Học sinh trung bình có thể làm tốt 60% đề thi THPT

24/06/2018 07:09 GMT+7

Hôm nay (24.6), hơn 900.000 thí sinh trên cả nước sẽ làm thủ tục dự thi THPT quốc gia. Ông Nguyễn Hữu Độ ( ảnh ), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đã trao đổi với phóng viên Thanh Niên về những điểm cần lưu ý trong kỳ thi này.

[VIDEO] Gần 1 triệu thí sinh sẵn sàng vượt vũ môn trong kỳ thi THPT quốc gia
Tập huấn kỹ cán bộ coi thi
Xin ông cho biết việc chuẩn bị tổ chức thi THPT ở tất cả các địa phương, cho đến thời điểm này?
Bộ GD-ĐT đã thành lập 7 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi ở các địa phương đại diện các vùng miền trên cả nước. Qua kiểm tra trực tiếp và nắm bắt tình hình từ báo cáo hằng ngày thì thấy ban chỉ đạo thi của các tỉnh, thành đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và lên phương án tổ chức thi bài bản, đúng quy chế.
Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, tất cả các điểm thi đều đảm bảo 50% cán bộ coi thi là giáo viên của tỉnh, 50% còn lại là cán bộ giảng viên của các trường ĐH. 100% đội ngũ làm công tác thi đều được tập huấn về nghiệp vụ, quy chế thi tại trường. Ngày 24.6, tất cả cán bộ coi thi được tập huấn một lần nữa tại chính điểm thi mà mình làm nhiệm vụ.
 
[VIDEO] Giám thị ăn ngủ ngay trong phòng học những ngày thi THPT quốc gia nóng bỏng
Bài học từ sự cố lọt đề trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội có thể thấy ngay cán bộ coi thi cũng là một đối tượng vi phạm quy chế thi gây hậu quả rất nghiêm trọng. Vậy Bộ GD-ĐT có chỉ đạo gì trong việc rút kinh nghiệm cho kỳ thi THPT?
Bài học về lọt đề thi ở Hà Nội sẽ được rút kinh nghiệm sâu sắc tới tất cả 63 ban chỉ đạo thi cấp tỉnh. Tuyệt đối không để xảy ra sự cố tương tự chỉ vì sự chủ quan, lơ là của một số điểm thi nào đó. Thực tế cho thấy, chỉ một sơ sẩy nhỏ cũng dẫn tới hậu quả rất lớn.
Do vậy, Bộ nhấn mạnh tới việc lựa chọn, tập huấn và nêu cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân tham gia công tác coi thi, kể cả đối với những cán bộ, giáo viên nằm trong danh sách dự phòng, để khi cần điều động, lực lượng này sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Kỳ thi năm nay, theo cảnh báo từ cơ quan công an thì có nhiều loại thiết bị công nghệ cao phục vụ mục đích gian lận thi cử. Vậy, Bộ GD-ĐT có khuyến cáo gì cho các địa phương trong việc giám sát kỳ thi?
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo T.Ư, Bộ cũng quán triệt điều này và thông báo với cơ quan chức năng của Bộ Công an để có khuyến cáo, hình ảnh chụp thiết bị công nghệ cao gửi cho từng điểm thi. Các trưởng điểm thi có trách nhiệm in sao và giới thiệu để tất cả cán bộ, giám thị làm nhiệm vụ coi thi nhận biết các loại thiết bị này.
Đồng thời, có chỉ đạo các trưởng điểm thi yêu cầu giám thị trước mỗi buổi thi dành ít phút để nhắc nhở một lần nữa về việc thí sinh (TS) không mang các vật dụng, thiết bị không được phép vào phòng thi.
[VIDEO] Thầy cô giáo tất bật rời TP.HCM đi coi thi
Nhiều biện pháp siết tình trạng "nơi lỏng, nơi chặt”
Bộ có chỉ đạo chung và công cụ giám sát gì để đảm bảo 63 hội đồng thi trên cả nước đều thực hiện quy chế thi một cách nghiêm túc, công bằng nhất, tránh tình trạng nơi làm chặt chẽ, nơi nới lỏng, gây thiệt thòi không đáng có cho TS?
Với phương thức tổ chức kỳ thi như hiện nay thì có 2 cơ sở để có thể đảm bảo kỳ thi sẽ diễn ra một cách công bằng dù 63 tỉnh, thành là 63 ban chỉ đạo thi. Thứ nhất là về đề thi, với hầu hết là hình thức thi trắc nghiệm, mỗi TS trong phòng thi một mã đề khác nhau, mỗi môn thi TS sẽ phải làm bài trong 50 phút với 40 câu hỏi thì việc hỗ trợ từ bên ngoài là rất khó khăn. Sau đó, việc chấm thi bằng máy cũng đảm bảo tính khách quan, không xảy ra tình trạng nơi “chấm lỏng”, nơi “chấm chặt” do chủ quan của người chấm.
Thứ hai, việc tổ chức coi thi vẫn có sự phối hợp của 50% cán bộ coi thi đến từ các trường ĐH nên việc giám sát khách quan hơn. Tất cả đều với mong muốn đánh giá thực chất chất lượng dạy và học ở mỗi địa phương, đồng thời tuyển sinh được những TS theo đúng yêu cầu của các trường ĐH, CĐ.
Bên cạnh đó, sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ của ban chỉ đạo thi từ cấp T.Ư đến cấp tỉnh, chế tài xử lý vi phạm rất rõ ràng từ quy chế thi sẽ là hành lang pháp lý giúp cho kỳ thi này diễn ra nghiêm túc, công bằng.
Vậy còn công tác hậu kiểm, ví dụ với những địa phương hoặc điểm thi có kết quả thi bất thường có được xem là yếu tố cần được xem xét lại khâu coi thi có nghiêm túc hay không?
Quy chế thi cũng đã có quy định về việc chấm thẩm định khi có những dấu hiệu bất thường về kết quả thi. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, việc chủ yếu thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, bài thi được chấm bằng máy nên những tiêu cực như thi tự luận sẽ ít xảy ra hơn.
Phần phân hóa trong đề chủ yếu để xét tuyển trường tốp đầu
Bộ có chỉ đạo như thế nào trong khâu ra đề để đảm bảo cân bằng được cả hai mục đích vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH, CĐ trong một kỳ thi?
Cấu trúc của đề thi năm nay vẫn giữ ổn định như năm 2017. Câu hỏi về kiến thức cơ bản sẽ chiếm khoảng 60%, phần còn lại mới là phần phân hóa. Những TS làm tốt phần này không chỉ đủ điều kiện để tốt nghiệp mà còn là một kênh thông tin tốt, có thể trúng tuyển vào nhiều trường ĐH.
Phần phân hóa chỉ có ý nghĩa đối với TS đăng ký vào các trường tốp đầu và sự cạnh tranh này là bình đẳng khi các quy định về đề thi áp dụng cho tất cả các TS. Các em hoàn toàn có thể yên tâm là với một học sinh học lực trung bình, học bám sát chương trình hiện hành thì kết quả thi hoàn toàn đạt để xét tốt nghiệp.
Thầy cô Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đi Đắk Nông coi thi tốt nghiệp THPT ngày 23.6 Ảnh: Đ.N.T

Một trong những điểm mới trong kỳ thi năm nay là thời gian giãn cách giữa 2 môn thi trong bài thi tổ hợp thay vì 20 phút như năm trước thì sẽ được rút xuống 10 phút. Việc giảm thời gian nghỉ giữa 2 môn thi liệu có khiến TS càng căng thẳng hơn không, thưa ông?
Thời gian cách giữa 2 môn thi năm trước quy định 20 phút không phải mục đích chính là để TS nghỉ mà là để giám thị tiến hành thu bài, thu giấy nháp, phát đề của môn tiếp theo… Hơn nữa, căn cứ vào thực tế năm trước, 20 phút là quá dài cho cả việc thu bài, phát đề, TS phải ngồi chờ quá lâu cho môn thi tiếp theo không cần thiết, nhiều em tỏ ra rất sốt ruột chờ tới môn thi tiếp theo.
Do vậy, Bộ GD-ĐT tiếp thu nhiều ý kiến đề xuất từ cơ sở nên rút ngắn lại, vừa vẫn kịp cho cán bộ coi thi làm nhiệm vụ, vừa để TS không phải thêm căng thẳng vì chờ đợi. Chúng tôi đã giao Cục Quản lý chất lượng của Bộ thử nghiệm và kết quả báo cáo là trong 10 phút đó hoàn toàn đảm bảo thời gian để thu bài, phát đề theo đúng quy định.
Ông có lời khuyên gì với TS trước khi bước vào kỳ thi này?
Đây là kỳ thi quan trọng, chủ trương chỉ đạo của Bộ là làm nghiêm túc nhưng không gây căng thẳng cho TS, từ cấp Bộ tới địa phương, mỗi nhà trường… đều đang cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mỗi TS dự thi để đạt kết quả công bằng, khách quan nhất.
Sau 12 năm học phổ thông, tôi mong các em bước vào kỳ thi với tâm thế bình tĩnh, tự tin, tham gia kỳ thi một cách nghiêm túc để đạt kết quả tốt nhất trong khả năng của mình.
 
Ý kiến
Đề thi được sắp xếp lần lượt từ dễ đến khó
Đề thi các môn thi trắc nghiệm khách quan năm nay các câu hỏi được sắp xếp theo trật tự lần lượt từ dễ đến khó ở tất cả các mã đề (đối với các môn ngoại ngữ có tính đặc thù riêng nên việc sắp xếp cấp độ của các câu hỏi thi sẽ được bố trí tối ưu theo quy luật trên). Việc sắp xếp các câu hỏi trong đề thi như thế này sẽ tạo thuận lợi cho TS làm bài theo tuần tự các câu hỏi trong đề thi và đánh giá sát thực hơn năng lực của các TS.
Ông Sái Công Hồng Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT
Mỗi điểm thi có 2 thanh tra cắm chốt
Bên cạnh lực lượng thanh tra cơ động theo khu vực, năm nay, Bộ GD-ĐT yêu cầu tại mỗi điểm thi có 2 thanh tra cắm chốt. Với hơn 2.000 điểm thi, sẽ có hơn 4.000 người là cán bộ các sở GD-ĐT và trường ĐH “chốt” tại đó. Tại mỗi phòng thi có 2 giám thị giám sát thí sinh; cứ 7 phòng thi có một cán bộ giám sát do điểm trưởng phân công để giám sát giám thị và các hoạt động trong phạm vi được giao.
Ông Nguyễn Huy Bằng Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT
Không vì thành tích hay kết quả cao
Tôi tin và rất mong muốn tất cả các tỉnh, thành trên cả nước đều thực hiện nghiêm túc để tạo niềm tin với xã hội về kết quả đánh giá chất lượng giáo dục của chính ngành GD-ĐT. Chúng tôi sẽ kiên quyết không vì thành tích hay kết quả cao của học sinh mà làm bất cứ điều gì quy định không cho phép.
Ông Chử Xuân Dũng Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội
Tuyết Mai (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.