Học tốt nhờ phương pháp học khoa học

09/11/2020 08:30 GMT+7

Vượt qua những khó khăn bỡ ngỡ của ngày đầu bước vào giảng đường đại học, nhiều bạn trẻ đã nỗ lực học tập bằng những phương pháp hiệu quả, khoa học.

Trang bị ngoại ngữ từ khi còn là học sinh

Từng hạn chế về ngoại ngữ nhưng giờ đây Nguyễn Trường Thọ, 21 tuổi, quê Sóc Trăng, sinh viên ngành Kỹ thuật dầu khí, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM, đã đạt được những thành tích đáng nể như sinh viên giỏi toàn diện của khoa, học bổng của khoa dành cho sinh viên có điểm trung bình và rèn luyện cao nhất toàn khóa cùng với số điểm IELTS 7.0/9.0.
Theo Trường Thọ nên trang bị tiếng Anh từ khi còn là học sinh để không bỏ lỡ nhiều cơ hội: “Học tiếng Anh không nên chú trọng quá vào ngữ pháp, mà phải học cách sử dụng như cách sử dụng tiếng Việt, vì khi quá chú trọng ngữ pháp thì chỉ làm tốt được bài kiểm tra chứ không hiểu về ngôn ngữ...”.
Chia sẻ về việc học tốt các môn tự nhiên, theo Trường Thọ cần có tư duy logic, và chịu khó nghiên cứu. “Khi làm một bài kiểm tra thì đề không thể nào giống như bài tập đã được hướng dẫn trước đó, vì vậy mình phải hiểu sâu vấn đề, ví dụ có một công thức thì bạn phải tìm hiểu làm sao có công thức đó...”, Thọ nói.
Ngoài ra, theo Thọ cần cân bằng giữa học và chơi để giúp đầu óc thư giãn, giải trí: “Bên cạnh học kiến thức, mình vẫn dành thời gian đi đá banh, chơi game,… giúp mình thư giãn, có thêm năng lượng để học tốt hơn”, Trường Thọ nói.

Lấy cái khó làm động lực

Để vừa học tập tốt vừa có kỹ năng sống thì cần học cách thích nghi, giải quyết từng vấn đề, biết cân bằng mọi thứ.

Lương Thảo Hân (thứ 2 từ trái sang) tự tin hòa nhập với môi trường đại học

Ảnh: NVCC

Lương Thảo Hân, sinh viên ngành y đa khoa Trường ĐH Y dược Cần Thơ, cựu học sinh Trường THPT An Lạc Thôn, tỉnh Sóc Trăng, đạt những thành tích như danh hiệu sinh viên giỏi với điểm trung bình là 3,34/4, chia sẻ về cách học tập: Nên lấy cái khó làm động lực, đặt mục tiêu học tập, từ những mục tiêu đã đặt ra mà có cách học phù hợp. Khi đến lớp nên chú tâm nghe giảng, về nhà thì triển khai kiến thức thành dàn bài, viết ra giấy để ghi nhớ tốt hơn. Ngoài học kiến thức ở trường thì theo Thảo Hân cần đọc thêm nhiều loại sách.
Theo Hân, ngoài giờ học cần dành thời gian cho hoạt động vui chơi, tập thể thao từ đó để cải thiện được sức khỏe, kỹ năng giao tiếp,… “Học ở quê tuy có thiếu thốn về điều kiện vật chất nhưng mình cũng có những ưu điểm riêng như chịu khó, kiên trì, dễ thích nghi với môi trường mới, khỏe mạnh, dẻo dai có nhiều lợi thế trong các hoạt động ngoại khóa”, Hân chia sẻ. 
Để không bị thua sút kiến thức người trẻ ở vùng sâu, vùng xa cần làm gì ?

Hồ Văn Nhật Trường đạt giải nhất trong kỳ thi Olympic Sinh học Sinh viên toàn quốc năm 2020

Ảnh: NVCC

Hồ Văn Nhật Trường, 22 tuổi, quê Bến Tre, tốt nghiệp loại xuất sắc với điểm trung bình tích lũy là 3,86/4, thủ khoa tốt nghiệp K42 ngành Sư phạm sinh học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết để học tốt cần có hai phương tiện: “Phương tiện thứ nhất chính là công nghệ thông tin, tin học căn bản để có thể dễ dàng tiếp cận được với nguồn tài liệu phù hợp. Thứ hai là biết chọn lọc tài liệu, giáo trình môn học”. 
Theo Nhật Trường, khó khăn về kinh tế cũng vấn đề khiến nhiều bạn không theo đuổi được con đường học vấn mặc dù học rất giỏi: “Nếu gặp khó khăn về kinh tế, các bạn có thể 'săn' các suất học bổng, và học bổng thường kèm theo điều kiện học lực, giúp bạn có động lực học tập hơn”.

Viết bài theo sơ đồ tư duy

Theo Văn Thành Huy, 22 tuổi, quê Ninh Thuận, sinh viên ngành giáo dục chính trị, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, các bạn trẻ chọn học các ngành xã hội cần có phương pháp học đúng đắn từ đầu. “Nên viết bài theo dạng sơ đồ tư duy, tự trang trí bằng nhiều màu sắc khác nhau tuy hơi mất thời gian nhưng kiến thức sẽ được khắc sâu”, Thành Huy chia sẻ.

Văn Thành Huy (thứ 2 từ phải qua) tích cực tham gia các hoạt động đoàn hội

Ảnh: NVCC

Ngoài ra, theo Huy cũng nên học từ bạn bè, thường xuyên học nhóm, tận dụng internet để tạo nhóm chia sẻ thêm kinh nghiệm học tập tốt hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.