Học thạc sĩ Stanford từ năm 3 đại học

08/05/2022 06:01 GMT+7

4 năm trước, Bùi Mạnh Hùng được nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ khi giành học bổng tới hàng loạt đại học danh giá, trong đó có Đại học Stanford , ngôi trường khó trúng tuyển hàng đầu nước Mỹ.

Hiện tại chàng trai 22 tuổi đang là sinh viên năm 4 ĐH Stanford, đồng thời đang học thạc sĩ ngành khoa học máy tính tại đây.

Hùng khi mới qua Mỹ nhập học

NVCC

“2 điều trường học đã dạy tôi”

Hùng cho hay anh được học thẳng lên thạc sĩ từ năm 3 ĐH do có thành tích học tập tốt tại nhà trường, tham gia các cuộc thi, làm việc trong phòng Lab. Đồng thời, Hùng đã hoàn thành 120 trên tổng số 180 tín chỉ, tương đương 75% chương trình ĐH.

Chàng trai 22 tuổi này đang theo học khoa học máy tính. Hùng theo đuổi mảng xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nghiên cứu về các tương tác giữa người với máy và luôn kỳ vọng những phát triển về công nghệ sẽ là bàn đạp thúc đẩy những dự án có đóng góp lớn lao cho xã hội.

Không dễ dàng để ngay lập tức có thể thích nghi ở môi trường toàn những người siêu giỏi như ĐH Stanford, Hùng chia sẻ biết ơn tất cả những gì trường lớp, thầy cô, gia đình ở Việt Nam đã rèn luyện cho mình.

“Có 2 điều mà trường học đã dạy tôi, thứ nhất là khả năng tự học. Ở ngôi trường trò giỏi, thầy cô đầu ngành như Hà Nội - Amsterdam, học trò cần phải tự học rất nhiều, tham gia các kỳ thi, bài thi chuẩn hóa liên tục. Điều thứ hai, quan trọng không kém là tư tưởng. Mình phải luôn tin tưởng vào bản thân rằng nếu cố gắng, tập trung thì mình sẽ làm được”, Hùng nói.

“Tôi không phải con nhà người ta”

Hùng không nhận mình làm được tất cả những thành tựu trên nhờ sự thông minh mà cho rằng đó đều là do nỗ lực, chăm chỉ. “Nếu có ai đó nói tôi là con nhà người ta, tôi sẽ xua tay và giới thiệu cho họ hàng loạt cái tên là “con nhà người ta” đích thực”, Hùng vui vẻ chia sẻ.

Bên cạnh ĐH Stanford, Hùng từng nhận học bổng toàn phần từ các trường lớn như: Johns Hopkins, Rice, UCLA, Berkeley…

Hùng từng là thành viên đội bóng rổ, trưởng nhóm nhạc ở Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Hùng đạt giải ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp TP năm 2016, 2017; giải đặc biệt khoa học kỹ thuật cấp quốc gia 2017. Thời gian này, Hùng còn sáng lập chương trình chăm sóc sức khỏe ở nông thôn, giám khảo cuộc thi được tổ chức bởi Liên Hiệp Quốc ở Việt Nam…

Nhiều người đều ngưỡng mộ trước CV hoành tráng, điểm TOEFL iBT 119/120 và danh sách dài thành tích xuất sắc của Hùng. Còn Hùng tiết lộ từng đi qua những chông gai, nếm mùi thất bại rồi tự đứng dậy.

Như lần thi vào lớp 10, nguyện vọng 1 của Hùng là vào lớp Anh 1 nhưng chỉ đậu vào lớp Anh 3 (Anh - Trung). Thời điểm nhận kết quả anh buồn đến mức 3 ngày không nói chuyện với ai. Hay lần thi SAT, lần đầu chỉ đạt 1.000/1.600, để đạt số điểm 1.560, Hùng phải thi tới 3 lần.

“Sau những thất bại, tôi nhận ra rằng trong cuộc sống chẳng thể nào tránh được những cú sốc. Ai cũng có lúc vấp ngã. Muốn trở thành người có kỹ năng, chuyên môn nhất định thì con người đều phải đi qua quãng đường không bằng phẳng”, Hùng bộc bạch.

Khi xin học bổng vào các trường ĐH tại Mỹ, Hùng rải hồ sơ một lượt và ban đầu nhận kết quả “rớt như sung rụng”, ngay cả những trường mà Hùng tin chắc sẽ đậu. ĐH Stanford là trường cuối cùng công bố, Hùng không mấy hy vọng vì tỷ lệ chọn cực kỳ thấp. Nhưng rồi kết quả lại khiến Hùng “không thể tin vào mắt mình”.

Khao khát đóng góp cho xã hội

Hùng đang học khoa học máy tính, song vẫn cho hay những kiến thức về lĩnh vực xã hội nhân văn rất quan trọng. Hùng lấy ví dụ tại phòng Lab, Hùng và mọi người đang thiết kế công cụ kiểm soát bằng giọng nói, ứng dụng trong các ngôi nhà thông minh. Nhiệm vụ của Hùng là làm hệ thống để người dùng cảm thấy thoải mái, tự nhiên nhất, để con người là trung tâm của thiết kế. Như vậy, kỹ sư phải xem xét cả khía cạnh tâm lý con người.

“Một kỹ sư tạo ra công cụ, thì công cụ đó chỉ có giá trị khi được sử dụng bởi con người. Mình cần hiểu công cụ tạo ra được dùng trong môi trường nào, bởi con người nào, đem giá trị nào cho con người mà mình đang hướng tới”, Hùng nói.

Một ngày bình thường của Hùng ở ĐH Stanford trôi đi rất nhanh với lịch học ở giảng đường, làm việc ở phòng Lab, khi mệt mỏi thì đọc sách, nghe nhạc khi cuối ngày. Hùng nói vui “những người trong ngành nói rằng phần lớn thời gian của chúng tôi là đi tìm xem mình đang code sai ở đâu”.

Một thần tượng của Hùng là tiến sĩ Vũ Duy Thức, thuộc ngành trí tuệ nhân tạo của ĐH Stanford, người sáng lập công ty về robot, đã phát triển sản phẩm robot trợ giúp người già và nhận được đơn đặt hàng ở thị trường Mỹ và thế giới. Hùng, đang học thạc sĩ Stanford từ năm 3 đại học, bộc bạch: “Tôi luôn ngưỡng mộ những gì anh Thức làm và luôn nỗ lực cố gắng, để làm sao mình cũng có thể tạo ra được công cụ hỗ trợ được nhiều người, được đóng góp cho xã hội”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.