Học thiết kế đồ họa nhưng đi làm thầy giáo mầm non

16/07/2024 15:15 GMT+7

Anh Phạm Thanh Tuấn tốt nghiệp một trường đại học, ngành thiết kế đồ họa nhưng không có đam mê. Nhận thấy mình yêu thích công việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ, anh tiếp tục học sư phạm mầm non và trở thành thầy giáo mầm non được nhiều học trò thương mến.

Học thiết kế đồ họa nhưng đi làm thầy giáo mầm non- Ảnh 1.

Thầy giáo mầm non Phạm Thanh Tuấn

THÚY HẰNG

Thầy giáo Phạm Thanh Tuấn, giáo viên Trường mầm non Thỏ Ngọc, TP.Thủ Đức, TP.HCM năm nay 35 tuổi. Anh được những học trò mến thương của mình ở trường gọi là "ba Tuấn". Thầy giáo mầm non cho hay anh đã bắt đầu công việc chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non được 10 năm nay.

Trước khi làm việc ở Trường mầm non Thỏ Ngọc, thầy giáo quê Tiền Giang có thời gian đi dạy trường ngoài công lập, sau đó anh thi đậu trong đợt tuyển giáo viên của một trường công lập ở H.Bình Chánh. Hai năm trở lại đây, anh chuyển công tác về dạy ở TP.Thủ Đức.

Đi theo đam mê chưa bao giờ là trễ

Thầy Tuấn cho hay khi anh còn là học sinh thì việc được định hướng ngành nghề chưa được nhiều thuận lợi như bây giờ. Thấy bạn bè chọn lựa học ngành gì, nhiều người lại chọn theo mà không rõ bản thân thật sự mong muốn gì. "Tôi thi đậu ngành thiết kế đồ họa và học xong 4 năm, nhận bằng tốt nghiệp của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, tuy nhiên ra trường rồi tôi vẫn không tìm thấy niềm đam mê với ngành mình được học. Cùng lúc đó, tôi nhận ra mình rất thích chơi cùng trẻ em, tổ chức các hoạt động cho các bé, từ đó tôi đã quyết định đi học lại ngành giáo dục mầm non", thầy giáo mầm non Phạm Thanh Tuấn kể lại.

Thầy Tuấn học mầm non của một trường trung cấp, sau đó ra trường anh vừa đi dạy ở một trường mầm non tư thục, vừa học ngành giáo dục mầm non của Trường ĐH Vinh và đã lấy bằng tốt nghiệp ĐH. Anh cho biết khi tìm thấy đam mê của mình và đi theo đam mê thì chưa bao giờ là trễ. Đồng thời, những kiến thức được học từ ngành thiết kế đồ họa trước đó cũng hỗ trợ anh rất nhiều trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ em ở các trường mầm non. Đặc biệt là các hoạt động giáo dục về thẩm mỹ, tạo hình.

Học thiết kế đồ họa nhưng đi làm thầy giáo mầm non- Ảnh 2.

Học thiết kế đồ họa nhưng thầy Tuấn rẽ lối làm giáo viên mầm non vì yêu thương trẻ

THÚY HẰNG

"Nhiều năm trước, khi mới đi làm, tôi cũng có nhiều bỡ ngỡ, khó khăn. Ban đầu, khi thấy tôi là giáo viên nam, nhiều phụ huynh còn chưa tin tưởng, nhiều người e ngại là không biết tôi có thể chăm sóc, nuôi dạy trẻ tốt được không. Mọi người cũng hay tò mò, chú ý xem tôi sẽ lên tiết dạy như thế nào, tổ chức hoạt động cho trẻ ra sao. Dần dần, thấy tôi chăm sóc trẻ tận tình, tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, học tập bổ ích, thiết thực cho trẻ, được trẻ yêu mến, các phụ huynh đã thay đổi cái nhìn. Tôi nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ rất lớn từ các phụ huynh, gia đình trẻ", thầy giáo Phạm Thanh Tuấn chia sẻ.

Là giáo viên nam duy nhất của Trường mầm non Thỏ Ngọc, TP.Thủ Đức, thầy Tuấn cho hay mình còn có những lợi thế khác khi đi làm như luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ ban lãnh đạo trường, ban lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức...

Đừng e ngại những định kiến

Đang phụ trách lớp chồi, nơi có các trẻ 4-5 tuổi, trên lớp, thầy giáo Tuấn luôn tìm tòi những phương pháp giáo dục sáng tạo, cho trẻ có nhiều hứng thú trong các hoạt động trên lớp, vui vẻ khi đến trường. Thầy giáo cho hay gia đình luôn ủng hộ các quyết định của anh khi chọn học lại sư phạm mầm non cũng như gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ.

"Xã hội ngày càng phát triển, ngành nào cũng bình đẳng như nhau. Do đó tôi muốn nói với các bạn nam khác rằng nếu các bạn đang yêu thích ngành sư phạm mầm non thì đừng ngần ngại đi học, đi làm để thỏa sức đam mê của các bạn. Đừng e ngại những định kiến. Khi bạn làm việc có đam mê thì từ niềm đam mê đó bạn mới có thể phát huy thế mạnh, đóng góp, cống hiến cho xã hội nhiều hơn. Ngành nghề nào cũng vậy, khi bạn làm nghề chân chính thì mọi người đều ủng hộ", thầy giáo mầm non bộc bạch.

Học thiết kế đồ họa nhưng đi làm thầy giáo mầm non- Ảnh 3.

Bà Lê Thụy Mỵ Châu chúc mừng các cô giáo, thầy giáo mầm non

THÚY HẰNG

Học thiết kế đồ họa nhưng đi làm thầy giáo mầm non- Ảnh 4.

THÚY HẰNG

Học thiết kế đồ họa nhưng đi làm thầy giáo mầm non- Ảnh 5.

Các giáo viên mầm non được trao giải sáng 16.7

THÚY HẰNG

Sáng nay, 16.7, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức lễ tổng kết, trao giải Giáo viên mầm non dạy giỏi cấp thành phố chủ đề "Xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục" năm học 2023-2024. Có tất cả 98 giáo viên mầm non được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Trong đó có 10 giải nhất, 30 giải nhì, 58 giải ba. Thầy giáo Phạm Thanh Tuấn là giáo viên nam duy nhất của hội thi cấp thành phố, và được trao giải ba.

Tại lễ trao giải, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, biểu dương sự nỗ lực của các địa phương, phòng GD-ĐT các quận, huyện, TP.Thủ Đức, các trường mầm non đã tham gia và có giáo viên đạt giải. Theo bà Châu, hội thi đã góp phần nâng cao tay nghề, chuyên môn của các cô giáo, thầy giáo mầm non, hướng tới mục tiêu xây dựng trường mầm non hạnh phúc lấy trẻ làm trung tâm, đồng thời càng khẳng định chất lượng giáo dục mầm non thành phố.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.