Học tại nơi làm việc

11/02/2012 10:58 GMT+7

(TNTS) Dù không có nhiều thời gian hay được làm việc trong môi trường sử dụng tiếng Anh, bạn vẫn có thể trau dồi kỹ năng này ngay tại nơi làm việc.

(TNTS) Dù không có nhiều thời gian hay được làm việc trong môi trường sử dụng tiếng Anh, bạn vẫn có thể trau dồi kỹ năng này ngay tại nơi làm việc.

Chọn cách phù hợp với từng cá nhân

Thầy Khấu Hữu Phước - giảng viên tiếng Anh tại Trung tâm Anh ngữ SEAMEO, chia sẻ: “Việc học ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng không nhất thiết phải ngồi trong lớp học. Người học có thể tự tích lũy được kỹ năng này thông qua nhiều cách. Với nhân viên văn phòng, việc trau dồi kỹ năng này có thể qua việc tự học, đọc báo, xem tin tức, nói chuyện với đồng nghiệp…”.

Tự học tiếng Anh trong hoàn cảnh như vậy, Bảo Châu - nhân viên Trường CĐ Bách Việt, cho biết: “Do không có thời giờ đến lớp, hơn một năm nay mình đã xây dựng một kế hoạch tự học tại văn phòng khá hiệu quả. Trước giờ làm việc, tranh thủ giờ nghỉ trưa hoặc sau khi tan tầm, mỗi ngày mình cố gắng nhớ và thực hành cách sử dụng 3 từ vựng mới. Đồng thời với học từ mới, mình xen kẽ ôn lại cấu trúc câu qua các ví dụ. Tuy nhiên, cách này mình chỉ rèn được từ vựng và ngữ pháp thôi, chưa hiệu quả trong rèn kỹ năng nghe và nói”.

 
Văn phòng làm việc cũng là môi trường tốt để rèn luyện ngoại ngữ - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Anh Minh Quang - kỹ sư xây dựng của Công ty TNHH Hưng Thịnh, cho rằng: “Đọc các tờ báo viết bằng tiếng Anh là cách tốt nhất để tiếp cận với tiếng Anh trong điều kiện đi làm văn phòng hiện nay của mình. Chỉ cần bỏ tờ báo vào túi xách đi làm, ở mọi nơi mọi lúc khi rảnh rỗi mình có thể vừa nhâm nhi ly cà phê, vừa đọc. Cách đọc này vừa giúp mình cập nhật được các thông tin thời sự trong và ngoài nước, vừa giúp mình nhớ mặt chữ và các cấu trúc ngữ pháp. Đặc biệt, mình thường chọn lựa những tờ báo viết bằng tiếng Anh của người Việt như Thanh Niên Weekly (nay là Vietweek), Saigon Times... để đọc vì nội dung gần gũi, dễ hiểu hơn”.

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Bá Hải - giảng viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, có cách khác: “Trong trường và mỗi khi đứng lớp mình ít có điều kiện sử dụng tiếng Anh, nên để vốn ngoại ngữ này không bị mai một mình phải thường xuyên đọc tài liệu, viết báo cáo rồi tham dự các hội nghị khoa học quốc tế. Mỗi lần như vậy, mình không chỉ cập nhật được nhiều kiến thức mới mà còn rèn luyện được ngoại ngữ khá tốt”.

Kỹ năng tự học

Theo thầy Khấu Hữu Phước, việc tự học để đạt hiệu quả cần phải thực hiện đúng cách. Về cách học từ vựng và cấu trúc ngữ pháp, thầy Phước chia sẻ: “Một kỹ thuật rất hay được dùng trong cách dạy và học tiếng Anh từ trước đến nay là thay thế những từ ngữ khác nhau trong một câu nói. Cách này rất hiệu quả trong việc tự học, không cần giảng viên mà sự chính xác vẫn đạt ở đỉnh cao”. Ví dụ từ một câu nói: Would you like an ice cream? (Bạn có muốn ăn kem không?), ta có thể thay thế cụm từ an ice cream bằng những cụm danh từ khác để có các câu nói mang nghĩa khác nhau như: Would you like some coffee? (Bạn có muốn uống cà phê không?), Would you like a cup of tea?(Bạn có muốn uống trà không?)...

Nên chọn từ điển online

Khi tự học tiếng Anh có rất nhiều người sử dụng chương trình dịch tự động trên Google. Đây là một cách khá tiện dụng nhưng chỉ nên tham khảo thôi. Để tự học hiệu quả, nên cài đặt vào máy tính của bạn loại từ điển online để có nhiều lựa chọn hơn. Bởi lẽ, khi sử dụng từ điển sẽ cho phép người dùng có nhiều lựa chọn từ ngữ hơn từ những từ đồng âm, đồng nghĩa trong khi trên Google lại chọn sẵn cho bạn. Thêm nữa, khi nghe cách phát âm trên từ điển online sẽ có cách phát âm của giọng người thật.

Thầy Khấu Hữu Phước

Để rèn luyện kỹ năng phát âm như người bản ngữ, thầy Phước chia sẻ: “Ngoài việc nắm vững lý thuyết cơ bản về cách phát âm, khi thực hành người học có thể sử dụng kỹ thuật sau: Mỗi khi đọc một câu hoặc một từ nên sử dụng một cọng dây thun để vào hai ngón tay trỏ. Mỗi khi đọc đến trọng âm của một từ hoặc một câu đồng thời kéo dãn cọng thun trên hai ngón tay trỏ. Như vậy, khi tay kéo cọng thun thì miệng sẽ mở ra để âm phát ra kéo dài hơn. Kỹ thuật này đã từng được chứng minh mang lại hiệu quả khá tốt trong cách luyện phát âm”.

Cũng theo thầy Phước, việc tự học các cấu trúc ngữ pháp trong tiếng Anh có thể thực hiện được nếu nắm được nguyên lý của nó. “Mọi câu nói dù dài dòng và phức tạp đến mấy cũng đều được cấu tạo nên từ những câu đơn, với cấu tạo cơ bản gồm: chủ ngữ (danh từ) và vị ngữ (động từ). Từ cấu trúc đơn giản đó, ta có thể kéo dài câu nói với nhiều nghĩa hơn bằng cách thêm vào các bổ nghĩa từ (như tính từ, trạng từ…). Rồi từ một câu đơn ta có thể chuyển thành dạng câu phức có khi dài cả 4 - 5 dòng nhờ việc sử dụng các từ nối giữa các ý (như: that, so, because…). Nếu nắm được nguyên lý này sẽ giúp ta hình thành được những cấu trúc câu khá đơn giản”. Ví dụ: Từ một câu đơn ban đầu: “The boy is studying” (Cậu bé đang học bài), ta có thể thêm vào để chuyển thành những dạng câu phức tạp hơn như:

The little boy is studying” (Cậu bé con đang học bài).

The little boy is studying hard” (Cậu bé con đang học bài chăm chỉ).

The little boy is studying English hard” (Cậu bé con đang học tiếng Anh chăm chỉ).

After the dinner, the little boy is studying English hard” (Sau bữa ăn tối, cậu bé con đang học tiếng Anh một cách chăm chỉ).

After the dinner, the little boy is studying English very hard that preparing for the examination next week” (Sau bữa ăn tối, cậu bé con đang học tiếng Anh một cách chăm chỉ để chuẩn bị cho kỳ thi vào tuần tới).

Chia sẻ kinh nghiệm

Viết báo cáo mỗi ngày

Dù được thường xuyên giao tiếp tiếng Anh trong văn phòng nhưng mình vẫn phải có ý thức trau dồi tiếng Anh mỗi ngày. Mình luôn cố gắng sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp với đồng nghiệp, ngay cả người Việt Nam. Theo mình, nếu chỉ luyện tiếng Anh qua giao tiếp thông thường và viết email thì chưa đủ, vì có những công thức nhất định trong việc viết email rồi nên chỉ sau một thời gian ngắn là có thể quen. Cách luyện tốt hơn là viết báo cáo về công việc của mình mỗi ngày, thuyết trình trước nhóm về những công việc, dự án mình phụ trách, rồi viết biên bản họp. Ngoài ra, mình thường xuyên đọc các ấn phẩm, website của công ty mình để vừa hiểu thêm về công ty vừa rèn luyện tiếng Anh.

Văn Lê - nhân viên Trường ĐH Quốc tế RMIT Việt Nam

15 phút mỗi ngày

Mình không có môi trường để sử dụng tiếng Anh, cũng không có thời gian để đến lớp học. Do vậy, mỗi ngày mình cố gắng dành ra ít nhất 15 phút để tự học. Khi tốt nghiệp đại học, tiếng Anh của mình chỉ ở trình độ B. Mà đã 3 năm sau khi ra trường không sử dụng nên giờ đây mình phải tự học lại gần như toàn bộ. Thực tế, khi nhìn vào mặt chữ mình nhớ nhưng nếu tự viết ra thì không được, mà phát âm cũng không còn chuẩn nữa. Cách tự học của mình rất đơn giản, mình mua giáo trình học tiếng Anh trình độ căn bản, cứ 2 ngày mình học một bài trong đó bắt đầu từ trình độ A. Một cuốn sách, một cuốn vở, một cây viết lúc nào cũng nằm trên góc bàn làm việc để có thể học khi rảnh rang. Tất nhiên, để rèn luyện kỹ năng nghe nói thì tối về nhà mình phải tập nghe bằng máy và thi thoảng đến câu lạc bộ tiếng Anh. Dù không thể nào bằng đến lớp học bài bản, nhưng hiệu quả cũng rất đáng kể.

Hoàng Nga - nhân viên kế toán tại TP.HCM

Học bằng phần mềm

Mình thường xuyên lên mạng để học tiếng Anh qua các phần mềm (ví dụnhư: tell me more) hoặc có khi là các khóa học tiếng Anh trên mạng. Sở thích của mình còn ở chơi game ô chữ, đoán từ trên điện thoại hoặc máy tính, qua đó cũng học được nhiều hơn từ vựng. Ngoài ra, mình thường xuyên chat với bạn bè người nước ngoài để nhờ họ chỉnh sửa sai sót và cọ xát thêm. Mình cũng thường xuyên tán gẫu với đồng nghiệp hoặc với sếp bằng tiếng Anh, đặc biệt là những người từ nước ngoài về để họ chỉnh sửa sai sót hoặc chia sẻ về cách dùng từ theo xu hướng mới của người bản ngữ.

Phương Di - nhân viên Công ty truyền thông MindCaster

Hà Ánh (ghi)

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.