Trong một bài đăng trên mạng xã hội, một tài khoản xưng là học sinh Trường THPT G., trường top của thành phố, chia sẻ bạn mình do mới siết niềng răng nên đã đăng ký ăn bán trú món cháo. Tuy nhiên, nhà bếp hết cháo nên đã luộc 3 quả trứng cho bạn ăn cùng cơm và canh. Học sinh bức xúc vì một bữa ăn bán trú giá 38.000 đồng mà chỉ có 3 quả trứng luộc.
Học sinh bức xúc bữa ăn bán trú, Trường Gia Định phản hồi ra sao?
Xác nhận với phóng viên Thanh Niên, tài khoản này cho biết em là học sinh Trường THPT Gia Định (Q. Bình Thạnh), đăng bài bày tỏ sự bức xúc. "Vì đã nhiều lần phản ánh lên nhà trường nhưng vẫn không được giải quyết, em và các bạn cảm thấy không nhận được sự thấu hiểu và lắng nghe từ phía trường. Do đó, em đăng bài về bữa ăn bán trú để tìm sự đồng cảm và tiếng nói chung từ cộng đồng mạng", học sinh này cho hay.
Đáng chú ý, dưới bài đăng này, nhiều phụ huynh, học sinh bày tỏ sự bức xúc trước các bữa ăn trưa của Trường THPT Gia Định, cho rằng một khẩu phần ăn quá ít, các món ăn sơ sài, không tươi ngon, còn "thua cả phần cơm từ thiện".
B.M (đã được đổi tên), học sinh của trường, cho phóng viên Thanh Niên biết với các bữa ăn bán trú, dù có xin thêm đồ ăn cũng chỉ được cho một lượng khá ít, không đủ cho nhu cầu học sinh đang tuổi lớn. "Ngoài ra, thực đơn thường xuyên lặp lại, có tuần ăn gà đến 2-3 bữa, và thậm chí xuất hiện dị vật như sâu, ruồi trong canh, rau, còn cơm đôi lúc bị mốc", B.M phản ánh.
"Chúng em đã phản ánh tình trạng này với ban giám hiệu, và trường giải quyết bằng cách bỏ rau lá, chỉ cho ăn củ quả. Vấn đề xin thêm thức ăn ban đầu được cải thiện, nhưng chỉ sau vài ngày lại quay về tình trạng như cũ, vẫn cho ít", B.M. chia sẻ.
C.P (đã được đổi tên), một học sinh khác của trường, chia sẻ với Thanh Niên rằng dù không muốn, các bạn vẫn phải đăng ký ăn bán trú thì mới được ngủ trưa. "Nhà em xa trường, buổi chiều còn có tiết học, không ngủ trưa thì không chịu nổi, nhưng trường quy định muốn ngủ trưa thì phải đăng ký ăn trưa. Năm ngoái, trường cấm chúng em đặt thức ăn ngoài hay mang đồ ăn nhà theo", P. cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều bạn đọc cũng gửi tin nhắn đến Báo Thanh Niên phản ánh về bữa ăn bán trú của trường. Trong đó, một phụ huynh học sinh Trường THPT Gia Định bức xúc phản ánh với phóng viên Báo Thanh Niên: "Trời ơi dở lắm. Đồ ăn hư thì nhiều. Đóng tiền ăn bán trú mà con có chịu ăn đâu phải mang đồ ăn theo. 38.000 đồng/suất, ít thì không nói nhưng ở đây là đồ ăn bị hư. Họp phụ huynh có góp ý nhưng thấy cũng vậy. Có lần các bé thấy đồ ăn hư có báo cô hiệu trưởng mà cô nói "bỏ đi, đừng nói gì nha". Nên ngày nào cũng phải nấu cơm cho con mang theo".
Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định nói gì?
Trước những phản ánh, bức xúc của học sinh và phụ huynh Trường THPT Gia Định, phóng viên đã liên hệ với bà Nguyễn Ngọc Khánh Vân, Hiệu trưởng nhà trường, để tiếp nhận ý kiến phản hồi về bữa ăn bán trú. Tuy nhiên ngày 29.10, bà Vân cho biết bận họp và "cần phải đủ các minh chứng để chứng minh nhà trường không có vấn đề gì, vấn đề thuộc thành phần nào đó không phải phụ huynh và học sinh"…
Cho đến hôm nay, 31.10, khi phóng viên liên hệ để hỏi thăm thông tin thì được yêu cầu: "Xác nhận giúp sự thật, tại sao biết là phụ huynh và học sinh", "Cho xin minh chứng trước. Tôi tìm được trên diễn đàn đó không phải là học sinh".
Khi phóng viên tiếp tục cung cấp dữ liệu về việc phụ huynh phản ánh với phóng viên Báo Thanh Niên về chất lượng bữa ăn bán trú của Trường THPT Gia Định thì bà Khánh Vân trả lời: "Vẫn chưa đủ xác thực là phụ huynh hay ai khác. Tôi đủ thông tin về điều không thật. Nhưng cần xác thực từ chị đó có phải phụ huynh".
Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục cập nhật thông tin khi có phản hồi của nhà trường.
Học sinh phản ánh khẩu phần ăn ít, nhà trường giải thích và điều chỉnh kịp thời
Trên diễn đàn học sinh TP.HCM đăng tải thông tin và hình ảnh được cho là của một số học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Q. Bình Thạnh) phản ánh về bữa ăn bán trú. Một học sinh đã đăng tải phần ăn trưa là món bún bò "lác đác" vài miếng thịt và chả cắt thái mỏng.
Còn học sinh T.T, cho biết từ khi trường đổi căn tin, bữa ăn bán trú có khẩu phần ít hơn và không phù hợp với tầm giá. "Có những ngày chỉ có cá với trứng, nhưng nếu bạn nào không ăn cá thì sẽ phải ăn tới 2 phần trứng và còn là trứng bị khuấy lên. Với mức giá 35.000 đồng một bữa, đặt món ăn bên ngoài còn chất lượng hơn", học sinh này nói.
Cùng ý kiến, học sinh H.G không hài lòng vì đồ ăn không hợp khẩu vị, thực đơn lặp lại. "Khẩu phần khá ít nên có vài bữa không đủ ăn, chúng em phải xin thêm cơm và canh", H.G nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên hôm nay (31.10), ông Huỳnh Văn Bình, Hiệu phó phụ trách bán trú Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh), cho biết nhà trường chỉ nắm bắt thông tin về bữa ăn từ mạng xã hội mà không nhận được phản ánh của học sinh với nhà trường. Tuy nhiên ngay khi thấy thông tin đó nhà trường đã làm việc với nhà cung cấp để có những điều chỉnh kịp thời.
Về hình ảnh tô bún bò nói trên, ông Huỳnh Văn Bình xác nhận là hình ảnh suất ăn của trường và cho hay ngày hôm đó như công việc hàng ngày diễn ra, chính hiệu phó này tham gia theo dõi phân chia thức ăn. Và ông Bình nhìn nhận như vậy là có sự chia thức ăn không đồng đều trong khoảng 1.400 học sinh tham gia bán trú. Tuy nhiên, ông Bình cho hay cũng chỉ biết thông tin từ giáo viên báo cho biết trên mạng có hình ảnh học sinh phản ánh chứ không có học sinh nào trao đổi với nhà trường. "Khi nhận thông tin trên, đã lập tức trao đổi với nhà cung cấp suất ăn bán trú của trường, yêu cầu phải lưu ý trong việc phân chia thức ăn, không để tình trạng này xảy ra", ông Bình nói.
Còn về phản ánh khẩu phần ăn ít, học sinh phải "xin thêm cơm và canh" thì Hiệu phó phụ trách bán trú Trường THPT Hoàng Hoa Thám cho hay nhà trường có quan điểm là không chia các khay ăn tràn đầy cơm và canh vì mỗi học sinh có khả năng khác nhau nên chia vừa đủ để tránh việc dư thừa lãng phí. Tuy nhiên, để phòng tình huống học sinh có sức ăn khỏe thì trường luôn bố trí khu vực cung cấp bổ sung để các em có thể lấy thêm khi cần thiết.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên về công tác quản lý chung, bà Lê Thị Xuân Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám, cho hay, năm học 2024-2025, nhà trường thực hiện đấu giá đấu thầu căn tin theo quy định của nhà nước. Nhà ăn đã sạch, đẹp và thoáng mát, học sinh rất thích. Tuy nhiên khẩu vị và sức ăn mỗi con khác nhau, khi các con có phản ảnh là nhà trường làm việc với công ty cung cấp ngay.
"Gần đây, nhà trường không nhận được phản ảnh của học sinh mà chỉ thấy thông tin phản ánh qua Facebook và trường đang thực hiện các công việc như: Trao đổi với học sinh bán trú để nắm bắt tâm tư; trao đổi với giáo viên phụ trách bán trú; chụp hình thức ăn và kể cả khay thức ăn cho thêm; lấy ý kiến và đề xuất ngẫu nhiên của học sinh về thức ăn bán trú trong ngày. Đồng thời nhà trường đã mời công ty trao đổi những góp ý của học sinh để điều chỉnh sao cho phù hợp nguyện vọng đông đảo học sinh", bà Xuân Dung thông tin.
Bình luận (0)