Học trò '4 mắt', vì sao ngày càng nhiều ?

27/02/2021 11:13 GMT+7

Số học trò '4 mắt' chiếm hơn một nửa trong một lớp không còn là điều lạ lẫm ở nhiều trường học. Bên cạnh béo phì , cong vẹo cột sống thì tật khúc xạ trở thành vấn đề ở học đường phổ biến hiện nay.

Ngày 1.3, học sinh sẽ quay trở lại trường sau thời gian học trực tuyến tại nhà. Vậy làm sao để chăm sóc, bảo vệ “cửa sổ tâm hồn” tốt hơn, đặc biệt là trong thời buổi các em đều sử dụng thiết bị điện tử nhiều hơn trước?

Một lớp có 50% học sinh “4 mắt”

Nhiều người thấy học trò đeo kính thường gọi chung là “bị cận thị”, tuy nhiên chưa chính xác. Theo các bác sĩ, tật khúc xạ là một rối loạn mắt, khi mắt không thể tập trung rõ ràng các hình ảnh mắt thu về. Có 3 tật khúc xạ của mắt là cận thị, viễn thị và loạn thị.

Chăm sóc, bảo vệ mắt thế nào ?

Bác sĩ chuyên khoa 1 Bùi Trung Hậu cho hay nên kiểm tra định kỳ mắt 6 tháng - 1 năm một lần, với những người có tật khúc xạ thì thời hạn kiểm tra định kỳ nên 3 tháng một lần để xem có tăng độ hay không. Khi đi khám mắt, nên tới phòng khám hoặc bệnh viện uy tín, không nên tự đi mua kính cho trẻ ở những nơi không rõ nguồn gốc sản phẩm.
Bên cạnh đó, các em nên năng động, tham gia nhiều hoạt động thể dục thể thao, ngoại khóa ngoài trời, để giảm thời gian sử dụng các thiết bị điện tử. Ngồi đúng tư thế, điều kiện ánh sáng tốt, giữ khoảng cách từ mắt tới màn hình, sách, truyện là trên 20 cm. Với trẻ nhỏ, thời gian khuyến khích giải trí với thiết bị điện tử là 30 - 60 phút mỗi ngày.
Đầu năm học, chúng tôi tới Trường THCS Ba Đình (Q.5, TP.HCM) vào giờ học thể dục của một lớp 8. Lớp có hơn 40 học sinh nhưng đếm sơ sơ đã có 20 em đeo kính. Tới căng tin Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Q.1) vào giờ trưa, từng nhóm ngồi ăn cơm thì có bàn cả 5 - 6 em đều đeo kính. Tại sân Trường tiểu học Bông Sao (Q.8) vào giờ ra chơi, nhiều học sinh lớp 1 đã “4 mắt”. Các chiếc kính này đều có thêm một sợi dây nhỏ để giữ cho khỏi rơi trong quá trình các em chạy nhảy, đùa nghịch. Nhân viên y tế của một trường học nói vui với chúng tôi: “Bây giờ ở nhiều lớp học thì tìm học sinh “4 mắt” dễ hơn là tìm các em còn lại”.
Vì sao càng ngày số học sinh có tật khúc xạ ở mắt nhiều hơn, và độ tuổi mà các em phải đeo kính ngày càng thấp hơn? Bác sĩ chuyên khoa 1 Bùi Trung Hậu, làm việc tại Bệnh viện quốc tế Minh Anh (Q.Bình Tân, TP.HCM), cho hay không hẳn là trước đây thì số học sinh mắc tật khúc xạ ít hơn bây giờ, mà có thể nhìn nhận ở góc độ, khi chất lượng cuộc sống được tăng lên, gia đình có điều kiện quan tâm sức khỏe con em mình hơn, cho đi kiểm tra mắt thường xuyên hơn thì sẽ phát hiện các tật khúc xạ ở mắt của con em sớm hơn.
Bác sĩ Bùi Trung Hậu cho biết có nhiều lý do để học trò có tật khúc xạ. Ngoài yếu tố di truyền, có thể kể tới thời gian các em ở trong nhà nhiều hơn, sử dụng thiết bị điện tử nhiều hơn trong thời gian dài hoặc nhìn quá gần, khoảng cách từ mắt tới sách vở, màn hình dưới 20 cm... “Nếu nhìn gần dưới 20 cm hoặc liên tục trong thời gian nhiều hơn 45 phút thì nguy cơ bị tật khúc xạ càng cao”, bác sĩ Hậu nói.
Theo bác sĩ Hậu, nếu học sinh bị tật khúc xạ không được sớm phát hiện và điều trị sẽ gây nhiều hậu quả cho sức khỏe của các em. Ví dụ, bị giảm thị lực, lé, nhược thị. Nhiều em không nhìn rõ bảng nhưng không dám nói với giáo viên, phụ huynh, nên tật khúc xạ ngày càng nặng. Lé ảnh hưởng cả sức khỏe, thẩm mỹ của trẻ, khiến trẻ không tự tin trong cuộc sống. Nhiều em bị nhược thị, không thể khôi phục lại thị lực.

Phẫu thuật để không phải đeo kính, có hiệu quả ?

Bác sĩ Hậu cho biết, ngoài việc đeo kính thì các em trên 18 tuổi có thể thực hiện phẫu thuật để điều chỉnh cận, viễn, loạn thị với các phương pháp khác nhau. Việc phẫu thuật có thực hiện được hay không và hiệu quả 100% hay không, chọn lựa phương pháp nào để phẫu thuật tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của mỗi bệnh nhân, nên cần phải khám và đánh giá kỹ lưỡng để có kết quả tối ưu.
Bất kể ai muốn phẫu thuật để không phải đeo kính đều phải được khám tại các bệnh viện và có những chỉ định, chống chỉ định từ bác sĩ chuyên môn. “Do đó, không thể chủ quan là cứ có tật khúc xạ thì đi phẫu thuật và cũng không có một phương pháp phẫu thuật nào là hiệu quả cho tất cả bệnh nhân. Chỉ có phương pháp thích hợp nhất trên cụ thể từng bệnh nhân. Quan trọng hơn cả là bảo vệ, chăm sóc đôi mắt cho thật tốt”, bác sĩ khuyên.

Cẩn trọng khi dùng kính áp tròng

Sử dụng kính áp tròng để làm đẹp và trong điều trị tật khúc xạ là nhu cầu thiết thực. Song theo các bác sĩ, bạn trẻ đừng ham rẻ mà mua kính áp tròng “trôi nổi”, hoặc dùng sai cách, không tuân thủ vệ sinh. Thực tế, từ các diễn đàn trên mạng cho tới các cửa hàng kính vỉa hè, đều không khó tìm thấy các loại kính áp tròng thời trang, đủ màu, có giá bán chỉ từ vài chục ngàn đồng một đôi.
“Nhiều em mua kính loại dùng 1 ngày nhưng lại dùng vài ngày, dùng cả khi đi ngủ qua đêm. Khi đeo kính, tháo kính ra tay không sạch, không ngâm rửa kính vào dung dịch đúng hướng dẫn”, bác sĩ Hậu lưu ý. Trong đó, viêm loét giác mạc do dùng kính áp tròng không đúng cách là biến chứng gây nguy hiểm cho mắt, nặng nhất có thể dẫn tới mù.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.