên tổ chức vào buổi chiều tối, khi có phụ huynh hỗ trợ. Như vậy, học trò sẽ có thể gặp, trò chuyện, tương tác, bày tỏ thắc mắc để GV hướng dẫn mà không gặp tình huống gián đoạn, không kết nối được khi HS thao tác một mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.