Học thế nào trong thế giới nhiều thay đổi?: Trao quyền chủ động cho giáo viên

27/11/2022 07:15 GMT+7

Là một giáo viên nên khi đọc chủ đề diễn đàn 'Học thế nào trong thế giới nhiều thay đổi' của Báo Thanh Niên , tôi nhận thấy các thầy cô và cả ngành giáo dục phải thay đổi phương pháp giảng dạy trong thế giới ấy.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được áp dụng, với mục tiêu nhắm đến là sự phát triển về các phẩm chất, năng lực, kiến thức cho học trò nhằm đáp ứng với xu thế phát triển không ngừng của thời đại.

Mục tiêu là thế, nhưng để đạt được điều đó trong thực tế, thì chặng đường phía trước có lẽ còn xa và vất vả.

Để dạy được trong thế giới nhiều thay đổi, người thầy phải thay đổi. Nhưng những thay đổi đó không mang tính đơn độc, bột phát mà đòi hỏi phải có sự thay đổi linh hoạt từ các chủ trương, quyết sách của ngành giáo dục, khi mạnh dạn bỏ đi những cái cũ để đáp ứng với hơi thở của thời đại số.

Trong thế giới nhiều thay đổi, ngành giáo dục và chính giáo viên cần có nhiều sự đổi mới

đ.n.t

Thứ nhất, cần sự đổi mới linh hoạt trong kiểm tra đánh giá, và thi cử. Khi thoát khỏi lối kiểm tra truyền thống, với các bộ khung cứng về cấu trúc, yêu cầu kiểm tra đến từng chương, từng bài, thì người thầy mới mạnh dạn đổi mới cách dạy mà không sợ thiệt thòi cho trò. Lúc đó, thầy cô mới có thời gian để tổ chức, hướng dẫn đồng hành cùng các em trong các hoạt động tìm tòi, vận dụng và trải nghiệm mà không phải lo lắng đến việc chạy theo chương trình.

Thay vì kiểm tra tập trung, dồn dập như hiện nay, hãy để giáo viên tự chủ trong cả nội dung, hình thức và thời gian kiểm tra.

Thứ hai, đổi mới về hồ sơ sổ sách giáo viên. Hãy mạnh dạn bỏ đi việc soạn giáo án nặng tính đối phó, các kế hoạch hình thức vì nguồn học liệu mở hiện nay đã đủ để thầy cô đảm bảo chất lượng bài dạy của mình.

Thay vào đó, mỗi thầy cô tạo cho chính mình một “kho” tài liệu được lưu trữ trên các nền tảng số, để có thể dễ dàng chia sẻ cho học sinh, bổ sung cập nhật kịp thời.

Thứ ba, tạo điều kiện về phương tiện, cơ sở vật chất, về hoạt động trải nghiệm thực tế. Hãy để thầy trò được đến, để ngắm, để sờ, để trải nghiệm các bài học thực tế, thay vì học sinh phải ngồi ngao ngán xem qua video mà thầy cô chiếu qua tivi.

Tạo điều kiện về phương tiện, cơ sở vật chất, về hoạt động trải nghiệm thực tế

thanh lộc

Thậm chí, nhiều nơi còn không có tivi để xem, thầy và trò lại phải dạy chay, học chay qua sách. Nên cần sự đầu tư đồng đều, kịp thời giữa tất cả cơ sở giáo dục, nhất là những nơi khó khăn, tạo sự bình đẳng trong việc được giáo dục cho mọi trẻ em. Nhưng đồng thời tránh việc chất thêm gánh nặng về chi phí tham gia các hoạt động trải nghiệm này lên những gia đình còn khó khăn.

Thứ tư, bản thân người thầy phải là tấm gương tự học cho học sinh noi theo, để không bị tụt hậu so với thời đại. Khi kiến tạo một xã hội học tập, gia đình học tập, và “hít thở” bầu không khí học tập đó thì thầy và trò mới có thể bước cùng nhịp với thế giới bên ngoài.

Để thay đổi cùng với thế giới, ta luôn phải đặt câu hỏi “Tại sao không?”, để từ đó có thể để mạnh dạn tự thay đổi và làm mới mỗi ngày. Để học sinh thích nghi được trong thế giới thay đổi ấy, người lớn phải tạo môi trường để các em làm quen, lớn lên và không bị sốc khi bước chân vào ngưỡng cửa các trường cao đẳng, đại học và cuộc sống.

Điều đó cần đến trách nhiệm của các trường, của ngành giáo dục, và sự chung tay của toàn xã hội.

Diễn đàn: "Học thế nào trong thế giới nhiều thay đổi?"

Nhằm hướng đến một mục tiêu giáo dục trong thời kỳ mới với nhiều đổi thay và biến động từng ngày, Báo Thanh Niên mở diễn đàn: “Học thế nào trong thế giới nhiều thay đổi?”. Bạn đọc vui lòng gửi bài viết theo địa chỉ email:[email protected]. Trân trọng cảm ơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.