Học sinh từ nước ngoài về, học sinh quốc tế tới VN: Tuổi đi học thế nào?

25/07/2024 20:21 GMT+7

Tuổi của học sinh vào lớp 1 là bao nhiêu? Tuổi của học sinh trường trung học thế nào? Đặc biệt, học sinh từ nước ngoài về Việt Nam đi học, hay học sinh quốc tế tới Việt Nam thì tuổi đi học trong bậc phổ thông của các em được quy định như thế nào?

Trước thềm năm học mới 2024-2025, tuổi đi học của trẻ em được nhiều người quan tâm.

Học sinh từ nước ngoài về, học sinh quốc tế tới VN: Tuổi đi học thế nào?- Ảnh 1.

Học sinh lớp 1 năm học 2023-2024 một trường ở Q.1, TP.HCM

ĐÀO NGỌC THẠCH

Tuổi đi học của học sinh lớp 1

Theo Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ trường tiểu học, tuổi của học sinh tiểu học được quy định tại Điều 33. Theo đó, tuổi của học sinh vào học lớp 1 là 6 và được tính theo năm.

Thông tư nêu rõ: "Trẻ em khuyết tật, kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ, trẻ em ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em ở nước ngoài về nước, con em người nước ngoài học tập, làm việc ở Việt Nam có thể vào học lớp 1 ở độ tuổi cao hơn so với quy định nhưng không quá 3 tuổi. Trường hợp trẻ em vào học lớp 1 vượt quá 3 tuổi so với quy định sẽ do trưởng phòng GD-ĐT quyết định".

Điểm c và đ Điều 35 của Thông tư cũng quy định: "Học sinh trong độ tuổi tiểu học từ nước ngoài về nước, con em người nước ngoài học tập, làm việc tại Việt Nam, trẻ em vì hoàn cảnh khó khăn chưa được đi học ở nhà trường nếu có nguyện vọng chuyển đến học trong một trường tiểu học thì được hiệu trưởng tổ chức khảo sát trình độ để xếp vào lớp phù hợp; Học sinh được học rút ngắn thời gian thực hiện chương trình, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định, học kéo dài thời gian, học lưu ban".

Học sinh tiểu học có được học vượt lớp?

Học sinh tiểu học được học vượt lớp thế nào? Điểm e Điều 35 của Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Thủ tục xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo các bước sau:

  • Cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh có đơn đề nghị với nhà trường.
  • Hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm: hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng và ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, tổng phụ trách Đội.
  • Căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng hoàn thiện hồ sơ và báo cáo trưởng phòng GD-ĐT xem xét quyết định.

Tuổi của học sinh trung học như thế nào?

Học sinh từ nước ngoài về, học sinh quốc tế tới VN: Tuổi đi học thế nào?- Ảnh 2.

Hai chị em song sinh Thoại Khanh và Gia Khanh, cựu học sinh Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM, hai em có cha là người Ý, mẹ là người Việt Nam

NHẬT THỊNH

Theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, ban hành điều lệ trường THCS, THPT và trường THPT có nhiều cấp học thì tuổi của học sinh trường trung học được quy định ở Điều 33. Tuổi của học sinh vào học lớp 6 là 11. Tuổi của học sinh vào học lớp 10 là 15. Đối với những học sinh được học vượt lớp ở cấp học trước hoặc học sinh vào cấp học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định thì tuổi vào lớp 6 và lớp 10 được giảm hoặc tăng căn cứ vào tuổi của năm tốt nghiệp cấp học trước.

"Học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh ở nước ngoài về nước có thể vào cấp học ở tuổi cao hơn 3 tuổi so với tuổi quy định. Học sinh không được lưu ban quá 3 lần trong một cấp học", Thông tư nêu rõ.

Quy định học sinh trung học học vượt lớp như thế nào?

Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, học sinh THCS, THPT có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể vào học trước tuổi hoặc học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Việc xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo các bước:

  • Cha mẹ hoặc người đỡ đầu có đơn đề nghị với nhà trường.
  • Hiệu trưởng thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn gồm thành phần cơ bản sau: đại diện của lãnh đạo trường và ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang theo học.
  • Căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng khảo sát, tư vấn, hiệu trưởng xem xét, quyết định.

Thông tư của Bộ GD-ĐT hướng dẫn cụ thể, nếu học sinh trong độ tuổi quy định ở nước ngoài về nước hoặc con em người nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ được học ở trường trung học tại nơi cư trú hoặc trường trung học ở ngoài nơi cư trú nếu trường đó có khả năng tiếp nhận. Việc xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo các bước: Cha mẹ hoặc người đỡ đầu có đơn đề nghị với nhà trường. Sau đó hiệu trưởng tổ chức khảo sát trình độ của học sinh và xếp vào lớp phù hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.