Học thêm 'vì chương trình nặng'?

14/05/2024 06:05 GMT+7

Nhiều phụ huynh cho biết lý do phải cho con cấp tiểu học đi học thêm trái với quy định của Bộ GD-ĐT vì 'chương trình hiện nay nặng'. Thực tế như thế nào?

Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) hiện nay có quá tải với học sinh (HS) tiểu học không? Và nếu không học thêm, nếu chỉ học trên lớp thì HS có đáp ứng được yêu cầu môn học hay không?

"CHƯƠNG TRÌNH KHÔNG NẶNG"

Một nhà giáo làm công tác quản lý tại TP.HCM khẳng định: "Chương trình không nặng. Trẻ em tiểu học hiện nay đa số học 2 buổi/ngày, các em cứ yên tâm với chương trình, hoạt động giáo dục trên trường. Nội dung kiểm tra cũng trong chương trình học. Chương trình GDPT 2018 phát triển năng lực phẩm chất của HS. Nhiều người hay so sánh chương trình mới nặng hơn chương trình cũ, theo tôi mỗi chương trình phù hợp với mỗi giai đoạn, giáo dục phải đổi mới".

Nhà giáo này cho biết: "HS tiểu học đi học thêm là xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh, đừng đổ lỗi cho chương trình. Người thấy con học xong trên trường là ổn, người muốn con phải vào trường chuyên lớp chọn, tham gia các sàn đấu trí tuệ và đưa con đi học thêm. Người thì thấy con điểm 5, 6 là hài lòng, người thì muốn con phải vào các trường như trường Trần Đại Nghĩa, nên cho con đi bồi dưỡng thêm".

Học sinh lớp 4 đang theo học chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Theo các giáo viên, chương trình mới thiết kế không nặng với bậc tiểu học.

Học sinh lớp 4 đang theo học chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Theo các giáo viên, chương trình mới thiết kế không nặng với bậc tiểu học.

ĐÀO NGỌC THẠCH

CHỈ CẦN HOÀN THÀNH CHƯƠNG TRÌNH TRÊN LỚP

Thầy Văn Nhật Phương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Đình Chinh (Q.11, TP.HCM), khẳng định: "Các môn học ở chương trình GDPT 2018 được thiết kế nhẹ nhàng, Bộ GD-ĐT đã nghiên cứu phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi HS. Trong quá trình giảng dạy, nếu có những vấn đề phát sinh sẽ được thay đổi để giảm tải, như trong mùa dịch Covid-19 chẳng hạn, sẽ có những điều chỉnh để giảm áp lực cho HS. Việc đánh giá HS trên trường gồm đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ. Ví dụ HS lớp 4 - 5 có 4 chặng kiểm tra: giữa kỳ 1, cuối kỳ 1, giữa kỳ 2, cuối kỳ 2 để đánh giá việc tiếp thu kiến thức, học tập của các em. Các môn kiểm tra tập trung như toán, tiếng Việt, lịch sử - địa lý… sẽ lấy điểm, còn các môn âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất sẽ đánh giá hoàn thành hay tốt".

Vậy tại sao phụ huynh cho con cấp tiểu học đi học thêm? Hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP.HCM nhìn nhận: "Các con chỉ cần hoàn thành chương trình trên lớp là được. Ở bài kiểm tra cuối kỳ 2, các con chỉ cần 5 điểm mỗi môn trở lên là đạt, là có thể xét lên lớp. Nhưng nhiều phụ huynh muốn con tốt hơn nữa nên cho con đi học thêm". Hiệu trưởng này cũng cho rằng học thêm ở bậc tiểu học từ nhu cầu đa dạng của cha mẹ HS. Người muốn có người kèm cặp, ôn bài cho con, người muốn con tốt hơn một kỹ năng nào đó.

HỌC THÊM DO NHU CẦU CỦA PHỤ HUYNH

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.Bình Tân (TP.HCM) kể với PV Thanh Niên, trong thực tế chính vị này tận mắt quan sát thấy trẻ em được cha mẹ gửi tới một trung tâm bồi dưỡng kiến thức từ 5 giờ 30. Trẻ có người trông, cho ăn sáng giùm rồi đưa qua trường tiểu học, hết buổi lại đón về. Với đặc thù là quận có nhiều khu công nghiệp, người lao động làm công nhân, buôn bán tự do, nhiều cha mẹ phải đi làm sớm, về trễ. Do đó, họ phải gửi con tới các trung tâm học ngoài giờ để vừa có người trông con, vừa giúp con được ôn bài, dò kiến thức; rồi 7 - 8 giờ tối, cha mẹ đi làm về thì đến rước con. Đây là một lựa chọn của cuộc sống, không thể làm khác.

Học sinh rời các lớp, trung tâm học thêm khi trời tối mịt

Học sinh rời các lớp, trung tâm học thêm khi trời tối mịt

NHẬT THỊNH

"Phụ huynh nói chương trình của tiểu học hiện nay nặng quá, không cho đi học thêm không được là không có cơ sở. Năm học 2023 - 2024, ở tiểu học, chương trình GDPT 2018 đã triển khai tới hết lớp 4. Chương trình mới thay đổi cách đánh giá HS, nhằm phát triển năng lực, phẩm chất người học. Nhiều nội dung còn giảm tải kiến thức cho HS, ví dụ với môn toán lớp 4, dạng bài giải toán có lời văn đã giảm đi nhiều, có nhiều bài toán thực tế cho HS. Chương trình GDPT 2018 cũng được thiết kế để HS tiểu học học 2 buổi/ngày. Do đó, không cần đi học thêm bên ngoài, chỉ cần học đúng, đủ trên lớp, là có thể hoàn thành chương trình", hiệu trưởng này cho biết.

Trao đổi với PV Thanh Niên, tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền (hiện là cố vấn xây dựng chương trình GDPT ở các trường ngoài công lập tại VN) cho biết ở bậc tiểu học, chương trình GDPT 2018 được đội ngũ các nhà khoa học thiết kế phù hợp với tất cả các vùng miền, kể cả vùng sâu, vùng xa, cân nhắc để phù hợp với số đông và được tính toán để triển khai học 2 buổi/ngày. "Quan trọng nhất là căn cứ vào yêu cầu cần đạt chương trình hiện hành ở VN, tôi quan sát thì đại đa số không phải khó khăn gì để HS được đánh giá "đạt", giáo viên cũng không cần tăng tiết. Do đó, việc bắt trẻ học thêm để có kết quả cao hơn chủ yếu đến từ nhu cầu phụ huynh mà không phải do chương trình", tiến sĩ Huyền nhấn mạnh. 

Không cần đi luyện thi khảo sát đánh giá năng lực vào lớp 6

Theo kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học mới 2024 - 2025 của TP.Thủ Đức, Phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức sẽ ra đề cho bài thi khảo sát đánh giá năng lực vào lớp 6 của 3 trường trong địa phương là THCS Trần Quốc Toản 1, THCS Hoa Lư, THCS Bình Thọ.

3 trường sẽ thi chung một đề, một ngày và cũng sẽ không trùng với ngày thi vào lớp 6 của Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa (đang thực hiện đề án tách ra từ Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) để HS có thêm cơ hội vào trường THCS mong muốn.

Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức, TP.HCM, cho biết cấu trúc đề thi cũng tương tự đề thi vào lớp 6 Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa nhưng mức độ khó sẽ không bằng, đề thi sẽ "dễ thở" hơn.

"Chúng tôi rất chú trọng khâu bảo mật đề thi, giáo viên được lựa chọn để ra đề thi phải không tham gia bất cứ trung tâm dạy thêm nào nhằm đảm bảo đề thi không lọt ra ngoài. Dù HS đó có trúng tuyển vào lớp 6 bằng kỳ thi khảo sát đánh giá năng lực này hay không thì cũng đã có 1 trường THCS được phân tuyến. Vì thế, phụ huynh cứ yên tâm đủ chỗ học cho tất cả HS vào lớp 6. Nhiều phụ huynh lo lắng con thi khảo sát đánh giá năng lực xong nếu bị rớt thì không có chỗ học, khiến các em phải học tập, ôn luyện rất căng thẳng. Chúng tôi mong HS có ngày thi vào lớp 6 bằng hình thức khảo sát, đánh giá năng lực nhẹ nhàng, không áp lực. Các em không cần luyện thi căng thẳng, chỉ cần đảm bảo các kiến thức đã học ở bậc tiểu học, cộng với kiến thức tiếng Anh của các em là đủ", ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.