Đó là chia sẻ của Huỳnh Thị Thùy Dương, học sinh (HS) Trường THCS Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM tại chương trình “Lãnh đạo thành phố gặp gỡ thiếu nhi” nhân dịp đầu xuân, do Thành ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ TP.HCM tổ chức, diễn ra vào ngày 16.2.
Tham dự có Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Thị Dung cùng nhiều lãnh đạo các sở, ngành và hơn 170 HS tiêu biểu của thành phố.
Áp lực làm căng thẳng cho thầy - trò
tin liên quan
'Khi áp lực trở thành bạo lực tinh thần'“Ví dụ, khi học đến môn lịch sử tụi con muốn mình được nhà trường cho đi tham quan các khu di tích. Còn khi học về môn sinh thì thiết kế cho tụi con được thực hành, học trong các phòng thí nghiệm nhiều hơn”, Thùy Dương mong muốn.
Nguyễn Đạt Mẫn, Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.Thủ Đức), đề xuất cần giảm sĩ số HS trong các lớp học để đạt chất lượng học tập tốt hơn. “Đơn cử, trường con có 55 lớp, trung bình có 49 - 50 bạn/lớp, là quá đông dù trường con là trường trọng điểm. Với sĩ số như vậy, nếu có câu hỏi của HS đặt ra cần giải đáp thì giáo viên không đủ thời gian để trình bày, giải thích cặn kẽ, cũng như quan tâm đến từng HS”.
Còn Võ Ngọc Thủy Tiên, HS Trường Nguyễn Văn Luông (Q.6), lên tiếng xin các bác lãnh đạo hãy giảm áp lực cho thầy cô. Hiện thầy cô đang bị áp lực thi đua rất lớn.
“Chính vì vậy, khi lên lớp thầy cô bị dồn nén, chạy đua về kiến thức khiến HS rất khó để tiếp thu và gây sự mệt mỏi, căng thẳng cho thầy - trò trong mỗi tiết học”, Thủy Tiên nêu thực tế và đề nghị lãnh đạo thành phố có thể tổ chức buổi đối thoại với giáo viên về mong muốn giảm áp lực để tiết học trên lớp vui vẻ hơn.
Đi học phải mang rất nhiều sách vở
tin liên quan
'Khi áp lực trở thành bạo lực tinh thần'Theo Vân Anh, đợt tết vừa rồi em phải làm rất nhiều bài tập các môn văn, toán, tiếng Anh. Đến tối mùng 6 tết em vẫn phải tranh thủ làm cho xong để kịp mùng 7 đi học lại. Vân Anh mong muốn các lãnh đạo có ý kiến để giảm áp lực bài vở cho HS trong các dịp nghỉ lễ.
Trước thực tế mỗi ngày đi học phải mang rất nhiều sách vở, Trương Tấn Phát, HS Trường THCS Hoàng Quốc Việt (Q.7), cho biết: “Có những hôm học 8 tiết, em phải mang riêng vở đã hơn chục cuốn”. Phát cho rằng với những môn học ngắn gọn như: giáo dục công dân, lịch sử hoặc mỹ thuật, kỹ thuật, HS có thể tích hợp ghi chung trong một cuốn để tối giản.
Ngoài học tập, HS cũng quan tâm đến vấn đề nhà vệ công cộng và nhà vệ sinh trong trường học. Liên quan đến vấn đề nhà vệ sinh trong trường học, Thùy Dương cho biết: “Ở trường con nước sạch còn hạn chế khi đi vệ sinh, bởi lúc con cần thì không có”...
Tăng cường hoạt động trải nghiệm
Trả lời những vấn đề liên quan đến lĩnh vực giáo dục do các HS đặt ra, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nói: “Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM ghi nhận tất cả các ý kiến của các em. Nhiều vấn đề HS nêu ý kiến như: giảm áp lực học tập, giảm lý thuyết, tăng thực hành... cũng đang được ngành giáo dục thành phố triển khai từ năm học qua theo hướng dẫn của Bộ và tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới”.
Bà Thu cũng thông tin một số chủ trương, chính sách của Sở GD-ĐT về các vấn đề HS phản ánh như chương trình hoạt động trải nghiệm, kỹ năng sống, đổi mới giáo dục, an toàn học đường, an toàn giao thông...
Trả lời về vấn đề nhà vệ sinh, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, cho biết: “Riêng những vấn đề xử lý được trong tầm tay như thiếu nước ở khu vực nhà vệ sinh của Trường THCS Tân Tạo, Q.Bình Tân chúng tôi sẽ kết nối với địa phương để xử lý ngay để tạo môi trường vệ sinh sạch sẽ cho HS”.
Ông Thắng cũng cho hay: “Trong năm 2018, thành phố đã sửa chữa lắp đặt thêm 143 nhà vệ sinh công cộng. Chúng tôi đang làm việc với 5 doanh nghiệp, dự kiến sẽ lắp đặt khoảng 400 nhà vệ sinh cabin công cộng sử dụng năng lượng mặt trời trong năm 2019, đồng thời sẽ tiến hành lắp đặt và bố trí thêm 2.300 thùng rác công cộng”.
Cần có kênh truyền hình giáo dục
Đặng Thị Yến Nam, HS Trường THCS Bình Quới Tây (Q.Bình Thạnh), mong muốn TP.HCM cho ra đời một kênh giáo dục trên đài truyền hình dành riêng cho HS. “Hiện nay trên truyền hình có rất nhiều kênh giải trí. Tuy nhiên, chúng em mong muốn có một kênh truyền hình dành riêng cho lứa tuổi HS, mà ở đó chúng em có thể xem được các bài giảng liên quan đến kiến thức phổ thông và mở rộng truyền đạt về kỹ năng sống. Thông qua kênh giáo dục này, phụ huynh và thầy cô có thể tin tưởng cho con em mình theo dõi, đồng thời giúp người lớn hiểu rõ hơn về tâm lý của HS”.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng đây là vấn đề rất hay và chỉ đạo cho bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám Sở GD-ĐT, cần tiếp thu ý kiến trên để có sự phối hợp giữa Sở GD-ĐT và Đài truyền hình TP.HCM triển khai thực hiện việc này.
|
Bình luận (0)